Jack Andraka, học sinh trường trung học Crownsville, Maryland (Mỹ), chưa có một chút kiến thức nào về ung thư vào khoảng 5 năm trước. Cậu đã phải dùng Google và Wikipedia để tìm hiểu tất cả mọi thứ về căn bệnh này.
|
Andraka là một sinh viên biểu hiện rất bình thường nhưng lại có bộ óc siêu việt. |
Động lực lớn nhất khiến cậu tìm hiểu về bệnh ung thư là vào năm 13 tuổi, một người bạn thân mà cậu coi như chú ruột đã qua đời vì ung thư tuyến tụy. Jack lên mạng tìm hiểu và biết được, 80% số ca ung thư này đều phát hiện muộn, dẫn đến cái chết. Ý tưởng nghiên cứu cách thức tầm soát ung thư sớm đã nảy ra trong tiết sinh học của cậu học trò lớp 8, khi Andraka đọc được một bài báo khoa học.
Các bài thử nghiệm sàng lọc ung thư đang được thực hiện trên máu. Nhưng nghiên cứu mới của Andraka lại tập trung vào chỉ dấu sinh học mesothelin (một loại protein gắn kết vào bề mặt tế bào trong các bệnh ung thư).
Andraka cho rằng, những phương pháp thử nghiệm hiện tại đòi hỏi nhiều thiết bị chuyên ngành, đắt tiền và không chính xác. Trong khi với phương pháp mới của cậu, người dùng sẽ chỉ mất 3 cent Mỹ (chưa tới 1.000 đồng) và 5 phút xét nghiệm. Thêm nữa, thời gian thực hiện sẽ nhanh hơn 168 lần, giảm chi phí cho bệnh nhân đến 26.000 lần và độ chính xác cao hơn 400 lần.
Trả lời phỏng vấn trên kênh Parade, Andraka cho biết, cậu đã nhận được bằng sáng chế quốc tế về công nghệ này và đang đàm phán với một số công ty công nghệ sinh học để nghiên cứu ứng dụng sản phẩm an toàn nhất. Sẽ phải mất 2-5 năm để đưa công nghệ vào nghiên cứu lâm sàng và phải thêm 5-10 năm nữa để tung ra thị trường.
Điều đặc biệt ở Jack là khi đến trường, cậu vẫn thể hiện như một học sinh bình thường. Không ai biết cậu đang làm nghiên cứu ung thư. Một số người hay tin thì chê bai: “Jack, đừng có điên nữa, từ bỏ ngay đi, nó không phải việc cho một cậu bé 14 tuổi phải làm”.
Cậu bé đã cố xin các nhà nghiên cứu vào phòng thí nghiệm làm việc. Cậu đã bị từ chối 199 lần và cuối cùng, một nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins đã cho cậu vào phòng thí nghiệm làm nhân viên thử việc.
Ban đầu, bố mẹ Jack rất nghi ngờ khả năng của đứa con 14 tuổi. Nhưng cậu đã thuyết phục được họ đồng thuận để làm động lực cho việc nghiên cứu.
Với công nghệ tầm soát ung thư nhiều ưu điểm vượt trội, Andraka đã giành giải thưởng Thomas Jefferson năm 2014. Đây là giải dành cho những cá nhân xuất sắc dưới 35 tuổi và thường được xem như một giải Nobel cho những hoạt động vì cộng đồng. Cậu cũng được trao giải thanh niên sáng tạo National Geographic Emerging Explorer năm 2014. Cho tới nay, Andraka là người trẻ tuổi nhất được trao giải này.
Andraka cũng đã nhận được thư mời từ Đại học Stanford nhưng cậu vẫn muốn chờ thêm thư mời từ các đại học khác. Cậu mong muốn được tới California nghiên cứu công nghệ sinh học.
Andraka chia sẻ ước mơ trong 10 năm tới sẽ hoàn thành chương trình đào tạo ở một trường đại học y rồi trở thành bác sĩ, tiếp tục những công trình nghiên cứu.
Andraka bật mí, cậu đang nghiên cứu công nghệ sử dụng máy in phun mực để in ra các cảm biến giấy giúp tầm soát các bệnh khác và những chất gây ô nhiễm môi trường như kim loại nặng hay thuốc trừ sâu. Ứng dụng này, theo Andraka, có thể tích hợp trên điện thoại iPhone. Ngoài ra, cậu cũng đang nghiên cứu lập trình robot siêu nhỏ sử dụng DNA nhắm tiêu diệt các tế bào ung thư một cách tối ưu nhất.
Điều đáng khâm phục ở nam sinh này là, cậu không hề cắm đầu vào học và nghiên cứu, Andraka vẫn là một học sinh trung học bình thường. Cậu là thành viên trong đội bơi ở trường và còn là thành viên của nhóm chèo thuyền kayak quốc gia. Giờ rảnh rỗi, Andraka thường lang thang tán gẫu với bạn bè.