>>> Clip hiện trường cầu Ghềnh bị đâm sập (Thực hiện: Thiên Dũng):
Liên quan đến sự cố cầu Ghềnh bị đâm sập, chỉ còn vài ngày nữa, lực lượng chức năng sẽ tiến hành phá dỡ cầu Ghềnh để xây cầu mới, kết thúc sứ mệnh làm cầu nối qua sông hơn một thế kỷ.
Trong tiếng động cơ xập xình của những chiếc cẩu trục đang làm nhiệm vụ trục vớt dầm cầu và tiếng sóng lao xao, người dân cù lao Phố không khỏi chạnh lòng khi cây cầu biểu tượng của thành phố Biên Hoà sắp đi vào dĩ vãng.
|
Người đàn ông có 30 năm gắn bó với cầu Ghềnh luôn hướng mắt về phía nhịp cầu bị đâm sập. |
Bất chợt nhìn lên cầu, chúng tôi thấy một người đàn ông ngoài 50 tuổi đứng trầm tư bên thành cầu. Ông chính là Trần Quốc Bửu (54 tuổi, ngụ P. Bửu Hoà, TP Biên Hoà, Đồng Nai), nhân viên trực tuần cầu thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bửu chia sẻ tâm sự của người gắn bó với cầu Ghềnh suốt 30 năm. Ông cho biết với nhiệm vụ đi tuần cầu mỗi ngày, ông đã gắn bó với cây cầu Ghềnh được ba thập kỷ qua.
Lớn lên cùng cây cầu, cả tuổi thơ ông Bửu gắn liền với những câu chuyện của cha về ngày tháng trực cầu gian nan. Hôm nghe tin cây cầu trăm tuổi sập, lòng ông Bửu đau thắt tựa như vừa mất đi một người thân.
|
Từ ngày cầu Ghềnh gặp nạn, ngày nào ông cũng ra phía bờ sông, dõi mắt nhìn theo lực lượng chức năng tiến hàng trục vớt cầu. |
Suốt 30 năm qua, ngày nào ông cũng đi qua đi lại trên câu cầu này để kiểm tra xem cầu có bị hư hao gì không, nếu hư hỏng nhẹ thì ông sẽ tự sửa luôn, còn nặng thì báo cáo cấp trên xử lý. Ngoài ra, ông còn nhiệm vụ cầm cờ và đèn phát tín hiều cho đoàn tàu qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát.
Theo ông Bửu, cầu Ghềnh không chỉ là nơi lưu lại một hình ảnh cổ kính hơn trăm năm tuổi gắn liền với con người và mảnh đất Biên Hòa, mà nó còn cho biết lịch sử một quá trình dân di cư vào vùng đất này đầu thế kỷ 20. Đó là những người thợ, phu cầu từ miền Trung vào làm cầu rồi ở lại lập nghiệp sinh con đẻ cái cho đến ngày hôm nay không về quê.
Ông Bửu đã có hơn nửa đời người gắn bó với cây cầu, nay cầu Ghềnh gặp tai nạn và phải dỡ bỏ để xây cầu mới, khiến những người có nhiều ký ức với cầu Ghềnh như ông không khỏi buồn lòng.
|
Hơn nửa đời người gắn bó, nay cầu Ghềnh bị phá dỡ khiến lòng ông Bửu như thắt lại. Biểu tượng của thành phố Biên Hoà từ nay chỉ còn là dĩ vãng. |
Được biết, gia đình ông đã có 2 đời gắn bó với cây cầu Ghềnh này, trước đây bố ông cũng là nhân viên tuần cầu, đến khi về hưu thì giao lại cho ông Bửu.
“Dù sao cây cầu này đã gắn bó và nuôi sống gia đình tôi suốt 30 năm qua, mấy hôm nay không nghe thấy tiếng xe lửa chạy qua cầu lòng tôi buồn lắm”.
Đưa ánh mắt hướng về phía 2 chiếc cẩu nổi đang trục vớt dầm cầu dưới lòng sông Đồng Nai, ông Bửu thở dài rồi chép miệng: “Thế là biểu tượng của thành phố Biên Hoà từ nay trôi vào dĩ vãng”.
Hoà lẫn trong tiếng động cơ gầm rú của những cẩu trục và ghe máy đang ngụp lặn ở phía dưới là tiếng thở dài liên tục của người đàn ông đã gắn bó phân nửa cuộc đời mình với cây cầu huyền thoại hơn 100 tuổi này.
“Hơn tuần nay tôi cứ ngồi đây cả ngày để nhìn ngắm cây cầu này khi người ta chưa tháo dỡ hết, không biết mai mốt người ta xây cầu mới có được như cây cầu Ghềnh này nữa không? Chứ không thể phủ nhận vai trò to lớn của cầu Ghềnh đối với sự khai phá, phát triển thành phố Biên Hoà. Trong hơn một thế kỷ qua, đã có biết bao nhiêu chuyến tàu hoả cần mẫn, lầm lũi vượt sông bất chấp nắng mưa, khuya sớm. Làm sao đếm được đã có bao nhiêu chuyến xe lửa nặng oằn hàng hóa, bao nhiêu con người, bao nhiêu mối tình đẹp đã đơm hoa kết trái, bao nhiêu lứa đôi đã tiễn đưa nhau ngang qua chiếc cầu này?”.
Trời xế chiều, gió sông Đồng Nai càng thêm lồng lộng. Ánh nắng yếu ớt cuối ngày soi rõ nét mặt đầy tư lự của người gác cầu 54 tuổi này.
Ông thổ lộ: “30 năm gắn bó, tôi không nghĩ ngày nào đó mình sẽ rời cây cầu này với một tâm trạng bâng khuâng khó tả như vầy”. Với ngần ấy thời gian gắn bó với cầu, với các đoàn tàu, mấy ai khỏi chạnh lòng khi phải vĩnh viễn rời xa.
Hơn 100 năm, trải qua bao cuộc bể dâu, qua tàn phá của chiến tranh, cây cầu vẫn sừng sững với thời gian, chẳng người dân nào ở đất cù lao Phố này nghĩ rằng sẽ có ngày cây cầu sẽ ngã xuống.
Ấy vậy mà hôm nay, cầu Ghềnh đã ngã thật rồi, người dân cù lao Phố sẽ chỉ còn nhìn thấy cây cầu đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong hơn một thế kỷ qua bằng những hình ảnh tư liệu và họ vẫn sẽ luôn nhớ đến cầu Ghềnh như một hồi ức đẹp nhất, một niềm tự hào, hãnh diện nhất của vùng đất cù lao…
Cầu Ghềnh dài 223,3m, do người Pháp xây dựng từ năm 1901 và khánh thành năm 1904. Cầu có kiểu kiến trúc Gothic trang nhã bằng thép rất kiên cố. Trên cây cầu ngoài tuyến đường bộ, đường dành cho xe cơ giới còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Nhiều tư liệu nói rằng kiến trúc sư Eiffel có 3 công trình kiến trúc cầu ở Việt Nam: Cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế) và cầu Ghềnh (Biên Hòa). Cầu Ghềnh được xây dựng vào năm 1903, cây cầu đã tạo thành dấu ấn đặc biệt cho mảnh đất lịch sử Biên Hòa, Đồng Nai.
Từ khi cầu Ghềnh đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đã được thông tuyến với tuyến Sài Gòn - Nha Trang.