Nghi án bác sĩ vô cảm khiến bệnh nhân tử vong

Google News

"Chồng kêu mệt, tôi và con trai cầu cứu bác sĩ, y tá  nhưng chẳng ai đoái hoài. Họ vô cảm đến nhẫn tâm...", vợ bệnh nhân tử vong tại BV Nguyễn Trãi (TP HCM) nói.

Tử vong đúng ngày giỗ cha
Trong đơn khiếu nại cũng như trình bày trực tiếp với XLPL, bà Phạm Thị Thu (74 tuổi, ngụ đường Trần Đình Xu, quận 1, TP HCM) cho hay chồng là Trần Thanh Nam (76 tuổi) có tiền sử mắc bệnh phù đại động mạch được phát hiện từ năm 2014.
Bác sĩ cũng đã khuyến cáo, ông Nam có thể gặp nguy hiểm tính mạng và tử vong bất cứ lúc nào, cái chết có thể chỉ được báo trước 30 phút. Do đó, nếu người bệnh có triệu chứng mệt mỏi, cần được cấp cứu ngay.
Nghi an bac si vo cam khien benh nhan tu vong
 Bệnh viện Nguyễn Trãi.
Tháng 4/2014 ông Nam từng vào Bệnh viện Nguyễn Trãi (địa chỉ 314 đường Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP HCM) cấp cứu vì chứng bệnh trên. Sau đó ông xuất viện trong tình trạng sức khoẻ ổn định hơn năm nay.
Gia đình bà Thu hiểu rõ vấn đề sức khoẻ của chồng, cha họ nên theo dõi kĩ. Trình bày đầu đuôi sự việc, bà Thu kể tỉ mỉ như sau: Sáng ngày 24/3, ông Nam cảm thấy mệt, khó thở nên được gia đình chuyển đến bệnh viện Nguyễn Trãi cấp cứu.
Vợ chồng ông Nam đều là cán bộ hưu trí, đăng kí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện này. Sau khi nhập viện, ông Nam được chăm sóc, sức khoẻ ổn định trở lại.
Trong thời gian 2 ngày lưu lại bệnh viện theo dõi, ông Nam tự đi lại, tự vệ sinh cá nhân và tỉnh táo đọc báo mỗi ngày. Như lời vợ con người xấu số, ông được đánh giá khoẻ nhất trong 20 bệnh nhân đang nằm theo dõi tại phòng cấp cứu khoa tim mạch.
Sang ngày 25/3, ông Nam vẫn khoẻ khoắn trò chuyện với vợ con. Đến ngày 26 là ngày giỗ bố ông Nam, nhưng vì lí do sức khoẻ nên ông không về dự được. Tổ chức đám giỗ xong, khoảng 15h cùng ngày, người nhà đem món cà ri và bánh mì vào bệnh viện cho ông Nam ăn.
Ông ăn hết 2/3, luôn miệng khen ngon, sau đó nằm nghỉ đọc báo: “Ổng tự lấy thuốc, tự cầm chai nước lọc uống. Hai bố con còn trò chuyện đến 19h30 thì mẹ tôi vào tới. Suốt thời gian này gia đình luôn túc trực và không thấy dấu hiệu bất thường nào”, anh Trần Thanh Tiến, con trai ông Nam nói.
Đến 20h ông Nam cảm thấy mệt, mỗi lúc càng yếu. Cùng lúc đó bà Thu phát hiện chồng sốt liền chạy tìm y tá đo nhiệt độ, kết quả ông Nam sốt 39,5 độ. Thấy chồng, cha vẫn mệt, bà Thu hốt hoảng sang phòng trực gọi bác sĩ. Trong phòng lúc này chỉ có 4 nữ điều dưỡng, y tá đều không phản ứng gì.
Trong phòng ông Nam nằm lúc đó có một bác sĩ đang chụp X.Quang: “Tôi nhờ ông ấy gọi bác sĩ đến giúp nhưng bác sĩ này chẳng nói câu nào rồi bỏ đi. Trong khi đó ai nấy trong phòng đều hốt hoảng nhưng không biết phải làm gì”, anh Tiến nói.
Còn bà Thu sau khi cầu cứu tại phòng trực của bác sĩ không có kết quả đã chạy tiếp ra phòng cấp cứu gần cổng yêu cầu giúp đỡ. Tại đây một bác sĩ trả lời: “Bà nhìn kìa, hàng chục người đang nằm ở đây chỉ có mình tôi, tôi không đi được”.
Hốt hoảng, bà Thu hễ thấy phòng nào có người đều chạy vào kêu cứu: “Chỉ có một người mặc áo blouse trả lời anh ta không phải bác sĩ nhưng sẽ gọi giúp bác sĩ đến”, bà Thu kể.
Sau khoảng 30 phút chạy đôn chạy đáo tìm bác sĩ, bà Thu quay lại phòng bệnh thì chồng đã thở yếu. Theo mô tả của anh Tiến, cha của anh mặt mày biến sắc tái trắng, lưỡi cong lại. Ông cố rướn cổ muốn nói gì đó nhưng không thể cất giọng.
Mãi lúc này mới có một y tá vào phòng và đo huyết áp: “Tôi nhìn đồng hồ máy huyết áp thấy kim không nhảy nữa rồi. Có một bác sĩ chạy vào, trao đổi nhỏ với y tá rồi mời tất cả người nhà bệnh nhân ra ngoài”, anh Tiến kể.
Ở bên ngoài kê cao ghế nhìn vào, anh thấy bác sĩ, y tá hô hấp nhân tạo cho bố mình. Sau chừng 40 phút, bác sĩ bước ra trả lời không thể cứu, ông Nam đã chết. Bác sĩ trả lời miệng với gia đình bà Thu là ông Nam chết do vỡ động mạch chủ. Còn theo người nhà, ông Nam đã chết từ lúc y tá đo huyết áp. Những động tác hô hấp nhân tạo chỉ để “minh họa”, che mắt gia đình bệnh nhân.
Sự vô cảm đến lạ lùng?
Đau buồn, phẫn nộ, anh Tiến gọi điện lên giám đốc bệnh viện phản ánh sự việc ngay trong đêm 26/3. Tổ chức đám tang cho chồng xong, bà Thu tiếp tục khiếu nại nhưng lãnh đạo bệnh viện Nguyễn Trãi chỉ hứa tìm hiểu nghiêm túc sự việc.
Nghi an bac si vo cam khien benh nhan tu vong-Hinh-2
 Bà Thu uất ức “không nghĩ rằng bác sĩ y tá tại bệnh viện Nguyễn Trãi lại vô cảm với bệnh nhân như vậy”
Đến ngày 5/4, tức sau 10 ngày ông Nam chết, gia đình bà Thu chưa hề nhận được bất kì câu trả lời nào chính thức nào từ bệnh viện Nguyễn Trãi.
Anh Tiến cho biết chiều ngày 25 tính chuyển viện cho ông Nam bởi thái độ làm việc thờ ơ của bác sĩ. Nhưng chưa kịp chuyển thì xảy ra việc đáng tiếc. Một phần gia đình bận tổ chức đám giỗ, phần thấy sức khoẻ ông Nam tiến triển tốt.
“Bố tôi nhập viện 2 ngày nhưng gia đình chưa hề được gặp bác sĩ điều trị. Nhiều lần tôi tìm bác sĩ hỏi về tình trạng bệnh, phác đồ điều trị cho bố đều không được. Chúng tôi thắc mắc tại sao bác sĩ trực lại vắng mặt khỏi bệnh viện thì nữa bác sĩ tên Mai trả lời “chỉ ra ngoài chút xíu, khi được báo tin quay vào ngay”, con trai ông Nam bức xúc.
Tuy nhiên theo tính toán của gia đình bệnh nhân, từ lúc bà Thu phát hiện chồng lên cơn sốt đến lúc bác sĩ vào phòng hô hấp nhân tạo mất chừng 1 giờ.
Ngồi bên di ảnh chồng, bà Thu thẳng thắn trong trường hợp ông Nam chết do chuyển đến cấp cứu chậm hoặc tử nạn trong điều kiện bất khả kháng, gia đình sẵn sàng chấp nhận. Đằng này bà phát hiện chồng có dấu hiệu bất thường, tìm gọi bác sĩ cả tiếng đồng hồ. Điều khiến bà bức xúc là y đức, sự vô cảm đến lạ lùng của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Nguyễn Trãi.
Về mặt chuyên môn, nhiều bác sĩ cho biết với chứng bệnh phù đại động mạch, chỉ cần phát hiện và cấp cứu kịp thời sẽ cứu được bệnh nhân. Trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ có thể can thiệp làm giảm huyết áp, rút bớt máu tránh nguy cơ vỡ động mạch.
Theo Mai Long/Báo pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)