Hiện dư luận đang xôn xao trước bài viết "Quan chức và hình ảnh trước công chúng" trên Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Bài viết nói về cách hành xử “khó hiểu” của một vị quan chức cấp cao trong Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trái ngược hoàn toàn với những gì ông thể hiện ra bên ngoài.
Theo bài báo này, dịp giáp Tết Ất Mùi vừa qua, Hệ Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo (VOV2 - Đài TNVN) thực hiện cuộc tọa đàm trực tiếp chủ đề: "Tai nạn giao thông ngày Tết: Nỗi ám ảnh kinh hoàng". Khách mời là một Phó chủ tịch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Trình độ và tư cách của ông quá đủ cho chủ đề nóng dư luận đặc biệt quan tâm này. Sắp đến giờ phát sóng, lãnh đạo vì trăm công nghìn việc "alo" thông báo có thể đến muộn. Tuy nhiên, cuối cùng thì vị quan chức đĩnh đạc với comple, caravat cũng tới kịp để dự buổi phát sóng, đi theo là thư ký.
|
Ảnh chụp nội dung bài viết nhận lỗi trên Facebook ông Khuất Việt Hùng. |
Theo bài viết này, vị quan chức xuất hiện tại phòng thu của đài quốc gia với một thái độ không xứng với tầm vóc của một chính khách. Ông bực tức khi biết thư ký đã thông báo nhầm thành chương trình truyền hình VOV. Ngay lập tức, trước mặt toàn bộ ekip thực hiện chương trình, ông hạch sách, rồi tháo vội chiếc caravat lia về phía thư ký.
Chiếc phong bì thù lao khách mời dành cho ông cũng bị chung số phận. Hành xử của ông khiến toàn bộ ekip sững sờ, trong khi vị thư ký thì lúng ta lúng túng như "gà mắc tóc" không biết xử sự ra sao trước sự tức tối của lãnh đạo.
Người viết bài báo này bình luận thêm: "Cuối cùng buổi trực tiếp cũng suôn sẻ với những phát biểu hùng hồn của ông về trách nhiệm của nhà chức trách trong việc thi hành công vụ đảm bảo an toàn giao thông... Lời nói thì như thần nhưng cung cách hành xử, lời nói trước đó thì thật khó chấp nhận đối với người đại diện một ủy ban lớn của Chính phủ. Nó thể hiện một thái độ thiếu văn hóa, điều không nên có ở một người bình thường chứ chưa nói ở cương vị lãnh đạo".
Trong khi dư luận đang ồn ào bàn tán, chỉ trích về cách hành xử của vị quan chức này thì trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã lên tiếng nhận lỗi.
Cụ thể, ông Hùng viết: “Hôm nay trên trang thông tin của VOV trên Facebook có đăng bài viết Quan chức và hình ảnh trước công chúng (dẫn link bài viết gốc).
Tôi thấy đây là một bài viết rất hay và đúng, nhân vật được hướng đến trong bài viết là cá nhân tôi.
Trước tiên cho phép tôi cám ơn tác giả bài viết và lấy đây là một bài học quan trọng cho bản thân mình, đặc biệt là trong ứng xử xã hội.
Tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả bài viết về quan điểm yêu cầu những người cán bộ, công chức phải có trách nhiệm thương xuyên tu dưỡng bản thân, rèn luyện kỹ năng sống, tránh gửi những thông điệp làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức và vị trí công việc mà mình được giao.
Một lần nữa, xin cám ơn nhà báo Minh, lãnh đạo VOV về bài học này.
Tôi cũng xin nhận khuyết điểm với cơ quan, lãnh đạo, đồng nghiệp về những ứng xử thiếu kiềm chế của mình.
Đồng thời xin gửi lời xin lỗi tới các cô, bác, anh chị, bạn bè luôn dành tình cảm và sự ủng hộ cho tôi.
Tôi hứa sẽ sửa chữa và khắc phục ngay!”.
Lời xin của vị Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhận được hàng trăm lượt like của những người bạn của ông trên Facebook. Hầu hết mọi người đều ủng hộ lời xin lỗi kịp thời với thái độ cầu thị của ông. “Cách tiếp thu, nhận lỗi và hứa sửa đổi của ông Hùng như vậy xem ra rất kịp thời và cầu thị - một điều hiếm thấy ở quan chức của ta hiện nay”, một thành viên Facebook bình luận.
Một thành viên khác cũng cho rằng: “Cách hành xử của ông Hùng là khá hiếm trong giới quan chức Việt hiện nay. Với những vụ ồn ào liên quan tới ứng xử như vậy, phần lớn quan chức thường lên tiếng thanh minh hoặc lờ sự việc đi, vì nếu có lờ đi thì cũng không sao. Tuy nhiên, cách ứng xử của ông Hùng lại khác. Ông thẳng thắn nhìn vào sự việc và thừa nhận cái sai của mình, đồng thời gửi lời xin lỗi với thái độ chân thành và lời hứa sửa đổi. Trong lời xin lỗi của ông, không có một cụm từ nào vòng vo, thanh minh hay đổ lỗi cho người khác. Thực ra là quan chức hay là dân thì cũng là con người, không phải thánh nên không tránh được việc mắc lỗi, cái quan trọng là họ ứng xử như thế nào sau những khuyết điểm của mình”.