Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư công trình đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xung quanh việc công trình này vừa mới khánh thành giai đoạn 1 đã bị Hội đồng Nghiệm thu nhà nước phát hiện lún, lệch.
Lún nhiều nơi, vật liệu không bảo đảm
Theo văn bản của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, tại đoạn đường thuộc gói thầu số 3 (dài gần 10 km, đi qua 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tỉnh Đồng Nai), mặt đường bị lún, lệch từ 3-5 cm.
Cùng lúc, đơn vị kiểm tra còn phát hiện tại gói thầu A5, nơi đang thi công đắp nền đường, đóng cọc bê-tông, làm cống thoát nước, những vật liệu đắp còn trộn lẫn cuội, sỏi, đá tảng to quá tiêu chuẩn cho phép; thậm chí còn trộn lẫn với nhiều rễ cây. Cũng tại đây, nhiều ống nhựa trong công trình thoát nước không bảo đảm, khó chịu lực đối với tải trọng lớn, dễ dẫn đến mặt đường bị sụt lún. Ngoài ra, tại các gói thầu 7, 8, 9 ở nút giao Vành đai 2 bị nhiều vết nứt. Tại gói thầu số 6, ta-luy nền đường xuất hiện nhiều điểm bị xói lở.
Để khắc phục, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước yêu cầu chủ đầu tư phải bóc bỏ, làm lại nền đường ở các vị trí nơi đang thi công bị lỗi, đồng thời khắc phục bù lún ở những đoạn đã được đưa vào khai thác.
|
Cao tốc TPHCM -Long Thành - Dầu Giây (đoạn TP HCM - Long Thành) mới được đưa vào khai thác. Ảnh: XUÂN HOÀNG.
|
Trong giới hạn cho phép?
Ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch HĐTV VEC, khẳng định các vấn đề trên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. “Sau khi Hội đồng Nghiệm thu nhà nước nhắc nhở, tôi đã cùng Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trực tiếp đi kiểm tra hiện trường. Tại các đoạn nền đất yếu như gói thầu số 3 thì chắc chắn còn lún theo thời gian như các tuyến đường cao tốc khác thôi” - ông Việt khẳng định.
Ông Đỗ Chí Trung, Chánh Văn phòng VEC, cũng cho biết độ lún tại gói thầu số 3 vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án: Độ lún dư sau 15 năm nhỏ hơn hoặc bằng 30 cm cho các khu vực đường thông thường. Nguyên nhân là do khu vực công trình đi qua có điều kiện địa hình, địa chất phức tạp. Đây là đoạn tiếp giáp giữa 2 điểm có nền đất yếu, phải dùng các phương pháp đóng cọc, gia cố xi măng và bơm hút chân không để xử lý lún, lại cũng là điểm tiếp giáp giữa 2 gói thầu (gói thầu số 2 và số 3) nên dễ dẫn đến sự chênh lệch. VEC đang cùng tư vấn giám sát và nhà thầu tiến hành quan trắc theo dõi lún để có giải pháp xử lý phù hợp bảo đảm êm thuận và an toàn trong quá trình khai thác.
Với những tồn tại được chỉ ra ở gói thầu 5A, VEC thừa nhận các lỗi trên và nêu lý do vì quá gấp rút về tiến độ thi công lại đang gặp khó khăn về nguồn khai thác mỏ đất để sử dụng với khối lượng lớn. Bởi lẽ, khu vực xung quanh chỉ có những mỏ nhỏ, phân tán dẫn đến vật liệu cục bộ, không đồng nhất. VEC cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu rút kinh nghiệm, kiểm tra kỹ vật liệu trước khi sử dụng để bảo đảm chất lượng công trình.
“Phải lún tới thời điểm nào đó thì mới cho bù lún. Hiện vẫn đang lún trong thời gian cho phép thì chưa thể bù lún ngay được, phải chờ 3-4 năm mới duy tu sửa chữa” - ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch HĐTV VEC.