Nộp đơn xin ly hôn để “bắt” chồng về
Những ngày đầu mới về Tòa án nhân dân huyện Mỹ Xuyên ( tỉnh Sóc Trăng) công tác, Chánh án Phạm Thanh Tùng đã gặp một vụ việc liên quan đến hôn nhân - gia đình với những tình tiết đầy bi hài khiến ông nhớ mãi.
|
TAND huyện Mỹ Xuyên - nơi Chánh án Phạm Thanh Tùng đang công tác. |
Đó là trường hợp của chị Kim Thị Hạnh - một phụ nữ trung niên người dân tộc Khmer trú tại huyện Mỹ Xuyên. Cách đây mấy tháng, người phụ nữ có gương mặt khắc khổ, lam lũ này bế cả con tới tòa để nộp lá đơn xin ly hôn .
Theo ông Tùng, lá đơn viết tay với những dòng chữ nguệch ngoạc nhưng hợp lệ và có cả chữ ký của hai vợ chồng. Sau khi tiếp nhận đơn ly hôn, ông Tùng đã giao cho một thẩm phán cấp dưới trực tiếp giải quyết và hẹn ngày hai vợ chồng đến tòa để hòa giải. Ngày hòa giải, hai vợ chồng đến khá đúng giờ, vị thẩm phán hỏi lại lý do tại sao hai người không thể sống với nhau mà quyết định ly hôn?
Nghe câu hỏi của vị thẩm phán, người vợ ngẩn ngơ một hồi rồi bất ngờ có phản ứng mạnh: “Tôi đâu có nhờ toà giải quyết cho vợ chồng tôi ly hôn nhau đâu. Tôi gửi đơn là để nhờ tòa “bắt” lão chồng tôi về sống với tôi chứ không phải để ly hôn!
Chồng tôi thỉnh thoảng mới về nhà. Mỗi khi về lại ngủ riêng, chẳng thèm động chạm đến vợ. Tôi nghe nói là lão ấy đang sống chung với một người đàn khác ở ngoài, bỏ bê vợ con. Tuy nhiên, tôi không biết làm sao để lão ấy về sống với tôi nên tôi mới phải nhờ đến tòa can thiệp”.
Vị thẩm phán hỏi: “Chị không muốn ly hôn tại sao chị lại viết lá đơn ghi rõ là “Đơn xin ly hôn” mà không ghi là đơn kiến nghị hay đơn đề nghị gì đó có phải rõ ràng và phù hợp với mục đích của chị hơn không?”.
Chị Hạnh giải thích: “Do tôi vẫn thấy trên tivi, trong các bộ phim người ta nói đến việc nhờ tòa giải quyết chuyện vợ chồng thì phải viết đơn ly hôn gửi lên thì tòa mới giải quyết”.
Vợ rút đơn, chồng lại gửi đơn
Những lý lẽ của chị Hạnh khiến vị thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Mỹ Xuyên vừa ngạc nhiên, vừa trách giận. Mặc dù anh Tiến đồng ý ly hôn và đã ký vào đơn, nhưng bản thân chị Hạnh là nguyên đơn lại không đồng ý ly hôn, không yêu cầu tòa giải quyết ly hôn thì tòa không thể có căn cứ nào để tiến hành giải quyết vụ việc.
Vị thẩm phán cũng giải thích rõ, khi hai vợ chồng có ý định ly hôn thì tòa mới tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì sẽ tiến hành các thủ tục ly hôn, phân chia tài sản, con cái và những vấn đề liên quan theo luật pháp.
Còn việc chị Hạnh nhờ tòa “bắt” chồng về sống với mình thì tòa cũng không thể “bắt” được vì đây là quyền tự do của anh Tiến. Anh Tiến có quyền sống ly thân với chị Hạnh nếu như anh ấy không còn tình cảm với vợ mà chưa thể ly hôn và không ai có quyền cưỡng chế anh ấy.
Tòa cũng hỏi chị Hạnh, khi chị cho rằng chồng mình ngoại tình thì có điều gì làm bằng chứng không, hoặc chị có trực tiếp chứng kiến không? Chị Hằng ngập ngừng, tất cả thông tin chị biết đều là đồn đoán.
Trong khi đó, anh Tiến khẳng định bản thân không có bất cứ mối quan hệ trai gái nào ở bên ngoài, đơn giản chỉ là anh cảm thấy hai vợ chồng không hợp nhau nên mới vùi đầu vào công việc, ít về thăm vợ con hơn trước.
Trước hoàn cảnh đó, ông Tùng phải giải thích cho chị Hạnh hiểu tòa không thể giúp gì được cho chị trong vấn đề này. Rất lâu sau đó, chị đã hiểu ra cốt lõi câu chuyện. Đồng thời ông Tùng cũng tiến hành thuyết phục, động viên anh Tiến hãy nghĩ đến những tình cảm vợ chồng và những đứa con mà quay về hàn gắn với vợ.
Tuy nhiên, anh Tiến nhất quyết không chịu về vì cho rằng không còn tình cảm gì với vợ, việc anh về thăm con là do trách nhiệm của một người cha. Cuối cùng chị Hạnh đành xin rút đơn về trong sự hậm hực, buồn bã vì tòa án không giúp gì được cho mình.
Cũng theo ông Tùng, ngay sau khi vợ rút đơn, chỉ vài ngày sau người chồng lại tiếp tục gửi đơn xin ly hôn đến tòa. Lần này nguyên đơn là người chồng với lý do trong quá trình chung sống hai vợ chồng không hợp nhau, nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên quyết định ly hôn để đường ai nấy đi.