Thông tin Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, sinh ngày 24/12/1954, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, Thứ trưởng Bộ Công an... từ trần vào hồi 21h05 ngày 18/2/2014 đã khiến người dân Thái Bình, quê hương ông và những đồng nghiệp đã từng công tác với vị tướng này chết lặng.
Trong mắt những đồng nghiệp từng công tác với tướng Ngọ trong những ngày vị tướng này làm việc tại công an huyện Quỳnh Phụ, ông là người gần gũi, có trách nhiệm và nghĩa tình.
|
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ trong mắt đồng nghiệp là người nghĩa tình, mưu trí, dũng cảm. |
Đại tá Nguyễn Văn Tân, Trưởng công an huyện Quỳnh Phụ, người từng làm việc với ông Ngọ khi ông còn công tác tại đây, cho biết: "Ngày 17/2, tôi cùng một số anh em đến thăm Tướng Ngọ tại Bệnh viện 108. Lúc này Tướng Ngọ vẫn nói chuyện được, dù anh chỉ nói được ít câu nhưng vẫn hỏi han, quan tâm đến chiến sĩ công an huyện Quỳnh Phụ và người dân Thái Bình. “Khi gặp chúng tôi, anh Ngọ bày tỏ mong muốn được đưa về an táng ở quê và cơ quan chức năng minh oan cho anh ấy”, đại tá Tân cho hay.
|
Đại tá Nguyễn Hữu Tân, trưởng công an huyện Quỳnh Phụ. |
“Khi nhận được tin báo Tướng Ngọ không qua khỏi, tôi và anh em trong đơn vị đều đau xót. Nhiều anh em đơn vị cùng công tác với Tướng Ngọ từ năm 1982 tại công an huyện Quỳnh Phụ đã nghỉ hưu cũng điện hỏi han, chia sẻ mất mát lớn này”, trưởng công an huyện Quỳnh Phụ cho biết.
“Ngày trước khi còn công tác tại công an huyện Quỳnh Phụ, anh Ngọ đã được anh em đơn vị và nhân dân huyện Quỳnh Phụ quý mến bởi anh là người sống nặng tình, có tâm, có tài, mưu trí, dũng cảm. Kể cả khi anh làm Thứ trưởng Bộ công an anh vẫn luôn quan tâm đến công an và nhân dân huyện Quỳnh Phụ”, đại tá Tân cho hay.
Trong trí nhớ của Đại tá Nguyễn Văn Tân, Trưởng công an huyện Quỳnh Phụ, khi học xong trường Đại học Cảnh sát, anh về công tác tại Công an huyện Quỳnh Phụ, giữ chức đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế.
Thời gian anh làm ở đây hết sức quần chúng, có tâm đức, xông xáo trong công việc. Nhiều sự kiện đáng nhớ, năm 1984, tại xã An Vinh, kẻ xấu cắt dây chằng cột điện làm cột điện cao thế đổ. Hôm đó, anh Ngọ cùng anh em xuống điều tra kẻ cắt dây điện, phải thức thâu đêm. Lúc đó, anh Ngọ bị đau đường ruột nhưng vẫn cùng anh em giải quyết sự việc.
Vụ việc khác, năm 1997, xảy ra cuộc bạo động, khi đó tình hình an ninh nông thôn huyện Quỳnh Phụ phức tạp, nơi đầu tiên khởi nguồn bạo động, anh Ngọ khi đó làm lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình trực tiếp về chỉ đạo. Anh Ngọ đã chỉ đạo, huy động các lực lượng xuống địa phương, bảo vệ mục tiêu, vận động người dân, lập hồ sơ các đối tượng quác khích để bắt giữ. Từ đây báo cáo Trung ương ra quy chế dân chủ. Khi phát hiện quyền lợi của dân, anh Ngọ kiến nghị các cấp chính quyền để giải quyết. Việc làm này khiến người dân Quỳnh Phụ và nhân dân Thái Bình rất ủng hộ.
|
Công an huyện Quỳnh Phụ, nơi Thượng tướng Ngọ công tác sau khi ông tốt nghiệp Đại học cảnh sát. |
Tìm về xã Quỳnh Giao (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), quê nhà vợ Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, ai cũng đau xót khi biết tin ông Ngọ mất. Người dân Quỳnh Giao cho biết, dù quê hương Quỳnh Giao chỉ là quê nhà vợ nhưng anh Ngọ luôn động viên, giúp đỡ người dân nơi đây từ khi anh công tác tại công an huyện Quỳnh Phụ. Anh là người sống có tình cảm, nghĩa tình.
Xã Đông Cường (Đông Hưng, Thái Bình), nơi Thượng tướng Phạm Quý Ngọ sinh ra và lớn lên, khi hay tin anh Ngọ mất, nhiều người dân đã kéo đến nhà người thân Thượng tướng để chia sẻ, động viên. Căn nhà trước đây Thượng tướng ở, giờ có một người họ hàng chăm nom.
“Khi biết tâm nguyện cuối cùng của Thượng tướng Ngọ là được về quê an táng, người dân xã Đông Cường ai cũng cảm động. Lúc còn sống, Thượng tướng Ngọ luôn hướng về quê hương, ngay cả khi mất đi, anh cũng muốn về an nghỉ tại quê nhà”, một người dân xã Đông Cường cho biết.
Ngày 19/2, tại xã Đông Cường, nhiều người thân và cơ quan chức năng đã khảo sát địa bàn và tìm địa điểm an táng Thượng tướng Phạm Quý Ngọ.