Chiếc xích lô dựng trong con hẻm cụt trước căn nhà trọ. Xe đã cũ, bụi bám đầy. Mui xe xếp lại. Nệm ngồi bị lấy mất. Dường như lâu lắm rồi, chiếc xe chưa hề được lăn bánh...
Những đứa con bệnh tật
Chủ của chiếc xe và cũng là người sử dụng nó là thành viên trong căn nhà trọ cuối con hẻm trên đường Tạ Quang Bửu (P5, Q.8, TPHCM). Ông là Nguyễn Văn Hùng 61 tuổi. Ông có dáng người cao, nước da ngăm đen và khuôn mặt rắn rỏi.
Bước đi của ông khập khiễng. Ông cho biết, ông đã có nhiều năm đạp xích lô nuôi sống cả gia đình. Ông không vợ con nhưng còn mẹ và 3 em. Đứa em út đã mất chỉ còn lại 2.
|
Chiếc xích lô trước cửa nhà |
Mấy năm gần đây ông bị viêm khớp. Chân ông sưng vù. Không còn khả năng lao động nhưng gánh nặng mưu sinh đè trên vai buộc ông phải tiếp tục. Hàng ngày ông đạp xe đạp đến các lò bánh mì tìm mua lại những bao đựng bột không còn sử dụng. Cứ 100 bao mua về, ông bán lại được lời 20.000đ. Hôm nào may mắn thì kiếm được 70 - 80.000đ, cũng có lúc về tay không.
Tuổi đã cao, bệnh tật dày vò nhưng ông không dám đi khám bệnh. Thu nhập chỉ có thế thì lấy tiền đâu mua thuốc. Thôi thì, nếu đau quá ra tiệm thuốc mua vài viên giảm đau cho qua cơn bệnh...
Căn nhà trọ không quá chật và có thêm gác gỗ. Trong nhà, đồ đạc ngổn ngang nhưng không có thứ gì có giá trị cao. Chiếc TV đời cũ thật to được đặt cạnh bàn thờ. Một bé trai chừng 6 tuổi đang chơi những món đồ chơi đã cũ.
"Thằng em út tôi có vợ và 3 con gái. Sau khi nó mất, vợ nó dắt 2 đứa đi và để lại một đứa ở với mẹ tôi là bà nội nó. Thằng bé này là con của nó. Nó đi giúp việc cho một gia đình ở khá xa nên chỉ một tháng mới về thăm bà, thăm con một lần". Ông Hùng trải lòng với chúng tôi ...
|
Cả 5 người trong gia đình bà Liên. |
Hai người đàn ông bước vào nhà. Người già hơn là Nguyễn Phước Khánh, 51 tuổi, dáng to cao. Người trẻ là Nguyễn Thanh Bình, 43 tuổi, thấp và yếu hơn. Cả hai là đều là em ruột của ông Hùng, họ có chung một gương mặt, ngơ ngác đến mức ngây ngô.
Ông Khánh và ông Bình bị bệnh tâm thần dạng nhẹ. Trước đây cả 2 ông đều bình thường khỏe mạnh nhưng từ 5 năm nay cả 2 người tự dưng đổ bệnh. Hai ông hiện đi bán vé số từ sáng sớm đến 10g. Mỗi ngày cả 2 người chỉ bán 75 tờ. Bà con chung quanh ai cũng cảm thông nên đã nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có lúc gặp những kẻ bất lương lấy vé số rồi móc cả tiền trong túi của 2 người.
Cũng như anh mình, 2 ông đều không vợ con. Cả 3 mặc dù bệnh tật đau yếu nhưng cũng đã cùng nhau góp sức để tự nuôi sống bản thân và chăm sóc mẹ già.
Nuôi mẹ già, cháu nhỏ
Bà Phạm Thị Liên 78 tuổi cùng các con thuê căn nhà này từ hơn 10 năm nay. Những năm đầu bà đi bán củi dầu (cây ngo để nhóm lửa), giờ rảnh bà nhặt thêm ve chai.
Bà kể lại: "Hồi đó tôi còn làm ăn được, đứa con đầu còn đạp xích lô có đồng ra đồng vào, bữa cơm được tươm tất hơn. Mấy năm gần đây, chân tôi đau quá không lết đi được đành phải ngồi một chỗ. Tất cả mọi việc đều phải nhờ vào 3 đứa con và đứa cháu cố này".
|
Nhà nhiều đồ đạc nhưng không có món đồ nào đáng giá. |
Hiện nay, tiền nhà 1,2 triệu/tháng anh Hùng phải gánh vác. Anh Khánh và anh Bình góp vào 30.000đ/ngày để có 2 bữa ăn cho cả nhà. Thêm vào đó, mẹ đứa bé phụ thêm mỗi tháng 500.000 đồng để nuôi cháu.
30.000đ cho 2 bữa ăn của một gia đình 5 miệng ăn trong thời buổi này là điều không tưởng. Vậy mà hết ngày này qua ngày khác, cả gia đình vẫn cố sống. Nhiều người ở gần đó kể lại, bữa ăn của họ chỉ có rau luộc, canh và nước tương. Cứ 2 ngày là hết 1 chai nước tương vì đây là thức ăn chính của cả nhà.
Bà Liên cho biết, trước đây cả nhà bà đều được cấp miễn phí bảo hiểm y tế. Gần đây, chỉ còn lại 2 người bị bệnh tâm thần được cấp. Bà và ông Hùng có bệnh cũng không dám đi khám vì không có tiền. Bà nói: Tuy không còn làm được nhưng tôi vẫn là người phụ nữ duy nhất trong nhà. Mọi việc từ miếng ăn, giấc ngủ của các con đều một tay tôi lo liệu. Con tôi, đứa nào cũng bệnh tật - nhất là 2 đứa tâm thần - lỡ một mai tôi mất đi thì lấy ai lo cho chúng ?".
|
Hai anh em bị bệnh tâm thần. |
Trước nỗi lo của bà, chúng tôi đã đến UBND phường 5 để tìm hiểu thêm. Bà Võ Thị Bích Tuyền, cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo thừa nhận gia đình bà Liên thuộc diện gia đình nghèo, nhiều khó khăn. Bà có hộ khẩu thường trú ở P.9 nhưng về đây tạm trú đã được phường cũng như bà con chung quanh hết sức quan tâm hổ trợ mới có thể tạm ổn qua ngày.
Không tính đến đứa bé, cả 4 người trong gia đình đều sức cùng lực kiệt. Chúng tôi vẫn chưa hình dung ra, nều có một sự cố gì xảy ra, gia đình bà Liên rồi sẽ ra sao?