“Viagra” cho tuấn mã

Google News

(Kiến Thức) - "Đua ngựa là phải có "mẹo" hay, mà đã là "mẹo" thì mỗi người một cách, chẳng ai giống ai", kỵ sĩ Vàng Văn Huỳnh chia sẻ.

10 ngày giảm 30kg
Kỵ sĩ Vàng Văn Huỳnh là người dân tộc Tày ở bản Na Áng, xã Na Hối (Bắc Hà, Lào Cai). Anh có dáng người cao nhưng thân mình nhỏ thó và gầy gò, hàng ria mép thưa lia thia vài cọng như cố bám vào nước da xanh vì thiếu chất. Anh Huỳnh bảo, phải nhịn ăn để đến mùa đua ngựa đỡ phải ngồi "nồi hấp".
Theo anh Huỳnh, trước mỗi mùa đua ngựa thì anh phải ngồi vào nồi hấp để giảm cân. Chiếc nồi được thiết kế cao khoảng 1,2m và rộng đủ để một người ngồi vào. Chiếc nồi được đặt trên bếp lửa, ở đáy nồi đặt một vài viên gạch cho kỵ sĩ ngồi và đổ nước xuống dưới đáy. Chiếc vung đục một lỗ nhỏ để thông khí.
Lửa nổi lên cháy bùng bùng làm cho nước sôi sùng sục. Người kỵ sĩ phải hứng chịu sự nóng nảy như thiêu đốt để làm sao mồ hôi toát ra càng nhiều càng tốt. Nhiều lần, anh đã phải đẩy chiếc vung phía trên để thoát ra ngoài vì không thể chịu nổi. Thế nhưng, anh bảo: "Kỵ sĩ ăn nhau ở chỗ có "mẹo" hay nhưng còn phải quyết tâm thực hiện. Thế nên, mỗi lần vào nối hấp là một lần chịu cực hình. Thật là không có vinh quang nào dễ dàng có được".
 Kỵ sĩ trên đường đua.
10 ngày trước cuộc đua, anh Huỳnh phải chịu đựng tất cả những "đòn tra tấn" của nồi hấp. Từ một chàng trai nặng 65kg, anh Huỳnh chỉ còn 35kg không thừa không thiếu. Vợ của anh Huỳnh nhìn chồng khổ luyện đến gầy rộc mà không cầm được nước mắt.
Anh Huỳnh bật mí: "Nhiều kỵ sĩ còn uống thuốc giảm cân siêu tốc để có thân hình nhẹ nhàng nhất. Cân nặng của kỵ sĩ ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ của ngựa khi phi nước đại. Vì thế, khi ngồi trên lưng ngựa, nhiều người còn không đội mũ bảo hiểm, không đi giầy dép để giảm thiểu tối đa sức nặng cho ngựa". 
Chăm sóc ngựa trước cuộc đua. 
"Viagra" cho tuấn mã 
Trong khi người phải vào nồi hấp để giảm cân thì tuấn mã lại được tăng cường chăm sóc một cách đặc biệt để có sức mạnh chiến thắng. Anh Vàng Văn Cương, cựu vô địch giải đua ngựa năm 2007 cho biết: "Kỵ sĩ phải gần gũi, vỗ về cho ngựa thì mới hiểu nhau. Như một sợi dây vô hình, con ngựa khi hiểu kỵ sĩ sẽ rất ngoan và chạy một cách nhanh nhất".
Theo anh Cương, trước giải đua ngựa mấy tháng thì ngựa phải được chăm sóc bằng cách cho ăn nhiều hơn. Loại cỏ cho ngựa ăn cũng phải nhiều chất dinh dưỡng và dễ tiêu hoá. Thỉnh thoảng, ngựa phải được ăn thêm một vài loại cám để bổ sung dinh dưỡng. Sau mỗi lần tập luyện, phải đưa ngựa ra suối tắm rửa sạch sẽ để ngựa không bị bệnh.
Cây xuân khung. 
"Vua ngựa" Triệu Văn Minh người dân tộc Nùng là kỵ sĩ giỏi nhất ở bản Na Khèo, xã Tà Chải lại cho ngựa ăn một loại lá cây mà ông cho rằng tốt hơn cả Viagra. Khi ăn loại lá cây này, ngựa săn cơ, khoẻ gân và dai sức. Vì thế, trước mỗi giải đua, ông đều lên rừng tìm loại thần dược này cho tuấn mã.
Bây giờ ông Minh cũng đã trồng được cây thuốc này trong vườn nhà và bảo vệ rất nghiêm ngặt. Ông chỉ vào một khóm cây trồng trong chiếc chậu màu trắng nói tên cây là "xuân khung" (xuyên khung). Loại lá của cây này tốt cho dạ dày của ngựa. Theo quan sát của chúng tôi, cây xuân khung thực chất là cây ngải cứu. Khóm cây còn lại theo tiếng Nùng là "cà phong" có tác dụng giúp ngựa săn khoẻ khoẻ gân. Đó là hai loại "thần dược" để ngựa có sức mạnh trong cuộc đua với hàng trăm tuấn mã khác.
Kỵ sĩ Vàng Văn Cương lại có "thần dược" dị biệt hơn. Đó là tóc rối trộn với tro của nón nứa, tán thành bột hoà vào nước cho ngựa uống hằng ngày. Thậm chí, hạt tiêu cũng trở thành phương thuốc tăng cường sức mạnh cho ngựa khi gần tới cuộc đua.
Cây cà phong. 
Trọng danh dự hơn tiền
Đua ngựa ở Bắc Hà thường chia ra các lượt chạy. Mỗi lượt khoảng 10 kỵ sĩ tranh tài. Tuỳ vào số lượng người tham gia mà chia ra các lượt cho hài hoà. Mỗi lượt chạy chọn ra một kỵ sĩ về nhất để tranh tài ở vòng sau. Vì vậy, tính chất và mức độ cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt.
Ở mỗi chặng đua, ngựa đứng ở vạch xuất phát. Nhiều con tuấn mã bất kham muốn tung vó nên cứ chồm lên hí vang cả trường đua. Khi ngựa chạy đến các góc cua cũng là thời cơ để các kỵ sĩ vượt nhau. Theo anh Huỳnh, điều này phụ thuộc vào kỹ thuật "bẻ cua" của từng kỵ sĩ. 
Hầu hết các kỵ sĩ ở Bắc Hà rất ít khi dùng roi quất ngựa. Trong cuộc đua hay trong cuộc sống, ngựa là bạn tốt nhất với các kỵ sĩ. Vì vậy, đã từng có trường hợp, khi kỵ sĩ giơ roi ra, ngựa đã chạy ra khỏi trường đua. Hoặc, quất ngựa liên tục nhưng tuấn mã cứ đứng ì ra không chịu tung vó.
Ngựa đẹp phải có bờm đẹp. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những kỵ sĩ tham gia giải đua ngựa ở Bắc Hà gồm các dân tộc: Mông, Nùng, Tày ở tất cả các xã của Bắc Hà và một số xã của huyện Si Ma Cai. Kỵ sĩ các dân tộc này rất trọng danh dự và tiếng tăm nên với họ, số tiền 20 triệu đồng cho người về nhất không quan trọng. Họ giành chiến thắng vì lòng tự tôn dân tộc, tự trọng cho dòng họ và tiếng tăm cho bản làng.
Điều này được ông Ngô Văn Huân, cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bắc Hà xác nhận: "Từ ngày xưa, khi giải đua ngựa chưa được nhiều người biết tới thì danh dự trong mỗi lần đua luôn được các kỵ sĩ đặt lên hàng đầu. Họ không muốn mang tiếng là kẻ thua trận nên trong mỗi cuộc đua, tính chất và sự quyết liệt lên tới đỉnh điểm".
Thế nhưng, các kỵ sĩ không bao giờ có sự kèn cựa hoặc chơi xấu nhau. Theo anh Huỳnh, nếu chơi xấu nhau để giành giải nhất thì không xứng đáng. Và tiếng xấu sẽ theo kỵ sĩ đến suốt đời. Hành xử một cách đẹp đẽ trên đường đua sinh tử, dù thua cuộc nhưng danh dự được bảo toàn thì cũng là một phẩm giá tuyệt với của người kỵ sĩ.
"Mỗi kỵ sĩ có một vài "mẹo" để giành chiến thắng. Có người giảm cân bằng cách vào "lò hấp", có người lại dùng thuốc. Chăm ngựa cũng có nhiều cách rất lạ, nhưng hầu hết là kinh nghiệm cha ông truyền lại từ ngàn đời nay".
Ông Ngô Văn Huân (cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bắc Hà)
 "Chọn ngựa đua trước hết phải có dáng to cao, béo, chân thẳng thon chắc, răng trắng đều, bờm dày, lông đều, sờ vào mượt như tơ lụa. Đặc biệt, không nên chọn ngựa có lông nhiều màu sắc. Phải xem kỹ tính nết, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền. Kỵ sĩ sợ nhất là mua phải ngựa Trung Quốc mang sang vì hầu hết bị tiêm thuốc nên có vẻ béo khỏe, nhưng được một thời gian thì gầy tọp đi, hay cắn và đá người".
Kỵ sĩ Vàng Văn Huỳnh
Trần Hoà

Bình luận(0)