Mới đây, ngày 18/2, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất bản cáo trạng số 110/VKS-P1A, truy tố bị can Nguyễn Mạnh Tường, nguyên bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ Cát Tường và đồng phạm.
Theo đó, bị can Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 Bộ luật Hình sự (BLHS) và “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 1 Điều 242 BLHS. Bị can Đào Quang Khánh bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, theo khoản 2, Điều 246 BLHS và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS.
|
Chị Nguyễn Thị Hằng - vợ bác sĩ Tường. |
Một điều làm bạn đọc bất ngờ, đó là, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, người thứ 3 cùng đi ném xác chị Lê Thị Thanh Huyền – nạn nhân vụ thẩm mỹ viện Cát Tường chính là chị Nguyễn Thị Hằng - vợ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Tuy nhiên, theo quan điểm của VKSND TP Hà Nội, chị Hằng biết việc Tường và Khánh mang xác chị Huyền đi vứt xuống sông và nhiều lần can ngăn nhưng không được. Hành vi trên của Hằng không phạm tội.
Nhiều người thắc mắc, vì sao chị Hằng chứng kiến cảnh hai người đàn ông ném xác phi tang nhưng lại không báo cáo sự việc lên cơ quan công an mà không bị kết tội che dấu tội phạm. Chia sẻ với báo chí trước đó, anh Nguyễn Hữu Huy, chồng nạn nhân Huyền cũng nói: “Vợ của Tường ngồi trên xe và nói rằng khuyên can chồng không được, vậy tại sao sau đó chị này không tố cáo tất cả những việc làm sai trái của chồng? Việc chị này ngồi yên để chồng và Khánh đưa xác nạn nhân qua lan can rồi thả xuống sông Hồng, sau đó chị này không báo cáo gì với cơ quan công an thì là vô can? Việc này rõ ràng cũng là một hành vi tiếp tay chứ không thể nói vô can được. Riêng gia đình tôi và rất nhiều người chắc chắn sẽ không đồng tình với việc kết luận chị này vô can”.
Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, theo quy định của pháp luật hình sự thì khi một người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 314 Bộ luật Hình sự (hình phạt cao nhất là 03 năm tù) nếu tội phạm mà người đó không tố giác là một trong các tội được liệt kê tại Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Tương tự như hành vi không tố giác tội phạm là hành vi che giấu tội phạm. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự (hình phạt cao nhất là 05 năm tù đối với người bình thường và 7 năm tù nếu là người lợi dụng chức vụ) nếu tội phạm được che giấu cũng là một trong các tội được liệt kê tại Điểu 313 Bộ luật Hình sự.
02 hành vi này khác nhau cơ bản ở chỗ hành vi không tố giác mang tính thụ động thể hiện bằng hành vi không hành động; còn hành vi che giấu tội phạm thể hiện bằng hành vi chủ động nhằm cản trở việc phát hiện tội phạm.
Như ở trên đã phân tích, người không tố giác hoặc che giấu tội phạm chỉ bị xử lý hình sự nếu tội phạm không được tố giác hoặc được che giấu được liệt kê tại Điều 313 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên 2 tội danh của Bác sỹ Tường là "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và "Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt" đều không thuộc các tội được liệt kê tại Điều 313 Bộ luật Hình sự, do vậy vợ bác sỹ Tường không bị xử lý hình sự về cả hai tội này.
Riêng đối với tội Không tố giác tội phạm thì tại Điều 314 còn quy định nếu vợ không tố giác chồng thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đó là tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (có mức hình phạt từ 15 năm tù trở lên); hoặc không thuộc trường hợp này nhưng người không tố giác đã có hành động can ngăn người phạm tội thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
“Như vậy hành vi không tố giác tội phạm hay che giấu tội phạm không phải lúc nào cũng bị xử lý hình sự. Nếu hành vi của vợ bác sỹ Tường như báo chí mô tả thì việc không xử lý hình sự đối với chị này là đúng theo quy định của pháp luật”, Luật sư Thạch khẳng định.