Tránh thực phẩm giàu iốt
Chế độ ăn này được bắt đầu từ 14 ngày trước khi uống iode 131 và kéo dài sau đó từ 7 - 10 ngày. Thực phẩm được chia làm 3 nhóm gồm: Giàu iốt, có iốt và ít iốt. Đối với nhóm thực phẩm giàu iốt (> 20mcg iốt/xuất), bệnh nhân không nên sử dụng, hạn chế liều lượng khi sử dụng nhóm có iốt (5 - 20mcg iốt/xuất) và sử dụng nhóm ít iốt (< 5mcg/xuất).
Nhóm thực phẩm giàu iốt nên tránh sử dụng như muối iốt, muối biển, thực phẩm có tẩm ướp muối biển, hải sản và các thực vật sống trong biển gồm rau câu, rong biển, tảo biển. Lòng đỏ trứng và các thực phẩm chế biến từ trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa như chocolate, yaourt, phô mai, kem, thực phẩm có nhuộm phẩm màu đỏ, cam, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành.
Nhóm thực phẩm có iốt nhưng hạn chế sử dụng như thịt không ăn quá 150g thịt/ngày (tương đương 100mcg iốt), gạo và ngũ cốc nhất là được trồng ở vùng đất giàu iốt, bệnh nhân nên ăn vừa phải (dưới 4 bát cơm/ngày).
Nhóm thực phẩm ít iốt: Thông thường nhóm thực phẩm này là nhóm thực phẩm tươi, ít năng lượng, ít chất béo, ít gây tăng cân rất phù hợp cho bệnh nhân đang chờ uống iốt có khuynh hướng tăng cân do suy giáp. Chúng bao gồm trái cây (ngoại trừ sơ ri), rau cải tươi (không qua sơ chế với muối, hay đông lạnh), đậu (ngoại trừ đậu đỏ), mật ong, nước uống có ga như soda, cola, trà và cà phê loại không hòa tan, bia, rượu.
Cần lưu ý chế độ ăn ít iốt không có nghĩa là chế độ ăn không muối. Hơn nữa, chỉ hạn chế iốt chứ không thể có một chế độ ăn không iốt. Khi sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, hay các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng cần xem kỹ thành phần trên hộp, không sử dụng chúng nếu có iốt. Trong thời gian này bệnh nhân nên ăn những thức ăn tự nấu tại nhà vì không biết ở hàng quán có sử dụng muối iốt trong chế biến hay không.
|
Ảnh minh họa. |
Uống nhiều nước
Sau khi uống iode 131, bệnh nhân có thể có cảm giác buồn nôn, nôn. Do đó, ngoài việc sử dung thuốc chống nôn do bác sĩ kê toa, bệnh nhân nên sử dụng những thức ăn dễ tiêu hóa, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày. Thuốc phóng xạ có thể làm khô miệng, thay đổi vị giác nên bệnh nhân có thể ăn không được ngon miệng, nhưng sự thay đổi này mau chóng hồi phục.
Để bảo vệ tuyến nước bọt khỏi tác dụng của chất phóng xạ, ngày đầu tiên uống iode 131 bệnh nhân sẽ được khuyên ngậm kẹo chua, hay nhai kẹo cao su liên tục cho đến 2 - 3 ngày sau đó tùy theo liều iode 131 đã uống.
Để tránh tác dụng của chất phóng xạ lên cơ quan sinh dục, bàng quang và đường tiêu hóa, bệnh nhân được khuyên uống thật nhiều nước theo sức mỗi người, đi tiểu nhiều lần trong ngày. Bệnh nhân nên chủ động ăn những thức ăn có tính nhuận trường như đu đủ, rau lang, đậu bắp... thậm chí uống thuốc nhuận trường để có thể đi tiêu 1 - 2 lần trong ngày.
Để tuân thủ những quy tắc an toàn phóng xạ, chén, đũa, muỗng nên dùng riêng, rửa và phơi trong phòng riêng của bệnh nhân. Khi chấm dứt mỗi đợt điều trị iode 131 hay khi chụp xong xạ hình toàn thân bằng iode 131, bệnh nhân nên trở lại chế độ ăn bình thường, giàu canxi, không kiêng cữ để có một sức khoẻ tốt chuẩn bị cho những đợt điều trị sau.