Thiếu tướng Phan Như Thạch, nguyên Giám đốc Công an Quảng Nam đã gửi một bản tường trình đến báo Tiền Phong về vụ việc sai phạm xây dựng nhà ở của gia đình ông ở rừng Hải Vân mà báo đề cập trong nhiều bài viết thời gian qua. Tướng Thạch cho rằng, về lý đã thấu, xin chấp hành pháp luật, chỉ mong chính quyền, nhân dân nghĩ đến “cái tình” của việc xử lý tháo dỡ biệt thự.
|
Ngôi biệt thự trái phép của gia đình thiếu tướng Phan Như Thạch. |
Tương tự ông Thạch, "đại gia” khai khoáng Ngô Văn Quang cũng gọi điện cho các báo, bày tỏ qua báo chí xin lỗi người dân, chính quyền Đà Nẵng và cho phép được tiếp tục hoàn thiện dự án, sau đó tùy thuộc Đà Nẵng xử lý việc sử dụng.
Xin chấp hành pháp luật!
Thiếu tướng Phan Như Thạch trình bày: "Tôi và gia đình đã nhận thức được việc tiến hành xây dựng ngôi nhà trên khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và đất đai. Khi có các quyết định đình chỉ thi công, gia đình đến nay đã thực hiện nghiêm túc. Gia đình cũng đã tích cực hợp tác cung cấp hồ sơ, giấy tờ, làm giải trình với các cơ quan chức năng.
Hiện nay, qua báo chí cũng như thông báo của UBND quận Liên Chiểu, gia đình đã được biết, sắp tới sẽ có quyết định công bố xử lý sai phạm, với hình thức là tháo dỡ ngôi biệt thự 3 tầng. Chắc chắn gia đình sẽ chấp hành đúng pháp luật.
Tuy nhiên, ông Thạch cũng như gia đình trình bày thêm, việc xây dựng sai phạm kéo dài ngoài lỗi từ gia đình còn có nguyên nhân khách quan. Đó là vào các năm 2005 và 2011, gia đình ông đã tiến hành hoàn thiện những thủ tục, làm hồ sơ xin đổi mục đích sử dụng đất giao khoán để trồng rừng và phát triển kinh tế vườn cho phù hợp với quy hoạch. Hồ sơ đã được UBND thành phố tiếp nhận, gửi các sở, ban ngành tham mưu xử lý, chưa có phản hồi. Do chờ đợi quá lâu nên gia đình có phần nôn nóng, tiến hành xây dựng. “Việc sai phạm nằm trong tình hình chung của khu vực, có 40 hộ dân như thế”- ông Thạch nói.
|
Đại gia Ngô Văn Quang mong hoàn thành công trình này để hiến tặng khu du lịch cho Đà Nẵng |
Trong đơn, Thiếu tướng Thạch mong được cho xử phạt hành chính về việc xây nhà chưa có phép, sau đó xin giữ lại để ổn định sinh hoạt, khi nhà nước có nhu cầu thu hồi khu đất trên cho mục đích khác, gia đình cam kết tháo dỡ, bàn giao mà không nhận bồi thường.
“Lẽ ra, với cương vị của một Thiếu tướng, một giám đốc công an, ông Thạch ngay từ đầu phải gương mẫu chấp hành, không để xảy ra vi phạm.
Tuy nhiên, ông và gia đình lại để xảy ra chuyện đáng tiếc. Việc xử lý nghiêm minh cũng là cách thể hiện sự tôn trọng phép nước”, một cán bộ lão thành nói.
Gọi điện cho báo chí để mong được giãi bày, ông Ngô Văn Quang – Giám đốc Cty TNHH Phước Minh, chủ biệt phủ ở đồi Chim Chim cũng xin nhận lỗi với chính quyền, đồng thời mong được xem xét cho giữ lại và sẽ hiến tặng nhà nước một công trình dự án du lịch có điểm nhấn ở rừng Hải Vân. “Hiện tại nhà nước vẫn chưa có kế hoạch sử dụng khu đất trên nên phương án phá dỡ công trình này theo tôi là chưa đến mức cần thiết. Việc tháo dỡ sẽ gây tốn kém, lãng phí tài sản của cá nhân và xã hội, cũng như ảnh hưởng đến nhiều hộ dân xung quanh cũng xây dựng không phép như trên” - ông Quang bày tỏ.
Chủ tịch quận Liên Chiểu: “Cứ theo luật mà làm!”
Ông Dương Thành Thị - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay, đã có ý kiến của lãnh đạo thành phố về việc xử lý vụ việc. “Quan điểm của thành phố là giao quận Liên Chiểu xử lý đúng pháp luật. Vì thế, ngày 4/2 (tức hôm nay), quận sẽ ra quyết định. Hình thức xử lý như văn bản quận đã đề xuất, gửi thành phố trước đó”.
|
Bản tường trình của Thiếu tướng Phan Như Thạch gửi báo Tiền Phong |
Như báo cáo đề xuất hình thức xử lý của UBND quận Liên Chiểu, kể từ ngày 5/2 tới 10/3, cả hai gia đình ông Phan Như Thạch và ông Ngô Văn Quang phải tự tháo dỡ những công trình vi phạm trong rừng Hải Vân. Sau thời gian trên, nếu vẫn không chấp hành, chính quyền sẽ có biện pháp cưỡng chế.
Ông Dương Thành Thị cho hay, không riêng gì biệt thự ông Thạch, ông Quang mà trước khi ký một quyết định tháo dỡ một công trình của người dân, luôn luôn là một quyết định khó khăn. “Việc này cứ theo luật mà làm. Đầu tiên là phải tháo dỡ công trình vi phạm, sau đó chờ lãnh đạo thành phố có ý kiến tiếp theo” – ông Dương Thành Thị nói.
Sai thì phải chấp nhận xử lý
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng Thái Thanh Hùng cho rằng, với những hộ gia đình đã sai phạm xây dựng trên đất rừng Hải Vân, cách tốt nhất bây giờ là chấp nhận các cách thức xử lý của chính quyền. “Hội Cựu chiến binh đã được thành phố trả lời là xử lý đúng pháp luật nên chúng tôi đang chờ xem”.
Một cán bộ lão thành tại CLB Thái Phiên (Đà Nẵng) cho rằng, pháp luật phải được thượng tôn. “Lẽ ra, với cương vị của một Thiếu tướng, một giám đốc công an, ông Thạch ngay từ đầu phải gương mẫu chấp hành, không để xảy ra vi phạm. Tuy nhiên, ông và gia đình lại để xảy ra chuyện đáng tiếc. Việc xử lý nghiêm minh cũng là cách thể hiện sự tôn trọng phép nước”.