Đã cắt tinh hoàn vì ung thư, có nên xạ trị?

Google News

(Kiến Thức) - Bác sĩ khuyên nên xạ trị nhưng có người lại bảo không cần. Xạ trị gây biến chứng, hay không xạ trị mới bị biến chứng? 

Hỏi: Tôi bị ung thư tinh hoàn giai đoạn I đã được phẫu thuật cắt bỏ. Hiện tôi rất phân vân vì có bác sĩ khuyên nên xạ trị nhưng có người lại bảo không cần. Xin hỏi xạ trị có gây nhiều biến chứng không? Nếu không xạ thì nguy cơ tái phát và biến chứng ra sao? - Đỗ Mạnh Thắng (Hà Nội).
 Ảnh minh họa.
GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn qua đường bẹn là phương pháp điều trị đầu tiên, việc điều trị tiếp theo tùy thuộc vào mô bệnh học là u tinh hay u tế bào mầm không phải dòng tinh, trong đó quan tâm đến nhóm có yếu tố nguy cơ cao.  
U tinh là loại nhạy cảm với xạ trị. Xạ trị là biện pháp được chọn cho u tinh giai đoạn I với liều chỉ cần đạt 2.000 - 3.000cGy vào vùng dưới cơ hoành, trong đó chủ yếu vào hạch cạnh động mạch chủ. Những trường hợp xạ trị có thể gây nhiều biến chứng như thận hình móng ngựa, thận chậu hoặc có bệnh viêm ruột hoặc trước đã được xạ trị tại vùng hiện cần xạ, có thể không cần xạ nhưng phải theo dõi sát. 
Một số trường hợp T1, T2 cũng có thể theo dõi sát nếu có điều kiện. Cần lưu ý là có khoảng 15 - 20% bệnh nhân u tinh ở giai đoạn I tái phát nếu không xạ trị. Với liều xạ nói trên cùng với kỹ thuật tốt, tỷ lệ biến chứng không cao nên chỉ bỏ xạ trị khi thật cần thiết.
PV (ghi)

Bình luận(0)