Sau hơn 3 tháng điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra kết luận dài 8 trang, đề nghị truy tố Nguyễn Mạnh Tường các tội danh “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể”. Theo đề nghị truy tố, ông Tường đối diện với mức án cao nhất cho cả hai tội danh trên là 22 năm tù.
Nhiều bạn đọc băn khoăn, liệu tội danh trên dành cho đối tượng Nguyễn Mạnh Tường có thỏa đáng? Liệu có phải vì chưa tìm thấy thi thể nạn nhân nên cơ quan chức năng không đề nghị truy tố Nguyễn Mạnh Tường về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính? Vậy, thi thể nạn nhân chưa tìm thấy thì làm sao chứng minh được tội xâm phạm thi thể mà Công an Hà Nội vừa đề nghị truy tố mới đây?
|
Đối tượng Nguyễn Mạnh Tường đang đối diện với mức án cao nhất là 22 năm tù nhưng nhiều người cho rằng BS Tường thoát tội giết người là chưa thỏa đáng. |
Luật sư Trần Đình Triển, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, nói: “Tôi cho rằng CQĐT khởi tố vụ án với 2 tội danh đó là một việc rất khoa học, rất cân nhắc”.
Ông Triển phân tích: “Về nguyên tắc, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can chưa chắc đã có tội, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng có thể chuyển tội danh này và đình chỉ tội kia. Vì vậy việc khởi tố 2 tội danh trong vụ án này là có sự tính toán của cơ quan điều tra và rất khoa học ở chỗ ấy.
Thứ nhất, là vi phạm về quy chế khám chữa bệnh, rõ ràng là một tội, khởi tố không sai. Thứ hai, vấn đề là tội căn cứ vào lời khai của bác sĩ Tường và lời khai của bảo vệ là có việc như vậy thì đây là cơ sở để công an khởi tố tội xâm phạm cơ thể.
Một số người đặt ra vấn đề là nếu không tìm ra thi thể thì đình chỉ vụ án. Tôi không đồng ý với ý kiến này.
Ở đây chúng tôi nhìn dưới góc độ phòng chống tội phạm. Theo điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định người đó đã chết. Cũng theo điều luật này thời gian yêu cầu xác định người đó đã chết sẽ kéo dài trong vòng 1 năm. Vì vậy trong 3 tháng nay và trong thời hạn 1 năm, gia đình chị Huyền có quyền yêu cầu xác định nạn nhân đã mất. Từ đó phải xác định nguyên nhân là gì? Do bão lụt, hỏa hoạn hay do chính bác sĩ Cát Tường?
|
Luật sư Trần Đình Triển. |
Vậy rõ ràng cơ quan tố tụng đang chờ thời điểm để chuyển tội danh. Và tội danh gì chúng ta chưa thể bàn được vì những lời khai của bị can, bị cáo chưa thể chứng minh được là có tội hay không có tội mà phải phù hợp với những chứng cứ khách quan khác ví dụ như lời khai của những người làm chứng rồi việc khám xét, thu giữ những chứng cứ. Vì vậy chúng ta phải đặt ra nhiều giả thiết. Ví dụ khi người bệnh đến phòng khám, bác sĩ giở trò tòm tem, hiếp dâm và người ta chống lại thì sao? Và anh sợ xấu hổ anh giết người ta thì là tội hiếp dâm khi có bằng chứng.
Trường hợp thứ 2, cũng có thể cho rằng gia đình chị Huyền khá giả, mang theo nhiều tài sản nên đã giết người chiếm đoạt tài sản. Hoặc cũng có thể khi anh làm cho người ta không đạt được nguyện vọng, người ta kiện, anh giết người ta thì sao? Hoặc do quá trình phẫu thuật sai sót, anh quá tự tin vào tay nghề dẫn đến cái chết là tội vô ý giết người.
Có rất nhiều giả thiết được đặt ra và chúng ta chưa có tài liệu gì từ cơ quan điều tra nên chúng ta chưa thể bàn được đó là tội gì.
Và tôi cho rằng không thể đình chỉ vụ án và sau 1 năm bác sĩ Tường sẽ bị khép vào tội danh ít nhất là vô ý giết người”, Luật sư Triển nói.
Còn theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Trưởng Văn phòng luật sư Interla: "Quan điểm của tôi là phải khởi tố theo Điều 99 BLHS thì có căn cứ nhiều hơn. Đó là Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
Tức Tường hoạt động theo ý chí chủ quan mình là một bác sĩ ngoại. Tường lấy ý chí chủ quan đó để mang ra áp dụng phẫu thuật ở phòng khám Cát Tường, nên theo tôi là nên chuyển tội danh", Luật sư Hòe nói.
Nhìn nhận sự việc ở một khía cạnh khác, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm chủ tịch hội đồng tư vấn Công ty luật Hợp Danh Hồng Bách và cộng sự, cho hay: “Tôi thiên về tội cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án theo Điều 242”.
Theo ông Bách phân tích, chúng ta có thể kết luận một cách khoa học rằng chị Huyền đã chết hay không? Đến thời điểm này chưa có một kết luận. Như vậy, chưa thể nói đến một câu chuyện chắc chắn về khoa học pháp lý là nạn nhân đã chết. Tất cả chỉ theo lời khai của bảo vệ Khánh và bác sĩ Tường.
Nếu có tình huống Huyền đã chết thì chúng ta không thể khẳng định cái chết đó có phải do bác sĩ Tường gây ra hay không? Vì không tìm thấy thi thể nên chưa có kết luận giám định pháp y về nguyên nhân gây ra cái chết.
“Có độc giả bình luận mà tôi cho là có lý rằng: Có thể trước đó, chị Huyền đã sử dụng hoặc ăn phải thứ gì đó, hoặc bị 1 chất kích thích tác động mà nguyên nhân chết không phải do việc hành nghề của Tường thì sao? Giữa nguyên nhân và hệ quả không có mối quan hệ nhân quả và hành vi của một bác sĩ không phải trực tiếp là nguyên nhân gây nên cái chết thì không thể đưa vào tội theo Điều 99.
Phân tích hành vi vi phạm pháp luật có hay không, hành vi đó có lỗi và xảy ra hậu quả hay không? Nếu chị Huyền chết do bị đau tim hoặc trong lúc xúc động, hoản loạn quá thì sao? Rất khó cho cơ quan điều tra xét xử sau này nếu không có kết luận về nguyên nhân chết.
Pháp luật hình sự có quy định trường hợp suy đoán. Thế nhưng, áp dụng suy đoán chỉ là áp dụng theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo chứ không áp dụng trong trường hợp bất lợi cho bị can bị cáo. Nếu không đưa ra ra một nguyên nhân bằng một kết luận giám định pháp lý mà đưa ra suy đoán bất lợi cho bị can, bị cáo thì rõ ràng không thể áp dụng nguyên tắc suy đoán.
Cơ quan điều tra khởi tố tội Xâm phạm thi thể theo Điều 246 theo tôi là chưa ổn. Chúng ta phải phân tích chưa thể khẳng định chị Huyền đã chết hay chưa. Nếu đặt một tình huống chị Huyền đang ở đâu đó mà chưa chết thì tội danh này ổn không? Đặt giả thiết chị Huyền đã chết trong quá trình chữa bệnh thì phải xem mục đích của tội phạm là gì? Bác sĩ Tường có mục đích xâm phạm thi thể chị Huyền hay không?
Tôi cho rằng không có. Nếu có thì đó là hành vi nhằm che giấu tội phạm. Như vậy, nó lại chỉ là một tình tiết tăng nặng theo quy định tại Khoản 1, Điều 48 BLHS hoặc tình tiết tăng nặng định khung ở một số tội danh khác.
Ngoài ra, dư luận đang đánh giá theo sự phẫn nộ, tạo nên một hướng nhìn cần xử lý nghiêm hành vi của Tường. Tôi cho rằng, chúng ta phải đánh giá khách quan. Đã là tội phạm thì đều bị xử lý công bằng như nhau, hành vi đến đâu chúng ta xử lý đến đó”, Luật sư Bách nói.