Các vết nứt dọc, ngang xuất hiện trên vòm và thành hầm cùng một số hư hỏng trên kết cấu bê tông cốt thép.
- Các vết nứt dọc, ngang xuất hiện trên vòm và thành hầm cùng một số hư hỏng trên kết cấu bê tông cốt thép.
Sáng 1/11, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Huy Thành, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) V cho hay: đơn vị đang tiến hành kiểm tra, đánh giá các vết nứt ở một số vị trí của hầm đường bộ Hải Vân. Từ tháng 2/2012, các vết nứt này cơ bản không có chiều hướng phát sinh thêm.
|
Hầm đường bộ Hải Vân có nhiều vết nứt. |
Theo ông Thành: ngay sau thời gian nhận bàn giao công trình hoàn thành và đưa vào khai thác (tháng 6/2005) trên đỉnh vòm hầm Hải Vân đã xuất hiện một số vết nứt ngang và dọc đường hầm gây thấm và dột nước xuống mặt đường xe chạy.
Tại báo cáo của Khu QLĐB V lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam (tháng 2/2012), ghi nhận: trên suốt chiều dài đường hầm xuất hiện nhiều vết nứt trong kết cấu bê thông cốt thép theo phương ngang, xiên và dọc đường hầm; bề rộng vết nứt 1-2mm, chiều dài vết nứt 1-7m, sâu trên 5mm.
Ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cử chuyên gia của Nhật và Tổng cục tiến hành kiểm tra, khảo sát các vết nứt.
Theo ông Thành, qua đợt kiểm tra, đánh giá vết nứt do vỏ bê tông bên ngoài, không phải kết cấu chịu lực và không quá nghiêm trọng đến tổng thể của hầm đường bộ Hải Vân.
Các vết nứt đã được Ban quản lý dự án 85 và các nhà thầu sửa chữa theo trách nhiệm bảo hành công trình; hàng năm khu QLĐB 5 tiếp tục cho sửa chữa bằng phương pháp bơm keo cường độ cao vào các khe nứt từ nguốn vốn bảo dưỡng thường xuyên. Hiện, hầm hoạt động, khai thác bình thường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, vết nứt có nguy cơ phát sinh nếu không có biện pháp khắc phục triệt để.
Ông Thành cho hay, hiện các phương pháp đánh giá vết nứt chỉ bằng “mắt thường”. Khu QLĐB V đề nghị Tổng cục tăng cường chuyên gia, phương tiện như máy siêu âm để đánh giá mức độ, quy mô của vết nứt.
Ánh Tuyết
[links()]