Những lễ hội ngựa độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Trong những năm gần đây, nhiều lễ hội độc đáo về ngựa đã được khôi phục ở Việt Nam.

Lễ hội đua ngựa Bắc Hà, Lào Cai
Từ nhiều thế hệ trước, mỗi khi hoa mơ nở trắng rừng là người dân khắp vùng Bắc Hà (Lào Cai) lại nô nức kéo nhau về sân dinh thự Hoàng A Tưởng xem hội đua ngựa, bắn súng.
Trên trường đua dưới chân núi Ba Mẹ Con sát dinh Hoàng A Tưởng, các trai tráng nai nịt gọn gàng, súng cầm trên tay rất oai vệ, nghe tiếng súng nổ là rạp mình trên lưng ngựa phi như bay. Đến gần đích, kỵ mã đều nhảy thật nhanh xuống đất, nhằm bia bắn liền 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng…
Do chiến tranh nổ ra, các giải đua ngựa thưa dần và không còn được tổ chức, khi các chàng kỵ sỹ hầu hết đều nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường.
Đến mùa xuân năm 1980, Bắc Hà lại tưng bừng tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sỹ, xạ thủ giỏi nhất vùng. Nhưng sau đó, do nhiều nguyên nhân mà lễ hội không tiếp tục được tổ chức.
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà. Ảnh: Thể thao & Văn hóa.
Mãi cho đến năm 2007, lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được phục dựng trở lại. Theo thông lệ, lễ hội sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 hằng năm, tại sân quần trung tâm của thị trấn Bắc Hà.
Những chú ngựa ngày thường thồ hàng, đi nương nay được chủ dẫn đến đọ tài tranh sức. Những chàng trai chân đất, đầu đội một chiếc mũ nhựa bảo hiểm, leo lên lưng con ngựa đua mà không cần đến yên…Vậy mà họ vẫn đua hết mình trong tiếng reo hò cổ vũ không ngớt của khán giả.
Người thắng cuộc không những mang về vinh quang cho riêng mình mà còn mang lại cho làng một năm may mắn, bình yên...
Theo chiều dài của lịch sử, sự tiếp nối văn hóa truyền thống bản địa sâu sắc, mỗi năm giải đua ngựa Bắc Hà lại được tổ chức quy mô hơn, thu hút hàng vạn du khách. Mỗi mùa giải lại là sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối giá trị văn hóa truyền thống bản địa đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Hà.
Lễ hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Phú Yên
Theo thông lệ, lễ hội đua ngựa Gò Thì Thùng được tổ chức vào ngày mùng Sáu tháng Giêng âm lịch hàng năm ở Gò Thì Thùng, xã An Xuân, huyện Tuy An.
Những người lớn tuổi ở xã An Xuân kể lại, những ngày mới giải phóng ở vùng núi này ngày Tết vắng vẻ lắm, vậy là thanh niên rủ nhau dắt ngựa ra Gò Thì Thùng để đua với nhau.
Gò bằng phẳng và rộng mênh mông, mọc đầy hoa sim tím. Ngựa đua là những chú ngựa hàng ngày cùng họ lên rẫy thồ hàng, được họ khoác thêm tấm vải màu cho thêm phần long trọng. Những cô gái trong làng đến xem cũng hái những bó hoa rừng quanh đấy tặng cho người chiến thắng trong cuộc đua.
Rồi thôn này thi với thôn kia, đến nay hội đua ngựa đã lan rộng ra các xã giáp ranh ba huỵện: Đồng Xuân, Sơn Hòa, và miền núi Tuy An. Tỉnh Phú Yên đã đầu tư để nâng cấp hội này thành một hoạt động vui xuân cho cả khu vực. Mùng chín âm lịch hàng năm đã thành thông lệ, người người rủ nhau lên Gò Thì Thùng xem ngựa đua.
Lễ hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Phú Yên. Ảnh: Người Lao Động.
Bãi đua là một thảm cỏ rộng, bằng phẳng và những chàng trai uy nghiêm, chỉnh tề trên lưng ngựa. Sau một hồi tù và vang lên báo hiệu giờ xuất phát, các kỵ sỹ thúc ngựa phóng nhanh về phía trước trông rất dũng mãnh trong tiếng trống thúc dục rộn rã và tiếng reo hò cổ vũ của khán giả vang dội cả núi rừng.
Có điều khá lạ là trên đường đua chỉ có ngựa cái, còn ngựa đực chỉ được dắt đến để... làm cảnh, không cho tham gia đua.
Sau khi tham gia các hoạt động lễ hội, đến bữa mọi người cứ tự nhiên vui vẻ ngồi vào mâm cỗ mà không phải tốn một chi phí nào. Và cứ thế, mọi người cùng chúc cho nhau một năm mới đầy ắp niềm vui và những điều tốt lành.
Lễ hội chọi ngựa Hà Giang
Đấu ngựa lại là một truyền thống chỉ có duy nhất tại xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Giải đấu này vốn là truyền thống của người dân tộc Tày nhưng đã thất truyền từ khá lâu, mới chỉ được phục hồi từ năm 2013.
Theo quy định, giải đấu ngựa sẽ được tổ chức hai lần mỗi năm, vào rằm tháng Giêng và rằm tháng 7 Âm lịch tại khu du lịch sinh thái Thủy Lâm Viên để phục vụ bà con và du khách thập phương.
Giải đấu diễn ra với các cặp ngựa của chủ ngựa tại các xã thuộc tiểu khu Trọng Con, các huyện trong tỉnh và các huyện bạn như Lâm Bình, Nà Hang, Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang, huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai, huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái. Thể thức thi đấu loại trực tiếp để chọn lựa các cặp ngựa chiến thắng thi đấu vòng chung kết.
Chọi ngựa ở Hà Giang. Ảnh: Dân Việt.
Hàng chục chiến mã tỉ thí với nhau theo từng cặp với điều kiện có một ngựa cái làm mồi nhử. Khi hai ngựa đực được thả vào sân, lập tức tiến đến vị trí ngựa cái đang đứng làm mồi nhử và bắt đầu cuộc chiến giành ngựa cái.
Sự dũng mãnh của ngựa chiến sẽ làm ngạc nhiên những ai chứng kiến lần đầu. Hai đấu thú tung những miếng đòn mạnh mẽ và quyết liệt không khác gì một trận chọi trâu. Đòn sử dụng thường xuyên của ngựa là những cú đá hậu uy lực và những cú cắn bằng hàm. Một con ngựa bị cho là thua khi ba lần chạy ra khỏi sân đấu, hoặc đo ván sau đòn hiểm của đối phương…
Việc khôi phục giải đấu ngựa với quy mô hoành tráng đã góp phần lưu giữ truyền thống quý báu của dân tộc Tày và tạo nên một điểm đến hấp dẫn cho ngành du lịch của tỉnh Hà Giang.
Thanh Bình (tổng hợp)

Bình luận(0)