Xuất hiện trang vui.us giống hệt haivl, xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Trang vui.us có giao diện, nội dung, cách thức hoạt động tương tự như haivl, với slogan "sinh ra ở Mỹ, ầm ĩ ở Việt Nam"... 

Sau khi trang web haivl.com bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thu hồi giấy phép, xử phạt hơn 200 triệu đồng thì nhiều trang web tương tự đã xuất hiện như haiivl.com, clonehaivl.com, buonvl.com, vuivl.com, chatvl.com... Trong số những trang web có giao diện, nội dung, cách thức đăng tải tin, bài, bình luận giống với haivl, có một trang mang tên miền khá lạ mà cư dân mạng mới phát hiện vài ngày qua, đó là trang vui.us.
Trang web vui.us cũng có những mục như Mới, Hot, Đăng ảnh, Chế ảnh, Bình chọn... trong đó các thành viên có thể tùy ý đăng ảnh, video và tham gia bình luận giống y hệt haivl trước đây. Mỗi hình ảnh, clip đăng tải đều thu hút khá nhiều lượt xem và bình luận. Slogan của trang web này là: "Sinh ra ở Mỹ, ầm ĩ ở Việt Nam". 
 Ảnh chụp màn hình giao diện trang web vui.us giống y như haivl. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch An ninh mạng Bkav, cho biết, theo tìm hiểu thì trang web vui.us có IP ở Hồng Kông, chứ không phải ở Mỹ như cái slogan của nó. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn có nghĩa người điều hành trang web này cũng ở Hồng Kông. Bởi hiện các dịch vụ hosting người ta có thể mua từ nước ngoài nhưng người điều hành có thể ngồi ở Việt Nam.
Việc trang web haivl bị đóng cửa là một sự kiện gây sự chú ý lớn với cộng đồng mạng tại Việt Nam. Mà khi có một sự kiện, hiện tượng nào đó gây xôn xao thì sẽ có một loạt các hiện tượng ăn theo. Đây cũng là quy luật tất yếu, thế nên sau khi trang haivl bị đóng cửa đã xuất hiện rất nhiều trang web ăn theo với giao diện, nội dung, cách thức hoạt động na ná nhau.
"Với những trang web lạ, mọi người cần thận trọng khi truy cập vào. Bởi có thể trang web có chứa mã độc gây nguy hại cho máy tính của người dùng, hoặc khi bạn đăng nhập bằng tài khoản của mình (gmail, facebook...), tài khoản của bạn có thể bị đánh cắp, tất cả thông tin cá nhân sẽ bị lộ và điều này có thể được chủ sở hữu trang web kia lợi dụng vào những việc xấu như lừa đảo...", ông Tuấn Anh khuyến cáo. 
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch An ninh mạng Bkav. 
Cũng theo ông Tuấn Anh, để ngăn chặn những trang web không rõ nguồn gốc, không có giấy phép hoạt động, không để lại thông tin chủ sở hữu, các thành viên có thể đăng tải bất kỳ nội dung gì lên như thế này, nếu trang web có server đặt tại Việt Nam, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể ngăn chặn, cho trang web ngừng hoạt động. Còn nếu trang web có server đặt tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông cần điều phối các ISP (Internet Service Provider - các đơn vị cung cấp dịch vụ internet) trong nước (như VNPT, Viettel, FPT...) để ngăn chặn người dùng truy cập các trang web này tại Việt Nam.
Trang haivl.com, trước khi bị rút giấy phép có tới 37 triệu lượt người truy cập, 4 triệu like fanpage trên facebook và 16.000 người theo dõi trên twitter. Theo xếp hạng của Alexa trước khi tạm ngừng hoạt động, haivl đứng thứ 13 tại Việt Nam và thứ 1.529 trên thế giới.
Theo thông tin được cung cấp, tính đến thời điểm ngày 17/10, trên diễn đàn có khoảng 2 triệu người tham gia, active 600.000 người/ngày, mỗi ngày có khoảng 13.000 tin bài được các thành viên đăng tải. Và trước khi bị tước giấy phép mạng xã hội, trên trang haivl.com đang lưu trữ khoảng 5 triệu nội dung tin bài.
Đối tượng độc giả chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và doanh thu mỗi tháng của trang web khi đó đạt trung bình 800 triệu đồng, thuộc sở hữu của Công ty cổ phần công nghệ APPVL Việt Nam.
Vậy, khi haivl.com bị đóng cửa thì những trang web nhái lại với nội dung, cách thực hoạt động tương tự thì có nên để tồn tại không, phải xử lý như thế nào?
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi cũng có nhận được một số phản ánh về việc xuất hiện nhiều trang web có nội dung, cách thức hoạt động giống trang haivl bị đình chỉ mới đây. Tuy nhiên, để xử lý những trang này thì cần phải xem trang web đó có đăng tải những nội dung sai phạm hay không. Việc kiểm tra này hiện không có máy đọc mà do con người rà soát nên khá mất thời gian. Cơ quan chức năng phải dò tìm lại lịch sử các nội dung đã đăng tải và kiểm tra rất công phu. Nếu phát hiện có nội dung sai phạm cụ thể như cung cấp hình ảnh dâm ô, lời lẽ bậy bạ, xuyên tạc lịch sử... thì có thể căn cứ vào đó để quy ra các hành vi vi phạm cụ thể và xử phạt, chứ không thể nói chung chung được.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã đang kiểm tra và tổng rà soát lại hoạt động của hàng loạt trang thông tin điện tử trên mạng. Trước đó, Bộ cũng đã ban hành công văn do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký ngày 6/11/2014 yêu cầu các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh thực hiện nghiêm việc này.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, chưa có một kết luận chính thức nào từ phía các cơ quan chức năng về việc những trang web kiểu như haivl.com sẽ bị xử lý ra sao, nhưng có thể thấy một loạt trang web mở ra ăn theo haivl đang tạo ra sự hỗn loạn trong cộng đồng mạng xã hội.
Minh Hiếu

Bình luận(0)