Để giải quyết các câu hỏi trên, nhóm cán bộ Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã từng tiến hành một cuộc điều tra xã hội học với 250 phiếu trưng cầu ý kiến về hôn nhân và gia đình trên địa bàn 5 quận huyện ở Hà Nội. PV đã có cuộc trò chuyện với Thạc sĩ Vũ Hoa Ngọc (là người đã cùng đồng nghiệp, Thạc sỹ Trần Ngọc Hiên thực hiện cuộc điều tra này):
Bốn lý do chính dẫn đến kết hôn
|
Hình minh họa |
Thưa bà, cuộc điều tra này rút ra được kết luận chung gì?
Cuộc sống hiện đại đã đặt gia đình và việc xây dựng gia đình của người trẻ trước nhiều vấn đề. Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Nếu cưới nhau đơn giản chỉ vì yêu thì hoàn toàn chưa đủ. Nền tảng của một cuộc hôn nhân hạnh phúc phải bao gồm sự hòa hợp, sự tin cậy và sự trao đổi thông tin hiệu quả giữa hai vợ chồng. Điều chủ yếu là phải luôn sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh và biết cách xử sự đối với mối quan hệ của mình. Quan hệ hôn nhân phải đặt trên nền tảng niềm tin và không thể tồn tại nếu thiếu sự tin cậy lẫn nhau. Để có được sự hòa hợp trong hôn nhân trước hết cần phải xuất phát từ những động cơ tiến tới hôn nhân một cách tích cực từ cả hai phía để hướng tới một cuộc hôn nhân bền vững. Đó là những suy nghĩ khiến chúng tôi thực hiện cuộc điều tra.
Có nhiều người còn trả lời lấy nhau vì yêu hay không, thưa bà?
Trong số những người được hỏi về Động cơ tiến tới hôn nhân? Chúng tôi thu được kết quả tỷ lệ cao nhất là do đủ thời gian tìm hiểu nhau (49.2%). Đó cũng là câu trả lời câu hỏi của bạn. Nói cách khác là có gần một nửa số người vẫn lấy nhau vì yêu.
Vậy còn quá nửa những người khác lấy nhau vì điều gì, thưa bà?
Động cơ thứ hai do gia đình thúc giục chiếm (30.0%). Muốn có gia đình, muốn có con cái là (16.8%). Vì kinh tế (tiền bạc, vật chất…) nên tiến tới hôn nhân chiếm (13.8%) trong số những người được hỏi. (12.4%) cho rằng theo quy luật chung thì phải kết hôn. Ngoài ra, còn một số động cơ khác như: do tuổi đã lớn, bạn tình lỡ có thai… nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ hơn.
Trở lại với những người lấy nhau vì yêu, bà có nhận xét gì?
(49.2%) trong số những người được hỏi trả lời rằng kết hôn do đã đủ thời gian tìm hiểu nhau, đây là một động cơ tích cực khi hai người nam và nữ đã có thời gian biết nhau, tìm hiểu về nhau tính cách, lối sống, gia đình, các mối quan hệ của người bạn đời….cặn kẽ làm nền tảng cho cuộc hôn nhân bền vững; hơn là tình yêu chớp nhoáng chưa kịp hiểu về nhau đã tiến tới kết hôn; chưa biết được rõ đối tượng mình sẽ lấy làm chồng, vợ như thế nào; lầm tưởng hoặc quá kỳ vọng vào người yêu của mình sau khi kết hôn mà không được như mong muốn, điều đó sẽ dẫn tới những xung đột, chán nản dễ đi đến bến bờ của sự đổ vỡ kết cục là ly hôn. Do đó, cần có thời gian tìm hiểu về nhau chín muồi là một trong những yếu tố cần thiết để tiến tới hôn nhân bền vững.
Có đến 30% vẫn lấy vợ - chồng vì cha mẹ? Điều này có thể dẫn đến hệ lụy gì?
Động cơ tiến tới hôn nhân hiện nay do gia đình thúc giục chiếm tỷ lệ khá cao, có tới (30.0%) trong số những người được hỏi chọn phương án này. Tuy nhiên theo chúng tôi, quyết định kết hôn với một ai đó chỉ vì bị ép buộc hay bị áp lực vì kết hôn như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ ly hôn rất cao. Một vài cặp kết hôn chỉ vì một trong hai người cảm thấy bị bắt buộc phải sống trong mối quan hệ hôn nhân như thế hoặc có cảm giác tội lỗi khi làm tan vỡ mối quan hệ hôn nhân này. Kết hôn chỉ để làm hài lòng một ai đó là một điều hoàn toàn không nên.
Xin bà chuyển sang khía cạnh lấy nhau vì tiền?
Kết hôn vì kinh tế (tiền bạc, vật chất…) cũng là lý do khá phổ biến, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Kết quả điều tra cho thấy, có (13,8%) trong số những người được hỏi cho rằng động cơ tiến tới hôn nhân là do kinh tế (tiền bạc, vật chất…). Theo chúng tôi, kết hôn vì ham mê tiền bạc vật chất là một điều đáng phê phán. Nhiều đàn ông và phụ nữ kết hôn chỉ để thoát khỏi tình trạng thiếu thốn tiền bạc hiện thời. Đây có thể xem là động cơ kết hôn ích kỷ nhất. Những cuộc hôn nhân vì tiền hầu như kết thúc trong ly hôn và làm tổn thương cả hai phía. Những cuộc hôn nhân kiểu này không có nền tảng của sự thân thiết tâm giao và thường dẫn đến một cuộc sống gia đình không hạnh phúc và cuối cùng dễ dẫn đến kết thúc trong ly hôn.
Xin hỏi một câu” nhạy cảm” khác, chuyện “bác sĩ bảo cưới” thì sao, thưa bà?
Hiện tình trạng bạn tình có thai trước khi kết hôn không phải là hiếm gặp, nhiều người tin rằng kết hôn vì cô dâu đang mang thai là một điều hoàn toàn nên làm. Đúng vậy, đứa trẻ nào sinh ra cũng đáng có cả cha lẫn mẹ, nhưng thà rằng cha mẹ tuy sống riêng nhưng vẫn lo chu toàn trách nhiệm với con cái còn hơn là cha mẹ vội vã kết hôn rồi sau đó sống không hợp nhau dẫn đến cãi vã và cuối cùng là ly hôn. Việc này có thể sẽ gây ra những tác động nặng nề hơn nhiều lên tâm hồn con trẻ, kết quả điều tra cho thấy có một bộ phận người dân kết hôn với nhau do bạn tình lỡ có thai là (7.5%).
Được gì khi kết hôn?
Thưa bà, ở khía cạnh giới tính, nam và nữ có sự chênh lệch nào khi xác định nguyên nhân kết hôn?
Có một số sự khác biệt, ví dụ 60% nữ giới cho rằng kết hôn vì yêu, trong khi nam giới chỉ có 41%. Một phát hiện thú vị khác, cứ tưởng các gia đình sợ con gái ế chồng nhiều hơn, nhưng thực tế các gia đình lại sợ con trai ế vợ nhiều hơn. Có đến gần 37% nam giới kết hôn do gia đình thúc giục, cao hơn số nữ giới là gần 28%. Về lý do kinh tế, hơn 16% đàn ông kết hôn vì nguyên nhân này, trong khi nữ chỉ có gần 11%.
Theo kết quả cuộc điều tra, khi lựa chọn bạn đời, người ta thường chú trọng điều gì?
Có 56% người chú trọng lựa chọn tính cách, 50% muốn cảm thấy tâm đầu ý hợp, 23% chọn lối sống. Ngoài ra, còn một số yếu tố khác nhưng chiếm tỷ lệ thấp hơn.
Những người được điều tra mong muốn điều gì khi kết hôn?
Kết quả khảo sát cho thấy người dân đánh giá lợi ích khi kết hôn có sự khác nhau, trong đó tỷ lệ cao nhất (69.2%) trong số những người được hỏi cho rằng kết hôn họ được sống chung với người mình yêu. Hơn nữa, để sinh con đẻ cái (36.4%), (36.0%) cho rằng hôn nhân mang lại lợi ích là ổn định kinh tế; (13.6%) lại chọn phương án kết hôn làm cho cha mẹ yên tâm.
Ở khía cạnh học vấn của người được điều tra, có sự khác biệt trong quan niệm hay không, thưa bà?
Chúng tôi nhận thấy giữa các nhóm học vấn có một số điểm khác nhau trong việc lựa chọn những lợi ích khi kết hôn như sau: Trên (40.0%) nhóm Tiểu học, THCS và Cao đẳng chọn lợi ích là ổn định kinh tế, cao hơn so với nhóm PTTH, Trung cấp dạy nghề (33.3%), nhóm Đại học và trên đại học chỉ có (28.6%) chọn phương án này. Điều này cũng dễ hiểu vì những người có trình độ học vấn cao họ có khả năng tìm kiếm những công việc mang lại thu nhập, những người có trình độ học vấn thấp hơn cơ hội kiếm tiền ít hơn, nên theo họ lợi ích hôn nhân là mang lại sự ổn định về kinh tế cho họ, nên thúc đẩy họ kết hôn.
Bà có lời khuyên gì với các bạn trẻ trước khi quyết định hôn nhân?
Hôn nhân phải xuất phát từ ba điều kiện: Sự tự nguyện, ổn định kinh tế và đúng pháp luật
Nếu hôn nhân xuất phát từ những động cơ tích cực từ cả hai phía thì độ tin cậy sự bền vững của hôn nhân sẽ cao hơn. Do đó, để có một cuộc hôn nhân bền vững cần phải có tình yêu chân chính, có thời gian tìm hiểu nhau, cùng nhau hướng đến những mục tiêu tốt đẹp trong xây dựng cuộc sống gia đình. Không vì những động cơ kinh tế như tiền bạc, vật chất, lấy nhau vì muốn làm vui lòng ai đó, hoặc vì những lợi ích khác mà kết hôn nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ rất cao.
Các bạn trẻ cần chuẩn bị cho mình kiến thức về hôn nhân, gia đình, thực sự hiểu và tin cậy lẫn nhau rồi mới tiến tới hôn nhân. Hơn nữa, trước khi tiến tới hôn nhân cần có thời gian tìm hiểu nhau, có một tình yêu trong sáng tôn trọng nhau. Đặc biệt, cả hai cần chuẩn bị cho mình một công việc để ổn định kinh tế trước khi kết hôn, đó là yếu tố cần thiết để tránh kết hôn vì phụ thuộc vào vật chất, tiền bạc mà lấy nhau
Xin cảm ơn bà!