“Khu vườn kỳ lạ” đầy rẫy chuyện lạ lùng

Google News

Một khu vườn nhỏ ở một huyện vùng ven, tỉnh Long An được mệnh danh là  "Khu vườn kỳ lạ", "Vườn thiên sứ" hư hư thực thực...

- Một khu vườn nhỏ ở một huyện vùng ven, tỉnh Long An được mệnh danh là  "Khu vườn kỳ lạ", "Vườn thiên sứ" hư hư thực thực... Điều đáng nói là qua hơn 9 năm nó vẫn tồn tại và mỗi tháng có hàng vạn người đổ về đây chữa bệnh, cầu khẩn thần linh…
 
Đã có 13 người tử vong kể cả mẹ chồng của chủ vườn vì quả nhiên sự nhiệm màu đã không đến! Thế nhưng, khu vườn vẫn "đông vui" bởi người dân vẫn đổ về và chính quyền thì… lưỡng lự!
 
Phóng viên đã có những ngày cùng theo chân những "tín đồ" của "Khu vườn thiên sứ"...

Sáng sớm từ TPHCM, sau hơn 1 giờ, chúng tôi đã có mặt tại khu vườn. Mọi người nhanh tay đi hứng "nước trời", kẻo hết giờ và hết nước. Dấm dúi, lấy đủ tiêu chuẩn 1 chai và nhanh tay cất đi và mắt liếc dọc liếc ngang xem có thể "xé rào" thêm một vài chai nữa...
Một góc khu vườn.
Một góc khu vườn.
Muốn đi, phải có "bảo kê"

"Khu vườn kỳ lạ" đã trở thành địa chỉ quen thuộc, nên ở TPHCM hằng tuần thường có các đoàn xe đi xuống Long An xin nước. Có những người thuê phòng trọ ở lại gần khu vườn, cuối tháng mới về nhà lĩnh lương hoặc khi nhà có việc.

Mỗi khu vực có một đoàn xe khác nhau, tôi ở khu vực quận Bình Thạnh thì có ba chiếc xe chạy vào sáng sớm thứ năm hàng tuần. Để được tham gia đi cùng xe tôi phải nhờ một người quen từng đi trong đoàn gửi gắm cho trưởng đoàn. Sau nhiều lần liên lạc, tôi mới được "duyệt" cho đi theo. Vậy mà, khi lên xe tôi cũng bị chất vấn lý lịch nhiều lần cháu tên gì? Con nhà ai? Nhà cháu ở đâu? Làm nghề gì? Còn trẻ thế này sao lại đi xuống vườn? Bố mẹ bao nhiêu tuổi? Sao không đưa ông bà đi cùng?... may mà được trưởng đoàn bảo lãnh cho.

4 giờ sáng mọi người đã có mặt đông đủ tại ngã tư Hàng Xanh để xuất phát. Khi đi, mỗi người mang theo một can nhựa 10 lít, 3 chai 1,5 lít lấy nước về uống chữa bệnh. Trên xe của tôi gồm có một số cặp vợ chồng, bà cháu và cả những người đi một mình, chủ yếu là những người lớn tuổi (trên 60 tuổi). Trên đường đi, mọi người nói chuyện rôm rả, nhất là khi thấy tôi mới đi lần đầu nên được các bà, các bác giới thiệu về khu vườn với những điều kỳ lạ.

Bác Nguyễn Thu Giang (68 tuổi, quận Bình Thạnh) khoe chồng bác bị tiểu đường, béo phì xuống ở trọ trong vườn một tháng giảm được 7 ký lô, nhưng không hiểu sao hai con mắt ông ấy bỗng nhiên bị mù nên mấy đứa con nhà bác đã đưa ông ấy về đi mổ mắt rồi, mổ xong cả 2 tuần nay mà con mắt vẫn chưa sáng. Bà bảo khi nào nó hết cách thì tôi lại đưa ông ấy xuống vườn!

Hơn một tiếng đồng hồ, xe chúng tôi quẹo vào con đường nhỏ và thấy mọi người xôn xao nhắc nộp tiền "mãi lộ". Đây là tiền "xin đểu" 50.000đ/xe nộp cho một thanh niên trông như "con nghiện" ở lối vào vườn, nếu không nộp thì... xe có thể cán phải đinh hoặc trầy xước.
Cô Út Hồng mặc đồ bộ nhưng đang diễn thuyết.
Cô Út Hồng mặc đồ bộ nhưng đang diễn thuyết.
Giờ linh lấy "nước trời"

Xe chở chúng tôi vào thẳng sân vườn để mọi người lấy hành lý (bình, chai, chiếu nằm, túi xách...). Xuống xe, mọi người vội vã xách đồ và chọn gốc cây lớn để... xí chỗ để hành lý và trải  chiếu nằm. Tôi còn lơ ngơ thì được các bác nhắc là nhanh tay cầm mấy cái chai (1,5 lít) đi hứng nước kẻo hết giờ linh. Tôi hứng cái ào một lúc hết 3 chai và còn nhanh nhẹn hứng giúp các bác lớn tuổi, sau đó, thấy mọi người di tản đi ra phía nhà nguyện (nhà cấp 4) để khấn vái, cầu xin "trời" chữa khỏi bệnh cho bản thân. Nước ở đây là nước giếng được bơm lên các thùng nhựa 50 lít có bắt sẵn các vòi nước nhỏ để hứng nước vào chai nhỏ (1,5 lít trở xuống), còn can nhựa thì  chờ lấy nước trực tiếp từ các vòi ống, nếu quá nhiều can thì mở 2 vòi.

Lấy nước được cho là linh nghiệm thì phải lấy 3 lần khác nhau trong ngày sáng sớm từ 6 - 6h30, trưa thì từ 11h30 - 12h30 phút và chiều 4h30 - 5h. Trước khi hứng nước thì người lấy nước cũng phải khấn, cầu nguyện mới có tác dụng, nếu không thì chẳng khác gì nước lã, một cô trong đoàn dặn tôi như thế. Khi đặt chân đến vườn thì phải đến trước nhà nguyện để khai báo với thần linh tên họ, địa chỉ, bị bệnh gì và cầu mong. Sau đó, mới đi chọn chỗ để đồ, trải chiếu, nhanh chóng lấy chai nhỏ (1,5 lít) đi hứng nước và xếp can nhựa (10 lít) vào hàng chờ lấy nước buổi trưa.
Xếp hàng chờ lấy nước.
Xếp hàng chờ lấy nước.
Bị "làm nhục" vì nghi là nhà báo

Sáng ngày 11/8, chúng tôi chứng kiến một cảnh lộn xộn mất trật tự ngay trong khu vườn. Tại sảnh tiếp khách của bà Ba Ngoan - chủ vườn, đang diễn ra cuộc họp bệnh nhân thứ năm hằng tuần. Theo bà Ngoan, mấy tuần qua, "ông trời" nhắn là phải ngưng nên hôm nay ổng kêu họp lại. Theo cảm nhận của chúng tôi đây giống như  một cuộc họp... tiếp thị!. Người bệnh tự giới thiệu về bản thân, bệnh tật và thời gian khỏi bệnh tại khu vườn này. Có người còn quả quyết rằng vừa đi xét nghiệm máu chẩn đoán ra bệnh ung thư vú, hay bệnh thoát vị đĩa đệm, gãy đốt sống lưng nằm liệt giường, sau 20 phút đến vườn là đi lại, ăn uống tốt, tăng cân.
 
Đặc biệt, ngày họp bệnh nhân này có cô Út Hồng (cô Nguyễn Thị Kim Hồng, con gái bà ba Ngoan) về giao lưu, thuyết giảng.

Một phụ nữ chỉ vì lỡ chụp một tấm hình cô Út Hồng, đã bị cô Hồng hùng hổ mắng sa sả và chỉ thẳng tay vào mặt và bắt xóa hình. Lập tức một số thanh niên yêu cầu kiểm tra điện thoại của người phụ nữ, đồng thời rất nhiều người bệnh ở đây vây lại, đòi đánh vì nghi ngờ là cán bộ huyện Đức Hòa.

Sau khi bị kiểm tra điện thoại, chửi bới, lăng mạ, người phụ nữ đã bỏ ra ngoài. Nhưng cũng không được yên thân vì có một đám người khác lại kéo đến hỏi: "Mày là ai, tên gì, có phải cán bộ thông tin hay là nhà báo, công an chìm...". Chị vẫn bình tĩnh trả lời rằng chị đã từng đến đây với những người hàng xóm, hôm nay nghe nói có cô Út Hồng về giao lưu nên chị tự đi xe gắn máy từ TPHCM xuống để được gặp mặt "thần tượng"... nhưng vẫn không thuyết phục được đám người bặm trợn này.

Sau đó, quá uất ức chị đã gọi điện cho người bảo lãnh chị mà nước mắt chảy dài vì oan ức. Bạn chị khuyên chị vào ngồi thiền trong nhà nguyện và chờ đến trưa lấy nước. Chị này vào nhà nguyện sau một lúc ngồi thiền, quay ra chiếu trải ở vườn ngồi thiền thì lại bị mấy người phụ nữ kéo đến mắng chửi. Đến 11h30 phút, chị ra xếp hàng chờ lấy nước thì bất ngờ bị một số phụ nữ đến doạ nạt, lột áo của chị. Cũng may, khi đó, đã có một số người thường xuyên ở vườn đã nhận ra chị và nói giúp cho chị...

Chứng kiến cảnh này, chúng tôi thật không thể tin nổi một nơi gọi là "linh  thiêng" sao lại chợ búa, thô bạo với phụ nữ như thế. Nếu bà Hồng thật sự là "thiên sứ" thì sao nỡ cư xử giang hồ với "tín đồ" như vậy?
 
Trẻ bại não được bà ngoại nhỏ nước "trời" vào mắt mũi cho mau khỏi bệnh.
Trẻ bại não được bà ngoại nhỏ nước "trời" vào mắt mũi cho mau khỏi bệnh.
Khu vườn đang dần trở thành một thế giới có "quyền lực" riêng. Trong buổi thuyết giảng này của bà Hồng, chúng tôi phát hiện một số người lớn tuổi khác còn mạo danh một số giáo sư ở TPHCM để tăng thêm uy tín!!
Nhóm PV thường trú
[links()]

Bình luận(0)