Văn Lang - cả làng nói khoác

Google News

(Kiến Thức) - Làng Văn Lang thuộc xã Văn Lương (Tam Nông, Phú Thọ) với tục nói khoác nhưng cũng là nơi xuất thân của nhiều nghệ sĩ, kịch bản hài nổi tiếng.

Nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ
"Nhà ông Tình Thực có cây bưởi năm nào cũng sai trĩu quả. Nhà ông lại có con trâu cà to đùng. Sáng nào cũng vậy, dắt trâu vào vườn là ông cột cổ nó vào gốc bưởi. Bình thường thì nào có chuyện gì. Nhưng vào một buổi trưa, nó bị ve đốt, đỉa cắn, con trâu cà lồng lên, cọ cổ vào thân bưởi, cả thân bưởi rung lên, một chùm bưởi 3 quả rụng táng vào đầu trâu. Con trâu bất giác lăn đùng ra chết không kịp ngáp". 
Đó là một đoạn kể có thật của nghệ nhân Hán Xuân Kích ở làng Văn Lang. Nghe xong chuyện, ai nấy đều lăn ra cười và cho rằng ông Kích nói khoác. Ông Kích khẳng định đó là sự thật. Khi người làng kéo nhau đến nhà ông Tình Thực thì quả thật, con trâu đã chết và đang được xẻ thịt đem bán.
Hỏi ra mới biết, nhà ông Tình Thực cọc trâu ở gốc bưởi. Vì bị côn trùng cắn nên trâu lồng lên kéo đứt cả mũi. Vì đau quá lại bị mấy quả bưởi rơi trúng người nên trâu giật mình lao đầu vào bờ tường đá chết ngay tại chỗ. Sự việc xem ra đúng như lời ông Kích kể, nhưng qua giọng kể dí dỏm, nét mặt nghiêm trọng nên nhiều người cho rằng ông nói khoác.
Đường vào làng Văn Lang. 
Lại có chuyện một bà bán ớt "câu khách" ngoài chợ bằng chiêu quảng cáo: "Ớt Văn Lang chúng em cay ơi là cay, ngửi một ít cũng cay lên tận óc, hít một tý là hắt xì hơi suốt ba ngày, ăn một tẹo cũng cay rụt lưỡi". Có người khách đi qua nghe thế nhặt quả ớt lên, đúng lúc tự nhiên hắt xì hơi nên vội vàng xua tay bảo: "Gớm, cay thế thì... bố ai dám mua".
Mà chẳng nói đâu xa, ngay như ông Hán Văn Hùng, mặc dù là trưởng khu 4 của làng Văn Lang nhưng lại có biệt danh "trưởng khu nói phét". Có bận, ông đi ngang qua nhà hàng xóm nhắn với vào: "Bố Khang nó bảo chị ở nhà nấu cơm ăn trước đi nhé, hôm nay ông ấy đi ăn chiêu đãi rồi".
Ấy thế mà chị vợ tưởng thật, nấu cơm ăn hết, đến khi anh chồng về thì mâm đã sạch sành sanh. Anh chồng hậm hực nói là liên hoan nhưng là liên hoan ngọt chứ không có cơm. Chị vợ mới sang trách trưởng khu. Ông Hùng mới bảo: "Ấy là do chị dốt quá là dốt. Tôi nói là nấu cơm ăn trước đi chứ có bảo chị ăn hết phần của chồng đâu".
Cái bệnh thích tếu táo, bông đùa ngấm sâu vào máu ông trưởng khu đến nỗi nhiều người dân trong vùng tuyên bố: "Ông nói như thật. Chừa, chừa, từ giờ chả nghe ông nữa". Ấy thế mà lần sau vẫn "mắc lừa" ông trưởng khu như thường.
Hai nghệ nhân nói khoác thuộc Ban Văn hóa và Ban an ninh xã Văn Lương trổ tài nói khoác. 
Làng cổ đất Tổ
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương khẳng định, làng Văn Lang thuộc xã Văn Lương là một ngôi làng cổ. Cùng với làng Văn Lang tại Hạ Hòa là hai ngôi làng lấy tên nước Văn Lang đặt tên cho chính ngôi làng của mình. 
Kết cấu làng Văn Lang tại Văn Lương và Hạ Hòa đều là "nhất xã - nhị thôn", tức là một xã chỉ có hai làng. Xã Văn Lương gồm hai thôn chính là Vũ Lang và Phú Hữu. Văn Lang là trung tâm của tổng Văn Lang xưa, gồm 9 làng gộp lại. Những ngôi làng này theo thời gian đã biến đổi nhưng giọng nói cổ còn lại đã chứng minh là ngôi làng thời Hùng Vương.
Theo ông Hán Công Bình, Trưởng ban Văn hóa xã cho biết: "Trong làng còn nhiều người hay dùng các từ cổ. Ví như từ "nói phét" tức là nói vui, chứ không phải là nói không thành có. Ngôn ngữ hàng ngày cũng có các từ: Nhà bay (nhà mày), nhà khoa (nhà tao), ở đê (ở đây), ở đé (ở kia)...".
Vùng đất này từng là nơi ở của người Mường bi. Di chỉ còn lại của làng là một khu trại lính, ao quan và rừng cấm của nhà vua. Trên ngọn đồi cao còn có một hồ nước có hình bàn chân người khổng lồ không bao giờ cạn nước.
 Trưởng ban Văn hóa xã Hán Công Bình và giấy chứng nhận giải nhất nói khoác. 
Hội nói khoác tung hoành thiên hạ
Là làng nói khoác truyền thống, Văn Lang có một đặc trưng là ai cũng biết nói khoác, người người nhà nhà đều giỏi nói khoác. Họ nói khoác đến nỗi, người trong gia đình mất, nhờ xã thông báo tin buồn trên đài truyền thanh mà người làng khác không ai tin.
Nhiều người khẳng định, người làng Văn Lang đi đến đâu là nơi đó mất ngủ vì những câu chuyện tếu táo cười đau cả ruột. Tuy nhiên, nói khoác cũng phải có hội, tức là ít nhất 3 - 4 người kể cho nhau nghe. Họ sáng tạo một câu chuyện có thật theo hướng hư cấu, hoặc nói tránh để người khác không thể nghĩ tới nguyên nhân.
Như câu chuyện gà mổ chết lợn, củ sắn mọc xuyên qua đường 24, ngồi ngọn mùng tơi nhìn ra Hà Nội... được xây dựng thành những kịch bản hài tết đem lại nhiều tiếng cười. Ông Bình cho biết, các nhà hát kịch, các hãng phim thường xuyên về làng nhờ viết kịch bản hài. Nói khoác cũng thành một nghề kiếm tiền của người Văn Lang.
Một hội diễn nói khoác của làng Văn Lang. 
Nhờ truyền thống nói khoác, mà Văn Lang có được nhiều nghệ sĩ khá nổi tiếng như Hán Văn Tình, Hán Văn Thân, NSND tuồng Hồng Khiêm. Với người nơi đây, không biết nói khoác không phải người làng Văn Lang. Mà đã là người làng Văn Lang thì buộc phải biết nói khoác. Ấy thế mà trai gái Văn Lang đều rất đào hoa. Trai nhờ nói khoác mà lấy được vợ đẹp. Gái đẹp nói hay nên lấy được chồng khôn.
Làng Văn Lang hiện có hàng chục câu lạc bộ nói khoác. Các câu lạc bộ này tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc. Thậm chí, họ còn được mời vào trong TPHCM để thi nói khoác với các làng truyền thống nức tiếng trong vùng. Theo tiết lộ của ông Bình, các nghệ nhân làng Văn Lang "nói khoác ra tiền", dù việc nói khoác với họ chỉ là niềm đam mê.
"Cơ bản thì nói khoác là một cách để đem lại niềm vui chứ không phải để gây ra lầm lỗi. Nói khoác tưởng dễ nhưng rất khó, nghệ nhân nói khoác phải có kiến thức, có năng khiếu kể chuyện và có khuôn mặt biểu cảm. Với chúng tôi, nói khoác chưa bao giờ là nghề, nhưng nhờ nói khoác mà có thu nhập".
Nghệ nhân Hán Xuân Kích

"Ở nước ta có khoảng hơn 10 làng nói khoác. Trong đó, có những làng "nói tức, nói chữ" với truyền thống lâu đời. Sự xuất phát của những ngôi làng này từ chính cuộc sống bộn bề âu lo, họ mới nghĩ ra những cách nói gây cười hoặc có thể nói để thỏa lòng mơ ước điều gì đó mà họ không thể có được".
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương
Thái Hòa

Bình luận(0)