"Cái nôi của cam vùng Tây Bắc"
Chúng tôi về huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đúng vào thời gian người dân đang tất bật thu hoạch cam. Từ đầu huyện những quả cam óng vàng đã được người dân bày bán bên quốc lộ 6. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong tay bắt mặt mừng cho biết: "Cây cam có mặt ở đất Cao Phong đến nay đã hơn 40 năm, nhưng chưa năm nào được mùa như năm nay. Thời tiết thuận lợi cho việc phát triển, cây cam đạt năng suất cao, cùng với việc giá cam cao nên người dân năm nay thắng lớn".
Những năm bao cấp, lãnh đạo ngành nông nghiệp ở Trung ương đã cử cán bộ về Cao Phong để nghiên cứu thổ nhưỡng, định hướng phát triển cây cam trong vùng. Và thực tế nhiều năm qua Cao Phong là địa phương nổi tiếng, cái nôi cam canh của các tỉnh miền núi phía Bắc. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, thích hợp cho việc phát triển cây ăn quả.
Nhưng đã có thời gian cây cam tưởng chừng như chết hẳn. "Vào những năm 90 của thế kỷ trước, cả vùng chúng tôi trồng cây cam chuyên canh, nhà nhà người người trồng cam. Một xí nghiệp chuyên thu mua hoa quả của huyện đứng ra thu mua, xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Nhưng chỉ duy trì được khoảng thời gian ngắn. Khi các nước Đông Âu lâm vào khủng hoảng kinh tế, họ cắt hợp đồng đột ngột, những cánh đồng cam chín đỏ ngập ruộng vườn mà không có nguồn tiêu thụ. Tình trạng đó khiến cho người dân địa phương điêu đứng. Nhiều gia đình phá bỏ cây cam trồng cây khác", ông Thủy kể.
Nhưng từ năm 1993 đến nay, cây cam đã trở lại với cuộc sống của người dân nơi đây. Năm 2012, thị trấn Cao Phong có diện tích và sản lượng cam cao nhất từ trước đến nay với gần 300ha đất trồng cam, sản lượng cam ước chừng hơn 9 nghìn tấn. Nhiều gia đình trước đây thuộc diện nghèo đói, ăn đong từng bữa, giờ họ đã là những tỷ phú miền sơn cước.
|
Nhiều gia đình thị trấn Cao Phong trở thành tỷ phú nhờ... cam. |
Tỷ phú xinh đẹp từng bị xiết nợ vì... cam
Theo chân anh Tuấn, cán bộ văn hóa thị trấn Cao Phong, chúng tôi đến thăm gia đình chị Đồng Thị Thu 48 tuổi, chị là một trong những tỷ phú mới nổi nhờ trồng cam. Mới sáng sớm nhưng chị đã cắt và gánh hàng chục gánh cam đổ thành đống, chờ các thương lái đến thu mua. Chị Thu vốn là người ở Văn Lâm, Hưng Yên. Năm 17 tuổi trong một lần nghỉ hè lên thăm gia đình họ hàng, chị đã gặp chàng trai người bản địa Cao Phong. Họ gặp nhau trong một lần đi lên đồi lấy củi, hai người yêu nhau một thời gian rồi xin phép gia đình làm lễ cưới.
Chị Thu Bảo, cuộc sống trên này những năm trước khó khăn quá, đã có lúc chị muốn bỏ nơi này để trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Bởi lẽ ở quê chị cuộc sống tuy không khá khẩm nhưng chí ít cũng có vài sào ruộng trồng lúa. Còn nhà chồng chị gia tài chỉ là vài thửa nương rẫy, chỉ trồng được cây ngô, sắn. Nhưng chỉ vì tình thương và tránh nhiệm với chồng con, chị quyết tâm bám trụ với mảnh đất này. Để duy trì cuộc sống chị Thu đã phải bươn trải rất nhiều nghề. Chồng chị hay đau yếu, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai chị.
Trước đây có thời gian chị phải vay nặng lãi lấy tiền đầu tư vào việc mua đất đai, con giống trồng cam. Và khi chị chưa có tiền trả, chủ nợ tìm mọi cách để xiết nợ. Nhưng nhờ có chính quyền địa phương hỗ trợ, cho chị vay tiền để thanh toán số nợ đó.
|
Chị Thu đang cắt những trái cam chín mọng. |
Chị Thu cho hay: "Chăm sóc cây cam cũng giống như con người, phải biết chăm sóc nâng niu cây từ khi mới trồng, tùy từng giai đoạn phát triển của cây mà có cách chăm bón phù hợp mới cho trái ngon ngọt. Cam canh thực sự ngon khi bề ngoài xù xì, để hai ngày là lá đã bị héo. Từ một khu đất cằn cỗi tôi đã cải tạo thành khu đất màu mỡ, trồng cam cho năng suất, chất lượng cao".
Với tay cắt những cành cam trĩu quả, chị Thu bảo: Chị đã gắn bó với cây cam 7 năm nay, nhưng chưa có năm nào cam cho năng suất và chất lượng cao như năm nay. Hiện tổng diện tích đất trồng cam của gia đình chị là 9ha, dự kiến thu hoạch được trên 80 tấn cam thương phẩm, bán cho thương lái với số tiền trên 3 tỷ đồng. Với thu nhập đó chị Thu là tỷ phú trẻ mới nổi ở đất Cao Phong.
|
Cây cam đã làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây. |
"1ha cam, một tỷ đồng"
Quá nửa trưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Tiến, khu 3, cạnh núi Rồng. Vợ ông cho biết, đồi cam của gia đình sâu tận trong núi, nếu muốn vào phải có người dẫn đường. Điện thoại không thể liên lạc được. Thời gian này mấy bố con ông Tiến đang thu hoạch cam cuối vụ, làm đất ươm lứa cam mới. Chúng tôi vừa chào vợ ông ra về, may mắn sao ông lại xuất hiện, ông về nhà lấy thêm dụng cụ nhờ người làm đất.
Vùng cam Cao Phong ông Tiến đứng trong tốp những tỷ phú có thu nhập trên 5 tỷ đồng/năm. Rót chén trà, bổ cam mời khách ăn, ông Tiến hào hứng nói: "Tôi gắn bó với cây cam hơn 10 năm, nhưng chưa năm nào cam được mùa như năm nay. Gia đình tôi hiện có 10ha đất trồng cam, nhưng năm nay mới có nửa diện tích cam được thu hoạch. Chủ yếu là cam Canh, cam Xã Đoài, cho năng suất cao. Với 5ha cam, giá hơn 30.000đ/kg gia đình chúng tôi thu nhập trên 5 tỷ đồng".
Ông Tiến vốn không phải là người sinh ra ở Cao Phong, quê ông ở Nho Quan, Ninh Bình. Trước năm 1990 của thế kỷ trước ông làm kế toán cho một nông trường lâm nghiệp ở huyện Kỳ Sơn. Trong một lần lên huyện Cao Phong lấy giống cây cải về trồng, ông đã nhìn thấy tiềm năng của vùng đất này, lúc đó nơi đây cũng đã hình thành vùng chuyên canh cam, nhưng do kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế, năng suất chưa cao. Sau chuyến đi ông về Kỳ Sơn quyết định thôi việc, một mình khăn gói lên Cao Phong khai hoang đồi núi đất trồng cam.
|
Ông Tiến bên chiếc ô tô mới mua. |
Ông Tiến bảo: Giờ ông đã là tỷ phú về cam, nhưng ông không bao giờ quên những tháng ngày gian khó, những ngày dầm mưa, dãi nắng, ăn ngủ trên nương để chăm sóc cam. Ông tự mày mò học kỹ thuật trồng, tự rút kinh nghiệm sau những lần thất bại. Có những lúc tưởng chừng ông phải bỏ mảnh đất này mà đi, nhưng nhờ sự kiên trì, vượt khó ông đã thành công. "Bằng giờ năm ngoái, cả gia đình tôi đang nằm bên đồi cam, nhìn quả trĩu cành mà rớt nước mắt. Khi đó giá cam xuống thảm hại với 5.000đ/kg. Rẻ quá tôi không muốn bán, chờ cho giá lên, ai ngờ chỉ trong vô vọng. Cam chín quá rụng đỏ vườn mà lòng xót xa", ông Tiến kể.
Ông Tiến chỉ tay về chiếc xe hiệu Toyota Fortuner láng bóng và bảo đó là nhờ quả cam mà có, hai năm trước cam được mùa, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng để tậu xe. Ông mua xe để đi giao dịch với khách hàng, vận chuyển cam khi cần thiết. Ông dự tính rằng, chỉ vài năm nữa, khi 5ha cam mới trồng cho thu hoạch mỗi năm ông có thể thu nhập hàng chục tỷ đồng.
"Vài năm trước số hộ nghèo của thị trấn là 28%. Nhưng đến nay con số đó giảm xuống 1,2%. Nhờ cây cam mà nhiều gia đình từ hộ nghèo, giờ đã trở thành tỷ phú, có điều kiện mua sắm nhà lầu, xe hơi và đầu tư cho con cái ăn học. Trên địa bàn thị trấn có hàng chục hộ có thu nhập mỗi năm từ 3 - 4 tỷ đồng nhờ phát triển cây cam".
Ông Nguyễn Hồng Thủy (Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong) |
BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: