Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản giáo dục (NXBGD) Việt Nam Lê Hoàng Hải cho biết: Trong tháng 5-2019, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn sách của NXBGD Việt Nam bị in lậu được tập kết tại một kho thuộc huyện Hoài Ðức (Hà Nội) với số lượng 47 nghìn sách và 87 nghìn đĩa CD gồm SGK, sách tham khảo, sách Tiếng Anh cùng nhiều sản phẩm khác. Khoảng đầu tháng 6, đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Bình Ðịnh đã phát hiện và thu giữ số lượng xuất bản phẩm lậu hơn 72 nghìn bản, phần lớn là sách giáo dục của NXBGD Việt Nam. Những cuốn sách giáo dục bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là sách Tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, át-lát (Atlas) địa lý, đĩa CD nghe nhìn giáo dục. Ngoài ra, các phiên bản sách giáo dục điện tử cũng bị phát tán tràn lan dưới nhiều định dạng, nguồn gốc khác nhau. Những cuốn sách này còn được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ, lọt vào trong các cơ sở giáo dục, nhà trường trên toàn quốc. Ðối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi những cuốn sách giáo khoa giả là các em học sinh do sách in lậu sử dụng chất liệu giấy và chất lượng mực in kém ảnh hưởng tới thị lực của học sinh.
Mặt khác, những đối tượng làm sách lậu không có nghiệp vụ biên tập, kiểm tra, rà soát nội dung dẫn đến cuốn sách có nhiều lỗi lớn, thí dụ như trong cuốn vở bài tập
toán 5 của NXBGD Việt Nam, có phép tính ở sách thật in là dấu cộng, thì sang sách giả in thành dấu bằng; hay trong những cuốn sách có vẽ bản đồ, khi được tái tạo theo cuốn sách thật, nhiều chi tiết bị sai lệch như thay vì sử dụng ký hiệu đường gạch đứt và có dấu chặn hai đầu để mô tả đường biên giới quốc gia, sách giả sử dụng đường gạch chấm thường dùng để biểu thị đường ranh giới giữa các tỉnh khiến các em học sinh bị nhầm lẫn, gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình học tập…
Theo các chuyên gia, sách giả hiện nay được làm khá tinh vi khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện. Một số dấu hiệu nhận biết sách giả như: bìa mờ nhạt, giấy bìa và ruột sách mỏng, chữ in không sắc nét, mực in không đều, hơi lem nhem… Theo Phó Cục trưởng Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Ngọc Bảo, khi đối tượng in lậu nắm được nhu cầu của thị trường, bạn đọc với một cuốn sách cụ thể sẽ móc ngoặc với cơ sở in để in lậu. Những máy in với công suất lớn, hiện đại hoạt động suốt đêm, sáng hôm sau, các nhà sách đã có thể chào bán những cuốn sách đang thuộc dạng bán chạy với giá thấp hơn giá của nhà xuất bản đưa ra. Ðáng lo ngại, vì lợi nhuận cao, nhiều cơ sở in bất chấp các quy định của pháp luật sẵn sàng in bất cứ cái gì. Dù không có giấy phép in xuất bản phẩm nhưng nhiều công ty, nhà in, cơ sở in vẫn tham gia in nhiều đầu sách theo sự móc ngoặc với đối tượng in lậu. Thực tế, công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống xuất bản phẩm lậu đến nay vẫn chưa đưa ra được những giải pháp thật sự hữu hiệu để có thể ngăn chặn thành công, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu. Mặc dù công tác phòng, chống in lậu được triển khai quyết liệt, thu được một số kết quả nhất định, nhưng các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương gặp không ít khó khăn. Cụ thể như lực lượng thanh tra chuyên ngành xuất bản, in, phát hành ở T.Ư và địa phương còn mỏng, thường xuyên có sự thay đổi, không ổn định.
Để ngăn chặn vấn nạn sách giả, sách lậu, nhất là sách giáo dục, Phó Tổng Giám đốc NXBGD Việt Nam Lê Hoàng Hải cho biết, đã phối hợp tích cực với Sở GD và ÐT cả nước để khuyến cáo các bậc phụ huynh và học sinh không mua sách giáo khoa từ những nguồn trôi nổi mà nên mua sách từ những hệ thống phân phối chính thức của NXBGD Việt Nam, các công ty sách và thiết bị trường học tại các địa phương. Về mặt kỹ thuật, NXBGD Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp như các loại mã số, tem chống giả để hạn chế tình trạng in lậu sách của đơn vị cũng như tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng để kiểm soát thị trường. Trong khi đó, một số chuyên gia giáo dục, in ấn cho rằng cần có những hành lang pháp lý và chế tài mạnh để đủ sức ngăn chặn nạn in và phát hành sách lậu. Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, các lực lượng liên ngành, các nhà xuất bản, các tổ chức liên quan phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, kiên quyết, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước đẩy lùi xuất bản phẩm lậu…