Sau khi Kiến Thức có loạt bài phản ánh về một số nghi vấn của giáo viên, học sinh huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) liên quan đến một số sai phạm của Phòng Giáo dục đào tạo (GD&ĐT) huyện Vĩnh Bảo trong lĩnh vực quản lý giáo dục như việc giáo viên tự ý nâng điểm thi của học sinh từ 15 thành 25 điểm trong kỳ thi học sinh giỏi môn toán Casio tại TP Hải Phòng năm học 2014 – 2015 và các vấn đề thu chi tiền dạy, học thêm, ngân sách chi hỗ trợ phổ cập xóa mù chữ…, trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo, ông Phạm Văn Toán đã có văn bản trả lời PV liên quan đến các nội dung trên.
Cụ thể, theo văn bản trả lời số 42/PGDĐT do trưởng phòng GD&DT Vĩnh Bảo Phạm Văn Toán ký, vị trưởng phòng này đã thừa nhận một số thiếu sót trong thu chi dạy, học thêm mà không thông qua kho bạc nhà nước, cùng một số vấn đề khác mà Kiến Thức phản ánh.
|
Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). |
Về vấn đề thu tỷ lệ phần trăm khoản dạy thêm học thêm, học 2 buổi/ngày, ông Phạm Văn Toán thừa nhận trong 3 năm học liên tiếp từ 2010 đến 2013, phòng đã thu tổng số tiền lần lượt các năm là 136.554.000 đồng, 215.041.000 đồng và 226.259.000 đồng. Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo đã chỉ đạo bộ phận tài vụ cơ quan của phòng thu trực tiếp của các đơn vị với mức 2% với tiểu học, 3% đối với THCS thuộc huyện này.
Ông Toán thừa nhận đã thiếu sót khi không thu số tiền học thêm, dạy thêm của những năm học trên qua kho bạc nhà nước mà lại thu trực tiếp tại phòng GD&ĐT. "Phòng GD&ĐT Vĩnh Bảo đã tiếp thu và thực hiện nghiêm túc từ năm học 2013 - 2014”, ông Phạm Văn Toán cho biết.
Ông Toán cũng khẳng định số tiền trên, Phòng GD&ĐT đã chi cho các hoạt động như chuyên môn, chi thanh tra, kiểm tra, bồi dưỡng cán bộ chuyên viên quản lý quỹ và các khoản chi khác đảm bảo công khai minh bạch.
Liên quan đến việc chi hỗ trợ phổ cập xóa mù chữ năm học 2013 -2014, dư luận có nhiều băn khoăn về sự mập mờ, không minh bạch của Phòng GD&ĐT huyện khi ngân sách chi hỗ trợ phổ cập xóa mù chữ năm học 2013 - 2014 cho huyện Vĩnh Bảo 90 triệu đồng trong khi 30 xã mỗi xã chỉ nhận được 1 triệu đồng. còn 60 triệu đồng đi đâu?
Trả lời PV Kiến Thức về vấn đề này, ông Phạm Văn Toán cho biết, năm 2013 phòng GD& ĐT Vĩnh Bảo được cấp 90 triệu đồng, Phòng đã giao cho Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các xã thị trấn 30 triệu đồng để tổ chức triển khai tại đơn vị (1 triệu/1 xã như Kiến Thức phản ánh – PV), in phiếu điều tra cho các xã, thị trấn 30,8 triệu đồng, số tiền còn lại chi phục vụ hội nghị tập huấn và chuyển giao công nghệ, hội nghị rút kinh nghiệm đợt tập huấn, hội nghị giao ban, mua thiết bị… Việc chi thực hiện theo đúng dự toán, công khai minh bạch và được kiểm duyệt qua kho bạc nhà nước.
Liên quan đến việc giáo viên Vũ Như Quỳnh (nhân viên hợp đồng của phòng GD&ĐT, mới ra trường 1 năm, chưa tham gia giảng dạy một ngày nào) được hưởng chế độ 161 của ngành giáo dục (chế độ cho giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy trên 5 năm) tại trường mầm non xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, theo lời ông Phạm Văn Toán, giáo viên Vũ Như Quỳnh được trường mầm non xã Tam Cường hợp đồng đảm nhiệm công việc giáo viên tại trường này từ 1/7/2014 và được UBND huyện Vĩnh Bảo xét duyệt làm giáo viên mầm non, hưởng trợ cấp lương, BHXH, BHTT, BHTN. Tuy nhiên, theo định mức biên chế tại phòng GD huyện Vĩnh Bảo cần 13 người, thiếu 2 biên chế, trong đó thiếu một cán bộ phụ trách mầm non nên Phòng GD&ĐT Vĩnh Bảo đã đề nghị UBND huyện trưng dụng bà Vũ Như Quỳnh được chuyển chế độ hiện hưởng về Phòng GD&ĐT chi trả theo chế độ hiện hành.
Sau 4 tháng làm việc tại phòng, xét thấy trường hợp của bà Vũ Như Quỳnh chưa đáp ứng yêu cầu thi tuyển công chức nên Phòng GD&ĐT đề nghị UBND huyện Vĩnh Bảo dừng trưng dụng nhân viên làm nhiệm vụ tại Phòng với bà Vũ Như Quỳnh kể từ ngày 1/2/2015. Bà Quỳnh tiếp tục được thực hiện hợp đồng lao động tại trường mầm non Tam Cường.
Nói về việc chậm trễ làm việc với PV Kiến Thức để trả lời những vấn đề liên quan, vị trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo cho biết, do có nhiều việc bận nên ông chưa bố trí lịch làm việc để thông tin kịp thời với PV chứ không cố ý né tránh, cũng không cố tình không chấp hành chỉ đạo của UBND huyện Vĩnh Bảo.