4 phương dược chủ trị ung thư dạ dày

Google News

(Kiến Thức) - Ung thư dạ dày (UTDD) là một bệnh có biểu hiện lâm sàng rất phức tạp, đa phần bệnh được phát hiện vào giai đoạn giữa và cuối.

 
Đông y có thể can thiệp vào tất cả các giai đoạn của bệnh với vai trò là chính hoặc phụ một cách linh hoạt trên nguyên tắc biện chứng luận trị theo tính chất của thể bệnh. 
Thể can vị bất hòa: Bụng đầy trướng, đau tức hai bên sườn, ợ chua, ợ hơi, tinh thần căng thẳng buồn bực, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng nhạt. Phép trị: Sơ can hòa vị, giáng nghịch chỉ thống. Phương dược "sài hồ sơ can tán gia giảm": Sài hồ, bạch thược, đương quy, bạch linh mỗi vị 15g, đại giả thạch 20g, tuyền phúc hoa 12g, bán hạ chế 18g, sinh khương 10g, cam thảo 6g, xuyên khung 15g, uất kim 15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Nếu môi khô miệng khát, bụng trướng và có cảm giác nóng rát bỏ đương quy, sài hồ và sinh khương, gia ngô thùy 6g, hoàng liên 10g và hoàng cầm 10g để thanh nhiệt và tiêu trừ bĩ mãn. Nếu đại tiện táo kết, phủ khí bất thông gia quá lâu nhân 15g, uất lý nhân 10g, hỏa ma nhân 10g để nhuận táo thông tiện. Nếu ợ hơi, ợ chua nhiều, chậm tiêu gia sơn tra, thần khúc, liên kiều và lai phục tử để tiêu thực hóa tích, tiêu trệ.
Thể tỳ vị hư hàn: Đau bụng âm ỉ khi xoa nhẹ hoặc chườm nóng thì đỡ, tăng lên khi ăn đồ sống lạnh, hay nôn ra nước trong, sắc mặt nhợt nhạt, kém tươi, tinh thần mệt mỏi, chân tay lạnh, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhợt bệu và có vết hàn răng, rêu lưỡi trắng và trợn nhuận. Phép trị: Ôn trung hòa vị, kiện tỳ ích khí. Phương dược "lý trung thang hợp tứ quân tử thang gia giảm": Phụ tử chế (sắc trước 10g), can khương 10g, ngô thù 10g, nhân sâm 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, sa nhân 12g, hoàng kỳ 30g, ý dĩ 60g, bán hạ chế 15g, trần bì 15g, cam thảo 6g, sắc uống ngày 1 thang. Nếu tiết tả nhiều gia hoài sơn 30g, khiếm thực 30g, kê nội kim, nhi tra, phá cổ chỉ và nhục đậu khấu mỗi vị 12g để ôn trung chỉ tả. Nếu chướng bụng đầy hơi, buồn nôn, rêu lưỡi dày nhờ thì giảm lượng nhân sâm, gia hoắc hương 20g, thương truật 10g, thảo quả 10g để hành khí, táo thấp và chỉ tả.
Thể vị nhiệt thương âm: Nóng bụng, đầy hơi, ợ chua, đầy trướng sau khi ăn, môi khô miệng khát, ngũ tâm phiền nhiệt, thích uống nước mát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, không rêu hoặc rêu vàng. Phép trị: Thanh nhiệt hòa vị, dưỡng âm nhuận táo. Phương dược "Ngọc nữ tiễn gia giảm": Sa sâm, mạch môn, ngọc trúc và sinh địa mỗi vị 20g, tri mẫu 15g, bạch hoa xà thiết thảo 25g, kim ngân hoa 20g, tảo hưu 15g, tây dương sâm 12g, hoài sơn 30g, cam thảo 6g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Nếu nôn và buồn nôn, thổ đờm dãi bỏ tri mẫu gia bán hạ 15g, hoàng liên 6g, để giáng nghịch trừ đàm và chỉ ấu. Nếu bụng chướng đau, khí huyết bất hòa gia mộc hương, đại phúc bì và huyền hồ sách mỗi vị 15g để hành khí, hoạt huyết và trừ trướng. Nếu táo gia đại hoàng 10g để tả hạ, thông tiện.
Thể đàm thấp trở vị: Ngực bụng đầy trướng, nôn nhiều đờm dãi, miệng nhạt chán ăn, đại tiện khi táo, khi lỏng, rêu lưỡi dày dính, chất lưỡi bệu có vết hằn răng, mạch hoạt. Phép trị: Táo thấp kiện tỳ, tiêu đàm hóa vị. Phương dược "Bạch phúc thang gia giảm": Bán hạ chế 20g, bạch truật 12g, trần bì, phỉ bạch và chỉ thực mỗi vị 15g, hải tảo 30g, bối mẫu 10g, bạch linh 18g, sinh ý dĩ 25g, thái tử sâm 22g, bạch hoa xà thiết thảo 50g, hạ khô thảo 40g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Nếu đoản khí, vô lực gia hoàng kỳ 30g, đẳng sâm 15g để kiện tỳ phù chính. Nếu buồn nôn và nôn nhiều lần gia sinh khương 12g và hoắc hương 15g để hành khí, trừ thấp trọc và chỉ ẩu.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Bình luận(0)