Trong bài "Ngày trở về của Thuyết buôn vua”, trả lời PV Pháp Luật TP HCM, ông Trần Văn Thuyết nói: “Sau khi tôi bị bắt, vì nhiều lý do khác nhau tôi và những người phụ nữ của tôi lần lượt rời xa. May mắn cho tôi, một phụ nữ đã thầm yêu tôi từ 20 năm trước, lúc tôi có nhiều bóng hồng vây quanh thì người này đứng bên lề cuộc đời tôi. Khi tôi bị bắt và thụ án ở phía Nam, cô ấy đã từ Hà Nội vào TP.HCM mở quán ăn, tần tảo kiếm tiền để thăm nuôi hằng tháng. …Đây là người phụ nữ cuối cùng của đời tôi và tôi đang làm hết sức để đáp lại tấm chân tình này”.
|
Bà Trần Thị Bích Hợp. |
Ngay sau bài báo, vợ cũ của Thuyết buôn vua là bà Trần Thị Bích Hợp (SN 1959), ngụ ở Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên (Ba Đình, Hà Nội) đã lên tiếng. Bà cho rằng: “Nội dung trả lời của Thuyết khiến tôi rất buồn, như thế là phủ nhận toàn bộ công lao thăm nuôi của tôi và hai con gái trong suốt thời gian Thuyết thụ án ở Nhà giam Phước Hòa (Tiền Giang)”. Bà kể:
“Sau khi ly dị với tôi 6-4-2001, tròn một năm sau Thuyết bị bắt về tội đưa hối lộ và bị kết án 20 năm tù giam. Mặc dù tình không còn nhưng còn nghĩa vợ chồng vì có với nhau hai mặt con nên trong suốt thời gian Thuyết ở tù, tôi vừa chăm chồng, vừa nỗ lực nuôi nấng hai con gái học hành nên người. Từ những năm đầu đến suốt giai đoạn cuối cùng khi Thuyết trả tự do sổ thăm nuôi đều ghi rõ những người được thăm nuôi Thuyết là tôi và hai con gái Trần Thu Hiền, Trần Thu Thủy.
Nếu như không còn tình cảm, nếu như không có những ngày thăm nuôi thì Thuyết đâu viết rất nhiều bức thư cho tôi với những tâm sự, thương yêu, chia sẻ, xin lỗi, tha thứ, cảm thông gửi từ trại giam. Thế nhưng khi được tự do, những trả lời của Thuyết với báo chí khiến nhiều người hiểu lầm về con người của tôi, về tình cảm trách nhiệm tôi dành cho Thuyết trong suốt thời gian thụ án.
|
Không chỉ chăm chồng ngồi tù, một mình tôi đã phải lặn lội kiếm tiền nuôi hai con gái ăn học. |
Từ khi Thuyết rơi vào vòng lao lý, tôi quyết đưa cháu Trần Thu Hiền sang Vương Quốc Anh học khi đó mới 11 tuổi. Hết phổ thông, cháu thi vào Khoa Luật của ngôi trường danh giá Buckingham và theo chương trình rút ngắn 2 năm nhờ đạt được điểm thi tuyệt đối trong tất cả các môn thi đại học. Cháu luôn đạt được thành tích cao nhất bởi khả năng Tiếng Anh vượt trội, ngoài ra còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp người nghèo, người có điều kiện hoàn cảnh khó khăn. Với tôi đó là niềm hạnh phúc lớn lao khi thấy con mình trưởng thành, được thầy cô giáo và các bạn ngưỡng mộ.
Trong thời gian theo học bên Anh, mỗi lần trở về Việt Nam cả tôi và hai con gái đều đến thăm Thuyết. Có lần cháu Hiền vào trại giam thăm bố, tặng bố 2 cuốn sách Mãi mãi tuổi 20 và Nhật ký Đặng Thùy Trâm để giúp bố có thêm động lực cải tạo sớm trở về với cộng đồng. Ngay cả cháu gái thứ hai cũng luôn nỗ lực học tập đỗ vào Học viện Ngoại giao với số điểm cao, trong đó môn văn 9,5 điểm cao nhất cả nước.
Chuyện cũ, tôi không muốn nhắc lại nữa… chỉ thêm những tổn thương cho con trẻ. Với tôi chỉ cần Thuyết “trả lại” tên cho tôi là đã quá đủ”.