Chơi trên mạng “ảo”, gây hậu quả “thật”

Google News

(Kiến Thức) - Chế ảnh, “điểm danh”, thú tội... những phong trào phổ biến trên mạng ảo khi đi quá đà sẽ tạo nên những hậu quả nghiêm trọng.

Thời gian qua, trên mạng xuất hiện rất nhiều những phong trào, thú vui “giết thời gian”. Xuất phát từ nhu cầu giải trí, chia sẻ mà lần lượt những trò chế ảnh, làm vlog, confessions (lời thú tội)... ra đời. Những phong trào này tưởng chừng như rất vô hại, tuy nhiên vẫn có những hậu quả nghêm trọng xảy ra khi người tham gia không kiểm soát hành động của mình hoặc cố ý kéo theo những mục đích xấu.
Bị chế ảnh bêu giếu, “Phồng Tôm” không chịu nổi ấm ức
Nhân vật Phồng Tôm, “thánh Phồng”... dường như đã quá thân quen với dân mạng Việt Nam trong gần 2 năm qua. Có rất nhiều người thắc mắc, không hiểu anh chàng này nổi tiếng vì điều gì? Vì vẻ mặt có phần hơi “ngố” hay vì anh ta có điều gì đặc biệt mà bỗng dưng trở nên nổi tiếng đến vậy. Khuôn mặt của Phồng Tôm được dân mạng lấy về, “chế tác”, chỉnh sửa để “đẻ” ra những bức ảnh hài hước có, xấu xí có, thô tục cũng có... trong suốt một năm nay.
 Những hình ảnh chế Phồng Tôm đầy rẫy trên mạng trong suốt thời gian qua.
Tìm hiểu để lấy thông tin từ những người coi các mạng xã hội, các diễn đàn là ngôi nhà thứ hai của mình thì được biết. Phồng Tôm là một nick name của một thành viên diễn đàn nổi tiếng dành cho dân mê công nghệ thông tin. Với ảnh đại diện là một khuôn mặt khá “ngố”, nick name này đã mở một topic thắc mắc về việc làm thế nào để có người yêu. Từ đây, khuôn mặt và nick name Phồng Tôm bỗng trở nên nổi tiếng với hàng loạt các ảnh chế cùng câu nói phổ biến: “đấm phát chết luôn”.
Mới đây, dân mạng truyền tay nhau bài chia sẻ của một người có tên Phạm Minh Phú. Trong bài chia sẻ này, Minh Phú tự nhận mình là người trong bức ảnh Phồng Tôm và bức ảnh này là do người khác cố ý lấy lại để trêu đùa mình.
Minh Phú chia sẻ rằng cuộc sống của anh từ ngày Phồng Tôm “nổi tiếng” đã đảo lộn rất nhiều và để chấm dứt tình trạng này, anh đề nghị được công bố danh tính và đăng tải ảnh chụp CMTND để dân mạng không còn gán nick name Phồng Tôm cho mình nữa. Dưới đây là ảnh chụp lại phần tâm sự của Minh Phú.
 
 
 Ảnh chụp chứng minh thư của Phạm Minh Phú.
Có thế thấy trong thời gian qua, Phồng Tôm đã gần như trở thành “biểu tượng”, rất nhiều người đã lấy khuôn mặt của Minh Phú để chế vào những bức ảnh châm biếm, biêu giếu với ý nghĩa thô tục, hạ thấp nhân phẩm người khác mà không hề quan tâm đến danh tính, hoàn cảnh của người bị chế ảnh. Điều này gây ra nhiều hậu quả, tác động xấu đến đời sống thực tế của Minh Phú và rất đáng bị phê phán.
Trang Confession tung lời chửi bới, xúc phạm khiến một cô gái tự tử
Trang “thú tội” có tên: “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” thời gian qua nổi lên như một trang chuyên tung những bài viết nặc danh, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, những bài đăng này thường có nội dung chửi bới, xúc phạm, bới móc đời sống riêng tư của các gương mặt tuổi teen nổi tiếng ở Đà Nẵng.
Ban đầu trang được lập ra với mục đích chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống của các hot teen, tuy nhiên nhiều kẻ với ý đồ xấu đã lợi dung trang này để tung những lời chửi bới, xúc phạm đến các cá nhân cụ thể. Tuy không nhắc tên trực tiếp nhưng chỉ cần qua vài câu chữ ám chỉ, dân mạng cũng có thể dễ dàng đoán ra “người xấu số” bị đem ra chửi bới là ai.
 Một bài viết nặc danh với nội dung xúc phạm, chửi bới người khác trên trang “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành”.
Đầu tháng 7, báo chí đăng tải nhiều thông tin về một cô gái có tên Phan U.N. (học sinh trường THPT Trần Phú) đã uống thuốc an thần tự tử sau khi bị trang Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” xúc phạm, nói xấu. Rất may gia đình đã kịp thời phát hiện và cứu sống cô gái. Lại một lần nữa những người sử dụng mạng thấy được tác động tiêu cực rõ ràng đến đời sống thực tế từ những trò vô cảm trên mạng ảo.

"Sau sự việc này, nhóm đứng đầu trang “Bộ mặt thật của các hot teen Đà Nẵng” gồm 7 thành viên cũng đã bị điều tra xử lý. Thanh tra Sở thông tin và truyền thông Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt 3 trong số 7 thành viên nhóm này, mỗi người 10 triệu đồng vì hành vi làm nhục, xúc phạm người khác trên Facebook. 4 đối tượng còn lại trong nhóm cũng phải chịu cảnh cáo".

Làm loạn các trang nước ngoài bằng trò “điểm danh”
Dịp Tết độc lập 30/4 – 1/5 năm nay, dân mạng Việt Nam rộ lên phong trào “nhuộm đỏ” Facebook bằng màu quốc kỳ. Ban đầu phong trào này nhận được rất nhiều sự hưởng ứng bởi ý nghĩa quảng bá đất nước và con người Việt Nam, đồng thời hướng tới mục tiêu thiết lập một kỷ lục ấn tượng.
Tuy nhiên, việc dân mạng Việt Nam đổ xô sang các trang nước ngoài với ảnh đại diện là hình cờ đỏ sao vàng, chơi trò “điểm danh” cũng sớm làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của phong trào này.
 Dân mạng Việt rủ nhau "nhuộm đỏ" Facebook nước ngoài bằng màu quốc kỳ.
“Điểm danh”, nói chuyện phiếm, tranh cãi, chửi mắng lẫn nhau ngay trên các trang nổi tiếng của nước ngoài khiến dân mạng Việt Nam bị người nước ngoài đánh giá. Thậm chí, một cô gái Hàn Quốc đã trực tiếp lên tiếng chỉ trích dân mạng Việt Nam ngay trên Facebook của anh chàng đẹp trai Omar Borkan Al Gala vì cách ăn nói thô tục, bậy bạ của một số người.
Lời chỉ trích của một cô gái Hàn Quốc sau khi đọc tin nhắn của một dân mạng Việt Nam 
Không thể kiểm soát toàn bộ số đông người tham gia phong trào này, dường như dân mạng Việt Nam đã tự “bôi nhọ” mình, tạo ra hình ảnh không đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Nhiều người nhận định, dân mạng Việt Nam chỉ ưa phong trào mà không để ý đến ý nghĩa cũng như những hệ quả có thể xảy đến. Chính vì vậy, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra mà lỗi chính thuộc về những người tham gia những phong trào đó, sự vô cảm và mù quáng chạy theo số đông.
T.A

Bình luận(0)