Giao lưu trực tuyến: Làm thế nào hạn chế tai biến y khoa ở Việt Nam?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều câu hỏi được gửi về và các khách mời đã giải đáp chi tiết trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “LÀM THẾ NÀO HẠN CHẾ TAI BIẾN Y KHOA Ở VIỆT NAM?".

Theo thống kê, ở các nước phát triển, tỷ lệ tai biến y khoa chiếm khoảng từ 0,4 - 16% số trường hợp nhập viện; với các nước đang phát triển, tỷ lệ này cao hơn do những thiếu hụt về nhân lực có chất lượng, trang thiết bị thiếu thốn, trình độ quản lý còn hạn chế. Ví như nước Mỹ, hàng năm có khoảng 100.000 người bệnh chết do lỗi lầm của tai biến y khoa, tức cứ 100 người vào viện có 3,7% gặp tai biến y khoa.
Hiện, ở Việt Nam có khoảng hơn 400.000 lượt khám tại bệnh viện (chưa kể các phòng khám và trạm y tế), khoảng 200.000 người bệnh điều trị nội trú tại các bệnh viện. Tuy chưa có nghiên cứu nào thống kê cụ thể về tai biến y khoa, nhưng tỷ lệ tai nạn nghề nghiệp là 7%. Ước tính có khoảng 67 nghìn bệnh nhân bị tai biến y khoa, 15.300 bệnh nhận bị thương tật vĩnh viễn hàng năm, con số tử vong do tai biến y khoa chiếm 5% con số tử vong của cả nước.
Tai biến y khoa là điều khó tránh khỏi. Làm thế nào để hạn chế tai biến y khoa là vẫn đề nóng, mà chúng ta - ngành y tế và toàn xã hội phải thẳng thắn đối diện để có nhận định khách quan và đưa ra giải pháp phù hợp.
Chương trình giao lưu trực tuyến "Làm thế nào hạn chế tai biến y khoa ở Việt Nam?" được tổ chức vào 14h30 ngày 22/12/2015 tại tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức – số 465B Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội sẽ giúp độc giả có cơ hội hiểu rõ bản chất tai biến y khoa, thực trạng tai biến y khoa ở Việt Nam, và các khuyến nghị nếu xảy ra tai biến y khoa, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như phía bệnh viện, y bác sĩ cần xử lý thế nào cho phù hợp... qua việc giao lưu với các khách mời:
- Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế
- TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn – Bệnh viện Việt Đức
 Tổng Biên tập Báo điện tử Kiến Thức Nguyễn Minh Quang (thứ ba từ phải qua); Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa (thứ hai từ phải qua) và TS Nguyễn Đức Chính (thứ tư từ phải qua) trong buổi Giao lưu trực tuyến.
Ngay lúc này, quý độc giả có thể gửi câu hỏi giao lưu về địa chỉ email: tkts@kienthuc.net.vn hoặc đường dây nóng 0965237756.
SAU ĐÂY LÀ NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: “LÀM THẾ NÀO HẠN CHẾ TAI BIẾN Y KHOA Ở VIỆT NAM?":
TBT báo Kiến Thức Nguyễn Minh Quang (phải) và TS Nguyễn Đức Chính.
Câu hỏi: Dù không mong muốn nhưng sự cố, tai biến y khoa là điều không thể tránh khỏi trong ngành y tế, kể cả với các nước tiên tiến. Vậy, Phó Cục trưởng có thể giúp làm rõ cho tất cả độc giả báo Kiến Thức và người dân hiểu đúng và đủ: bản chất tai biến y khoa là gì? Nguyên nhân xảy ra tai biến y khoa: lúc nào xác định do lỗi cá nhân và lúc nào xác định do lỗi hệ thống? Hệ lụy nếu xảy ra tai biến y khoa... (độc giả Hoàng mai maihoang@yahoo.com)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Bản chất của tai biến y khoa là điều khó tránh khỏi trong nền y tế kể cả ở những nước tiên tiến nhất. Tại Mỹ, theo điều tra năm 1999, mỗi năm có 44 nghìn đến 98 nghìn ca tử vong liên quan đến tai biến y khoa. Tại Việt Nam chưa có điều tra mang tính chất quốc gia về tai biến y khoa. Thực tế, tai biến y khoa là những sự cố ngoài ý muốn gây nguy hại cho người bệnh. Tai biến có nhiều mức độ từ nặng, trung bình, nhẹ.
Nguyên nhân gồm lỗi hệ thống và lỗi cá nhân. Lỗi hệ thống có thể khắc phục được. Lỗi cá nhân buộc phải khắc phục từ các khâu đào tạo, chất lượng điều trị.
 Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa đang trả lời câu hỏi của độc giả.
TS Nguyễn Đức Chính: Tai biến y khoa còn bắt nguồn từ các khía cạnh như những thất bại xảy ra ngược với kế hoạch: quên, bỏ sót dụng cụ trong bệnh nhân. Ngoài ra còn phải kể đến những tai biến xảy ra ngoài ý muốn con người như khi đang phẫu thuật thì bệnh nhân bị ngừng tim, rối loạn đông máu…gây ra biến cố. Đây là những sự cố không ai mong muốn và khó có thể lường trước được.
Hệ lụy dẫn đến nặng nề nhất có thể là người bệnh tử vong hoặc nếu không phải chịu biến chứng và di chứng cả đời: BN phải nằm viện kéo dài, tăng gánh nặng về y tế và xã hội. Bản thân nhân viên y tế và các cơ sở y tế có để xảy ra sự cố này cũng bị ảnh uy tín.
Câu hỏi:  Xin chào TS Nguyễn Đức Chính, em là Hà Mai (địa chỉ email:  mai071989@gmail.com), em có một câu hỏi muốn được tư vấn: Trong các vụ tai biến y khoa gây chết người, bao nhiêu phần trăm do lỗi khách quan? Bao nhiêu phần trăm lỗi do sự tắc trách của bác sĩ?
TS Nguyễn Đức Chính: Tôi thấy câu hỏi của bạn khá hay. Để thống kê bao nhiêu phần trăm lỗi do khách quan và chủ quan thì chưa có. Có những vấn đề tương đối nhạy cảm nên rất khó thống kê, chưa có thống kê chính thống ngay cả trên thế giới. Tuy nhiên, theo tham khảo một số tài liệu trên thế giới thì có khoảng 25-30% lỗi là do chủ quan, tỷ lệ khách quan chiếm khoảng 70 – 75%. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc báo cáo sự cố thì chúng ta sẽ có được thông tin đầy đủ hơn.
 TS Nguyễn Đức Chính trả lời câu hỏi của độc giả.
Câu hỏi: Đối tượng/người bệnh nào dễ gặp tai biến y khoa? Tai biến y khoa dễ xảy ra ở trong phẫu thuật hay dùng thuốc...? Bộ Y tế đã có những biện pháp nào tuyên truyền để người dân, bệnh nhân hiểu về tai biến y khoa? Việc tuyên truyền này có mang lại kết quả gì hay không? (bạn đọc Ánh Ngọc anhngoc@gmail.com)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức về tỷ lệ tai biến y khoa, tuy nhiên, chắc chắn tỷ lệ tai biến y khoa sẽ không thấp hơn Mỹ. Theo ý kiến chủ quan của tôi, có các nhóm sai sót tai biến phổ biến gồm: Tai biến trong sử dụng thuốc; Tai biến trong phẫu thuật, thủ thuật; Nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Ngoài ra, còn có vấn đề tai biến trong tiêm, truyền, té ngã trong bệnh viện.
Nguyên nhân dẫn đến tai biến này là xuất phát từ lỗi mang tính hệ thống. Bệnh viện là môi trường phức tạp, đa dạng nên rất dễ dẫn đến lỗi; Vấn đề quá tải trong bệnh viện cũng gây áp lực lớn đối với nhân viên y tế, từ đó dễ dẫn đến các tai biến ngoài ý muốn; Tình trạng thiếu nhân viên y tế cũng là một lý do dẫn đến sai sót y khoa. Ngoài ra, còn phải kể đến việc thông tin giữa nhân viên y tế với nhau, với người bệnh không được thông suốt dễ dẫn đến nhầm lẫn; Trang thiết bị không được đồng bộ, chăm sóc thường xuyên; Phương pháp điều trị có khoảng an toàn hẹp, giữa việc cứu được bệnh nhân và bệnh nhân tử vong rất mong manh, đây là thách thức rất lớn đối với thầy thuốc. Những nguyên nhân này đều dẫn đến tai biến y khoa.
TS Nguyễn Đức Chính: Một trong những đối tượng có nguy cơ cao dẫn đến tai biến đó chính là bệnh nhân phẫu thuật. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, 2/3 sự cố trong BV liên quan đến phẫu thuật. Cứ 150 bệnh nhân nhập viện thì có 1 trường hợp tử vong do sự cố. Do đó, chúng ta có thể thấy bệnh nhân ngoại khoa có nguy cơ gặp sự cố và tử vong cao hơn. 
Câu hỏi: Tai biến điều trị xảy ra tại bệnh viện cho bệnh nhân là điều không mong muốn. Hầu hết khi xảy ra sự cố, người nhà bệnh nhân đều mất bình tĩnh, đổ lỗi cho bác sĩ, gây nên những vụ kiện cáo xôn xao dư luận như thời gian vừa qua. Làm cách nào để giảm thiểu, giải quyết những mâu thuẫn này? (bạn đọc Lê Mai - Hà Nội)
TS Nguyễn Đức Chính: Bản thân tôi là phẫu thuật viên và tôi cũng phụ trách 1 khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn. Khi những bệnh nhân được chuyển lên khoa tôi đều bị rất nặng, có 1 phần nguyên nhân là do giải quyết ở các khoa dưới, tuyến dưới không tốt. Bản thân tôi từng mổ rất nhiều ca nguy hiểm do mổ ở tuyến dưới sai sót. Sau những sự việc đó, đồng nghiệp chúng tôi cùng nhau chia sẻ để khắc phục sự cố.
Cá nhân tôi cũng gặp nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân bức xúc khi xảy ra sự cố, và việc đổ lỗi cho bác sĩ là không hiếm, chúng ta cần bình tĩnh xem xét để giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên y tế với bệnh nhân.
Thông thường tại bệnh viện, chúng tôi sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn (HĐCM). Chúng tôi sẽ mời các bác sĩ chuyên khoa, người nhà bệnh nhân, những y bác sĩ liên quan họp và làm việc với nhau để giải quyết các vấn đề nêu ra. 
Có một việc tôi nghĩ cũng rất quan trọng, đó là văn hóa ứng xử. Khi có văn hóa ứng xử thì các mâu thuẫn giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân sẽ nhẹ nhàng hơn.
Câu hỏi: 16 em bé có phản ứng nặng sau khi tiêm vacxin Quinvaxem trong đó có 8 cháu tử vong kể từ đầu năm đến nay có phải là một dạng tai biến y khoa hay không? Bộ Y tế đã giải quyết sự cố này thế nào? (Bạn Hồng Loan: hongloan@yahoo.com).
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Vấn đề tiêm vacxin xảy ra tai biến nằm trong giới hạn khó tránh khỏi. Bởi tiêm vacxin là kỹ thuật đưa kháng nguyên lạ vào trong cơ thể, khi đó có thể gây ra phản ứng của cơ thể với chất lạ và gây ra tai biến như sốc phản vệ... Đây được xem là một dạng của tai biến y khoa ngay cả trên thế giới cũng gặp phải.
Bộ Y tế đã có Hội đồng chuyên môn tư vấn về tai biến tiêm vacxin. Hội đồng có trách nhiệm tổng hợp những tài liệu và xin ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về tai biến vacxin để nghiên cứu kỹ, xác định nguyên nhân vụ việc và đưa ra kết luận sau vụ việc.
Câu hỏi: Nhiều bệnh viện quá tải, đầu tư trang thiết bị tiên tiến chưa tương xứng với nhu cầu khám, chữa bệnh có phải là một trong những nguyên nhân gây ra tai biến y khoa hay không? Bộ Y tế quan tâm đến lĩnh vực này như thế nào? Trong năm 2015, ngành Y tế đã làm được những gì để giảm thiểu tai biến y khoa? (hungnv@gmail.com)
TS Nguyễn Đức Chính: Vấn đề trên tôi nghĩ Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa đã có câu trả lời khá rõ. Việc quá tải trong bệnh viện là điều không thể tránh khỏi trong tình hình hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả trên thế giới, sự cố y khoa vẫn có thể xảy ra. Ngay tại Đài Loan có nền y tế hiện đại và tổ chức xử lý sự cố y khoa rất tốt vẫn xảy ra sự cố y khoa. Cách đây 3 năm có 1 sự cố 7 trẻ sơ sinh sinh ra đáng lẽ được tiêm vacxin viêm gan B nhưng lại bị tiêm nhầm thuốc giãn cơ và một trong các cháu bị tử vong do bị suy hô hấp, còn 6 cháu khác phải nằm điều trị kéo dài tại phòng hồi sức. Nguyên nhân được tìm hiểu một phần là do quá tải. Nếu phải chăm sóc nhiều bệnh nhân thì sẽ xảy ra nhiều sự cố hơn. Nhiều bệnh viện quá tải và các trang thiết bị y tế lại không đảm bảo nên việc xảy ra sự cố, tai biến y khoa lại càng cao. Chuyện quá tải không những liên quan đến con người mà còn liên quan tới hệ thống do bố trí và tổ chức không tốt.
Trong giai đoạn này, chúng ta phải đề ra các biện pháp tích cực để khắc phục. Ví dụ: Năm 2015, ngành Y tế đã làm khá tốt như: Xây dựng thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị; đưa ra nhiều chương trình thiết thực áp dụng trong BV như chương trình an toàn người bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng…
Ngay tại Bệnh viện Việt Đức có rất nhiều chương trình, đặc biệt là các chương trình đào tạo cho nhân viên y tế và điều dưỡng nhằm giảm thiểu tai biến y khoa vì điều dưỡng là những người thường xuyên tiếp xúc và chăm sóc bệnh nhân. Chúng tôi đào tạo điều dưỡng bài bản để giảm thiểu những sự cố này. Bên cạnh đó, BV cũng đầu tư cải tạo cơ sở vật chất tăng cường trang thiết bị giúp cho giải quyết điều trị bệnh nhân có hiệu quả và chất lượng.
Câu hỏi: Có trường hợp nào xảy ra tai biến y khoa là do lỗi của bệnh nhân không? Người bệnh nên lưu ý những gì để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc? (Quỳnh Như – nhưqn@gmail.com)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Thực tế, tai biến xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân người bệnh không phải là hiếm. Ví dụ như những trường hợp bệnh nhân không uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, khiến hiệu quả điều trị kém, thậm chí là gây tai biến. Do vậy, sự tham gia của người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân phối hợp với nhân viên y tế, có kiến thức nhất định về bệnh tật mình đang mắc là những yếu tố quyết định giúp giảm thiểu tai biến y khoa.
Người bệnh cũng cần phải hiểu rõ đơn thuốc được kê để điều trị hiệu quả. Phát hiện vấn đề gì bất thường cần phải báo cáo, trao đổi với thầy thuốc để khắc phục kịp thời.
Vai trò của người bệnh trong việc giảm thiểu tai biến y khoa cũng rất quan trọng. Ví dụ người bệnh phải xác nhận lại với bác sĩ lại một lần nữa về các loại thuốc uống, tiêm, kỹ thuật chữa bệnh mới mà bệnh nhân còn chưa rõ.
Câu hỏi: Gần đây, báo chí liên tục phản ánh các trường hợp tử vong do tai biến y khoa. Phải chăng tai biến y khoa ở Việt Nam đang tăng mạnh? Nếu đúng như vậy, đây có thể coi là nghịch lý trong khi ngành y tế đang liên tục yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trình độ chuyên môn của y bác sĩ ngày càng cao và cơ sở, phương tiện y tế ngày càng hiện đại? (hagiang@yahoo.com.vn)
TS Nguyễn Đức Chính: Theo tôi, sự cố hay tử vong liên quan đến y khoa tăng thời gian gần đây. Nguyên nhân do những yếu tố sau: Bệnh lý tăng phức tạp và lượng bệnh nhân tăng cao nên các sự cố y khoa cũng tăng theo, trong khi cơ sở vật chất và trang thiết bị cũng như nhân lực chưa đáp ứng. Ví dụ, tại Bệnh viện Việt Đức trong 5 năm gần đây có 40 – 45.000 ca phẫu thuật, trong khi trước đó chỉ có 30.000 ca phẫu thuật. Số lượng bệnh nhân tăng nhiều khiến nguy cơ gây tai biến y khoa cũng tăng. Nhiều ngày BV phẫu thuật đến gần 200 ca, đặc biệt phẫu thuật cấp cứu khá đông và toàn BN nặng. 
Giải quyết sự cố và tăng chất lượng phẫu thuật đòi hỏi sự cố gắng rất lớn đối với ngành y và các bệnh viện. Cần nâng cao tinh thần của các nhân viên y tế; nghiên cứu soạn thảo, đưa ra các tài liệu; phổ biến thường xuyên các chương trình để cố gắng kiểm soát vấn đề tai  biến y khoa.
Trên thực tế, trong thời gian gần đây, mặc dù các tai biến y khoa có tăng nhưng những biến chứng này đã được giải quyết kịp thời. 
Câu hỏi: Trên cương vị quản lý trong ngành y tế, theo ông, khi xảy ra tai biến y khoa, ngành y tế, nạn nhân và gia đình nạn nhân nên nhìn nhận và hành xử như thế nào cho hợp tình, hợp lý? (Thu Huyền, Tập thể Bắc Nghĩa Tân, Hà Nội)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Trên cương vị quản lý ngành y tế, hiện nay Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Khi xảy ra tai biến y khoa, phải bình tĩnh xem xét toàn bộ sự việc, phân tích nguyên nhân. Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện thiết lập hệ thống báo cáo sai sót y khoa tự nguyện để phân tích, đưa ra khuyến cáo giúp thầy thuốc, đơn vị khác không lặp lại sai sót này nữa. Hiện nay, nhiều bệnh viện đang áp dụng và thực hiện hệ thống báo cáo này một cách đầy đủ.
Khi sự cố xảy ra, người nhà bệnh nhân nên bình tĩnh sau vụ việc, xem xét nguyên nhân vụ việc đến từ đâu, xuất phát từ bác sĩ hay chính cá nhân bệnh nhân. Người bệnh cũng như gia đình không nên có cách hành xử làm phức tạp thêm vấn đề, như hành vi mang tính uy hiếp thầy thuốc mà nên chú trọng vào mục tiêu tìm ra nguyên nhân vấn đề mới giải quyết được. Người nhà bệnh nhân nên bình tĩnh hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế để xử lý vụ việc.
Câu hỏi: Khi xảy ra tai biến y khoa, đầu tiên chúng ta nghĩ đến các luật sư, song rất tiếc là hiện nay các luật sư trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam rất ít, hoặc chưa có. Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng căng thẳng, quá khích khi xảy ra tai biến y khoa. Bộ Y tế nhìn nhận như thế nào về thực trạng này và đã/sẽ tính tới giải pháp phối hợp với các bộ ngành khác giải quyết hay chưa? (Thu Hà, Hà Nội – ĐT: 097… 517)
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Khi xảy ra tai biến y khoa, đầu tiên chúng ta thường nhờ đến các luật sư. Đây được xem là một trong những tiến bộ xã hội nhờ đến luật pháp giải quyết sự cố. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chưa có nước nào có luật sư chuyên về y tế cả. Dù vậy, đây cũng không phải là lý do chính gây nên căng thẳng, quá khích sau các vụ việc tai biến.
Chúng ta phải kể đến sự tác động của cơ quan truyền thông, mức độ đưa tin dày đặc, giật title câu view chính là nguyên nhân khiến cho người dân bức xúc, từ đó gây nên những căng thẳng không đáng có. Chúng tôi cũng mong muốn, trong thời gian tới đây, các cơ quan truyền thông sẽ đưa tin đúng mực và định hướng cho người dân hiểu đúng về tai biến y khoa để giảm bớt những căng thẳng, mâu thuẫn như trong thời gian vừa qua.
Câu hỏi: Mới đây, vụ việc 18 y, bác sĩ của bệnh viện phụ sản Hà Nội có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV và xét nghiệm nhanh lần thứ nhất cho thấy không ai dương tính với virus HIV sau một ca cấp cứu đặc biệt. Tuy nhiên, qua đó cho thấy, môi trường, điều kiện làm việc là yếu tố dễ dẫn đến tai biến y khoa cao? Là Trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn, TS nhìn nhận thế nào về sự cố tai biến y khoa này?
TS Nguyễn Đức Chính: Thực tế ở Việt Nam nhiều nhân viên y tế phải làm trong môi trường dễ bị phơi nhiễm HIV. Việc phơi nhiễm với HIV xảy ra không chỉ với Việt Nam mà cả trên thế giới. Năm 2011, 48 nhân viên y tế Đài Loan bị phơi nhiễm HIV khi tiến hành ca ghép tạng từ BN chết não nhiễm HIV. Tại sao xảy ra sự cố này? Nguyên nhân do nhầm lẫn tại trung tâm điều phối ghép tạng. Người ghép tạng bị nhiễm HIV nhưng lại bị ghi nhầm tên với người không bị nhiễm.
Quay trở lại với trường hợp bạn hỏi, bản thân tôi làm việc trong ngành Y hơn 30 năm thì tôi thấy nguy cơ lây nhiễm HIV cao thường xảy ra với các bệnh nhân ngoại khoa. Nhiều bệnh nhân ngoại khoa có HIV tình trạng nặng nhưng không khai báo, khác với bệnh nhân nội khoa đã được theo dõi và biết trước tình trạng nhiễm HIV của họ. Để hạn chế nguy cơ rủi ro này, chúng tôi thực hiện quy trình chuẩn có nghĩa là tất cả bệnh nhân đến khám tại bệnh viện chúng tôi trong cấp cứu đều phải khám theo một quy trình chuẩn: mang găng tay, hoặc và các phương tiện phòng hộ khác nếu cần. Khi bệnh nhân được phát hiện nhiễm HIV, chúng tôi sẽ cho vào khu riêng. Khoa tôi có 40 giường, dành riêng ra 5 giường cho các bệnh nhân nhiễm HIV. Liên tục có bệnh nhân nằm điều trị ở đó nhưng tai nạn phơi nhiễm HIV thời gian vừa qua chưa có trường hợp nào xảy ra.
Với trường hợp xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản, tôi nghĩ nếu tất cả các trường hợp có nghi ngờ chúng ta phải làm đúng quy trình khám chữa bệnh như nhân viên y tế phải đeo găng tay và mang kính cũng như các phương tiện phòng hộ theo khuyến cáo… thì có thể hạn chế được việc phơi nhiễm HIV. 
Câu hỏi: Có nhiều trường hợp tai biến y khoa là do nguyên nhân bất khả kháng, không phải lỗi của bác sĩ hay nhân viên y tế, nhưng người nhà bệnh nhân vẫn “làm loạn”, gây sức ép đòi bồi thường; sau đó bệnh viện chấp nhận. Phải chăng, ngoài sự không tôn trọng pháp luật của người nhà bệnh nhân, chính sự thỏa hiệp cho êm chuyện trong mọi trường hợp của phía bệnh viện đã khiến các bên hiểu sai bản chất vụ việc, gây nên những vụ ầm ĩ?
TS Nguyễn Đức Chính: Tôi cũng là người từng chứng sự cố trên tại bệnh viện mình công tác. Có những trường hợp bệnh nhân bị rất nặng, khả năng sống sót chỉ 1-2%, dù vậy nhân viên y tế chúng tôi với phương châm còn nước còn tát, phải cố gắng cứu người trước tiên. Nhưng khi không cứu được thì người nhà bệnh nhân không hiểu chuyện, làm loạn tại bệnh viện, đòi bồi thường hoặc có những đòi hỏi vô lý.
Thời đại thông tin bùng phát, một sự việc chưa có kết luận thì báo chí đã đưa tin ầm ĩ. Người ta chưa kịp biết sự việc đúng sai như thế nào nhưng tên của các bác sĩ, nhân viên y tế liên quan đã bị nêu và ảnh hưởng. Trong việc này chúng tôi rất đồng ý với vấn đề bạn nêu, rằng chính sự thỏa hiệp của một số nhân viên y tế khi giải quyết sự việc với người nhà bệnh nhân đã khiến mọi người hiểu sai bản chất vụ việc.
Khi sự cố xảy ra, nhân viên y tế trước tiên phải bình tĩnh để giải quyết như báo cáo sự việc với cấp trên, trao đổi các vấn đề với người nhà bệnh nhân… Nếu không giải quyết được thì còn có hội đồng chuyên môn xem xét vấn đề.
Câu hỏi: Tôi có đọc một bài viết trên báo, trong đó GS-TS Trần Quỵ, nguyên giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng rủi ro y khoa là điều khó tránh khỏi đối với ngành y ở bất kỳ quốc gia tiên tiến nào. Tuy nhiên, nếu thầy thuốc không cẩn trọng thì tỉ lệ tai biến, rủi ro y khoa có thể tăng lên. “Các thống kê trên thế giới cho thấy hầu hết nhầm lẫn trong y khoa gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bệnh. Trong đó gần 50% sự cố y khoa có thể được phòng ngừa”. Như vậy, tôi hiểu là 50% số người bệnh trong các vụ tai biến y khoa do các sai sót của y bác sĩ. TS có thể nói gì về điều này? (Đăng Ngọc Email:dangngoc@gmail.com).
TS Nguyễn Đức Chính: Trong mỗi một năm, thế giới có khoảng 230 triệu ca phẫu thuật, trong đó có khoảng 7 triệu trường hợp biến chứng (1 triệu trường hợp tử vong) và là do vấn đề về sai sót.
Các tai biến y khoa xảy ra cũng còn có một phần lỗi từ người bệnh. Tôi từng gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân như vậy. Chẳng hạn ở bệnh viện của tôi, có trường hợp chuẩn bị phẫu thuật, bác sĩ dặn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không được cho bệnh nhân uống nước, hoặc không được ăn uống. Nhưng một số bệnh nhân vẫn cứ ăn, uống, dẫn đến lúc phẫu thuật có thể xảy ra các sự cố như dịch dạ dày trào ngược vào đường hô hấp dẫn đến suy thở...
 Một trường hợp bệnh nhân bị bác sĩ bỏ quên gạc trong bụng sau khi mổ. Ảnh: TS Nguyễn Đức Chính cung cấp.
Câu hỏi: Tôi là một bác sĩ (xin được giấu tên). Bản thân tôi chưa dính vào sự cố hay tai biến y khoa đáng tiếc nào. Nhưng rủi ro không từ một ai, không ai biết trước thế nào với công việc nhiều áp lực như của chúng tôi. Xin hỏi Bộ Y tế hiện có những quy định, giải pháp gì để hỗ trợ các nhân viên y tế như tôi khi xảy ra các trường hợp tai biến y khoa không mong muốn? (Bạn đọc giấu tên – ĐT: 0168355.....).
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Tôi cũng đồng ý với ý kiến bác sĩ, rủi ro không từ một ai. Khi xảy ra tai biến y khoa, cả hai phía đều bị thiệt hại, người bệnh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; thầy thuốc thiệt hại về uy tín, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Luật khám chữa bệnh đã có Bảo hiểm trách nhiệm cho thầy thuốc, bên thứ 3 sẽ đứng ra bồi thường, bù đắp phần nào sau sự cố. Vì thế, các nhân viên y tế nên tích cực tham gia vào các tổ chức bảo hiểm này.
Các thầy thuốc phải có sự am hiểu, tuân thủ quy trình hướng dẫn trong quy định y tế để giảm thiểu các nguy cơ tai biến.
Các bệnh viện nên hết sức quan tâm đến việc triển khai các giải pháp an toàn người bệnh. Làm thế nào để thầy thuốc không bị quá tải công việc, bệnh viện cũng cần phải triển khai một số phương tiện, giải pháp để làm tăng thêm độ an toàn, giảm tai biến. Ví dụ như công cụ hỗ trợ kê đơn thuốc, công cụ nhắc cho thầy thuốc ít phải dùng trí nhớ hơn.
Khi xảy ra tai biến, cần thiết phải có nhóm hỗ trợ chuyên nghiệp xử lý vấn đề, không để thầy thuốc tự mình đối mặt với người nhà. Như vậy, sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, khách quan hơn và giảm bớt các vấn đề căng thẳng.
Năm 2016 Bộ Y tế sẽ đưa ra những thông tư để các Bệnh viện không bị bối rối và xử lý hợp tình, hợp lý vụ việc tai biến y khoa.
Câu hỏi: Tai biến y khoa có thể hạn chế ở mức thấp nhất hay không? Bộ Y tế và chính các bệnh viện đã, đang và sẽ áp dụng những giải pháp nào để hạn chế thấp nhất tai biến y khoa ở Việt Nam? Ví như Bệnh viện Việt Đức đang làm gì để hạn chế tai biến y khoa và thường xử lý và giải quyết thế nào nếu tai biến y khoa xảy ra?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Tai biến y khoa có thể hạn chế được nếu đưa ra giải pháp và triển khai đúng ở các bệnh viện. Tất cả quy chế liên quan đến quy chế, chứng chỉ hành nghề, pháp luật đều vì mục tiêu an toàn người bệnh. Xây dựng văn bản chi tiết hơn về báo cáo sự cố y khoa, từ đó rút ra được bài học, kinh nghiệm để đưa ra khuyến cáo cho các đơn vị khác. Bộ Y tế tiếp tục tăng cường biên soạn các tài liệu hướng dẫn chi tiết để thầy thuốc, bệnh viện áp dụng, giúp giảm thiểu tai biến y khoa.
Đối với các bệnh viện nên triển khai 8 chương trình an toàn người bệnh trong bệnh viện. Ngoài ra, hàng năm đều có diễn đàn chất lượng an toàn người bệnh, là nơi để thầy thuốc trao đổi kinh nghiệm chăm sóc người bệnh để hạn chế sai sót y khoa. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao kỹ thuật khám chữa bệnh như bơm tiêm tự động, tiêu chuẩn giường bệnh an toàn để người bệnh không bị ngã, giảm thiểu tai biến. Nên tập trung nhiều vào nguyên nhân mang tính hệ thống để khắc phục thay vì chú trọng văn hóa buộc tội, quy chụp cá nhân thầy thuốc. Đồng thời khuyến khích cá nhân báo cáo sự cố, báo cáo sai sót để làm tăng cơ hội tai biến ít xảy ra nhất.
Ở các nước, trước một sự cố y khoa đều có hội đồng bác sĩ để giải quyết, thường là y sĩ đoàn. Trong nước hiện cũng có các hội chuyên ngành như nội khoa, ngoại khoa, tai mũi họng… Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra đây là tổ chức tốt nhất đứng ra phân xử, bảo vệ quyền lợi cho nhân viên y tế khi xảy ra tai biến y khoa, nhưng thực tế khi xảy ra những ca tai biến y khoa có kiện cáo, Bộ Y tế thường chỉ định một hội đồng chuyên môn đứng ra phân giải. Nếu hòa giải bất thành thì phải đưa ra tòa án. Phải chăng điều này là nguyên nhân khiến nhiều vụ tai biến y khoa trở nên cực kì căng thẳng khi giải quyết giữa người nhà nạn nhân và bệnh viện?
PCT Nguyễn Trọng Khoa: Hiện nay, theo quy định của Luật lao động chữa bệnh, khi xảy ra tai biến y khoa, tùy theo cấp sẽ có Hội đồng chuyên môn xem xét vấn đề và đưa ra kết luận. Dựa trên những kết luận này, cơ quan xử lý sẽ đưa ra câu trả lời về phía gia đình người bệnh, đây cũng là căn cứ cho tòa án xét xử khi có những tranh chấp về dân sự ở toà án.
Ngoài ra, khi có tai biến, Bộ Y tế sẽ mời những chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực có liên quan để nghiên cứu, phân tích và đưa ra câu trả lời thỏa đáng đối với người nhà bệnh nhân và bệnh viện, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và thầy thuốc cũng như bệnh viện.
Về phía Bộ Y tế và Luật khám chữa bệnh đã quy định, Hội đồng chuyên môn này mang tính khách quan để đưa ra kết luận, khi thầy thuốc và bệnh viện có sự tranh chấp ở tòa án, mỗi bên đều có quyền mời luật sư. Hiện nay đã có một số trung tâm tư vấn pháp lý để giúp bảo vệ quyền lợi cho thầy thuốc cũng như bên phía gia đình bệnh nhân.
Câu hỏi: Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ người nhà bệnh nhân có hành động quá khích trong các vụ tai biến y khoa là do không nhận được những câu trả lời khách quan, chính xác về nguyên nhân người thân mình tử vong. Họ cho rằng hội đồng chuyên môn được lập ra để đánh giá tai biến y khoa không khách quan, luôn bênh vực cho phía bệnh viện. TS nhận định, lý giải như thế nào về vấn đề này? (Thanh Hà – Hải Phòng).
TS Nguyễn Đức Chính:
Hội đồng chuyên môn được thành lập có vai trò quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gốc rể để giải thích thỏa đáng cho người nhà bệnh nhân, bên cạnh đó còn là để BV phòng tránh tai biến y khoa cho các lần sau.
Chúng tôi thành lập HĐCM là theo quy định của Bộ Y tế. Trong việc giải quyết vấn đề này, chúng tôi đứng trên quan điểm quyền lợi người bệnh, và đồng thời cũng cần có cái nhìn thấu đáo với nhân viên y tế liên quan tới vụ việc để giải quyết khách quan để họ có thể tiếp tục làm việc.
Trong phần này chúng tôi luôn phải có cái nhìn khách quan, và phải mời người nhà BN đến để họp bàn, trao đổi. Thực tế có rất nhiều vấn đề chuyên môn mà người nhà BN không thể hiểu hết được, vì thế họ dễ có tâm lý HĐCM được lập ra để bảo vệ phía bệnh viện và nhân viên y tế.
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa:
HĐCM được lập ra, độc giả cho rằng không khách quan là không đúng. Trong luật yêu cầu rất cụ thể, trong HĐCM phải có 1 luật sư, luật sư này không phải do phía BV đưa ra, mà là từ bên thứ 3, để mọi kết luận được khách quan. Nhưng hiện nay những HĐCM này vẫn chỉ mang tính chất thuần túy khoa học chứ không giải quyết sâu các vấn đề liên quan luật pháp và hành nghề. Vì vậy những giải thích đối với người nhà bệnh nhân về sự cố đôi khi không thỏa đáng.
Câu hỏi: Tôi năm nay 32 tuổi, năm 27 tuổi, trong một lần bị xảy thai, tôi vào 1 bệnh viện (xin giấu tên) để xử lý. Sau lần đó, tôi khó sinh con, đi chữa trị nhiều nơi, các bác sĩ nói nguyên nhân do bác sĩ xử lý lần tôi xảy thai chưa kỹ khiến còn lưu trong dạ con. Trong trường hợp này, vị bác sĩ điều trị cho tôi năm tôi xảy thai phải chịu trách nhiệm như thế nào? Tôi nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? (Nguyễn Hằng – Hàng Trống – Hoàn Kiếm – Hà Nội).
TS Nguyễn Đức Chính:
Sự cố xảy ra cách đây 5 năm với chị, tôi rất thông cảm và chia sẻ. Ở đây tôi chỉ nói về khía cạnh chuyên môn. Việc của chị đã có thai rồi mà sau này chưa có, nếu nói là do lỗi của bác sĩ thì thực ra cũng chưa có bằng chứng.
Trong vô sinh người ta chia ra 2 loại: vô sinh nguyên phát, có nghĩa là không có khả năng mang thai từ lần đầu tiên. Vô sinh này thường liên quan đến vấn đề nội tiết hoặc dị tật đường sinh sản như tử cung, vòi trứng… Vô sinh thứ phát là đã có mang thai nhưng sau đấy không có khả năng mang thai lại. Trường hợp của chị có thể hiểu là vô sinh thứ phát.
Trong câu hỏi của chị cũng khó nói là nguyên nhân từ phía bác sĩ hay từ bản thân người bệnh. Việc chỉ định xử lý xảy thai có thể là hút hoặc nạo là cần thiết. Tuy nhiên ngay cả làm triệt để vẫn có khả năng dẫn đến viêm dính buồng tử cung, viêm dính vòi trứng và dẫn đến vô sinh thứ phát. Vì vậy, ở đây không thể nói là lỗi do bác sĩ.
Trường hợp thứ 2 do còn sót, xử lý lại thì nguy cơ vô sinh cao hơn. Tuy nhiên trường hợp của bạn sau lần đó khó sinh mới đi chữa trị thì không thể xác định nguyên nhân ngay từ lúc đầu.
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa:
Vấn đề chị Hằng nêu cũng là một chuyện không may của chị, tôi rất chia sẻ. Việc tìm ra nguyên nhân để phân định lỗi quá trình khám chữa bệnh cho chị quá 5 năm là khó khăn. Nếu trường hợp của chị xảy ra quá 5 năm thì chị kiện tụng không còn tác dụng. Còn nếu vẫn trong 5 năm thì chị có thể đưa vấn đề ra vì khi đó mọi chứng cứ có thể dựa vào hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo quy định để xem xét.
Câu hỏi: Tai biến y khoa có thể hạn chế ở mức thấp nhất hay không? Bộ Y tế và chính các bệnh viện đã, đang và sẽ áp dụng những giải pháp nào để hạn chế thấp nhất tai biến y khoa ở Việt Nam? Ví như Bệnh viện Việt Đức đang làm gì để hạn chế tai biến y khoa và thường xử lý và giải quyết thế nào nếu tai biến y khoa xảy ra?
TS Nguyễn Đức Chính:
Đúng như vậy, thực tế hiện nay nhiều vụ việc giải quyết mâu thuẫn do sự cố y khoa đều bằng tiền. Đôi khi gia đình người bệnh đòi hỏi quá mức hoặc vô lý dẫn đến những sự tranh chấp.
BV chúng tôi có những trường hợp có sự cố xảy ra, hầu hết được giải quyết bằng tiền của những cá nhân liên quan, ví dụ của các bác sĩ và nhân viên y tế điều trị, chăm sóc bệnh nhân…
Có những trường hợp xảy ra do gia đình bệnh nhân quá khó khăn, chúng tôi cũng lấy nguồn kinh phí từ BV để hỗ trợ.
Câu hỏi: Tôi thấy ở nước ngoài đều có bên thứ 3 như đơn vị bảo hiểm đứng ra giải quyết trong những vụ việc xảy ra tai biến y khoa. Việt Nam có nên làm theo mô hình này hay không? Thời gian tới sẽ triển khai như thế nào?
PCT Nguyễn Trọng Khoa:
Một số nước đã có mô hình bảo hiểm trách nhiệm trong lĩnh vực khám chữa bệnh, VN cũng đã áp dụng mô hình này. Trong Luật khám chữa bệnh đã quy định vấn đề bảo hiểm trách nhiệm khám chữa bệnh. Nghị định 102/2011 của Chính phủ cũng đã quy định riêng về vấn đề Bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh, trong đó lộ trình đến năm 2016 tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm. Bộ y tế đã có những văn bản yêu cầu các bệnh viện thực hiện đúng yêu cầu nghị định này.
Khi xảy ra những trường hợp tai biến, sai sót y khoa nếu có kết luận do lỗi của thầy thuốc thì bên Bệnh viện mua bảo hiểm trách nhiệm sẽ đứng ra làm bên thứ 3 để bồi thường.
Thưa các bạn, trong gần 2 giờ vừa qua, chúng ta đã được trao đổi rất nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề đang khá nóng dư luận hiện nay: “Làm thế nào hạn chế tai biến y khoa ở Việt Nam”. Chương trình nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả, tuy nhiên, do thời lượng có hạn, chúng tôi xin trở lại vào chương trình giao lưu trực tuyến lần sau.
Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã đến tham dự chương trình và giải đáp các thắc mắc cho độc giả báo điện tử Kiến Thức.
Xin cảm ơn Bộ Y tế đã hợp tác cùng Báo điện tử Kiến Thức thực hiện chương trình này.
Xin cảm ơn và hẹn gặp lại!
BBT

Bình luận(0)