Trao đổi với Kiến Thức về dự án xây khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế trên núi Hải Vân - một vấn đề đang làm nóng nghị trường Quốc hội mấy ngày hôm nay, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bức xúc nói: “Tôi phản đối việc cho nhà thầu nước ngoài xây dựng ở vị trí có ý nghĩa quân sự chiến lược là đèo Hải Vân. Nếu đã ký kết đầu tư thì phải hủy ngay, dù có phải đền bù bao nhiêu tiền cũng phải làm. Vì cái giá phải trả sẽ khó ai tưởng tượng được nếu để điều đó xảy ra”,
Đừng vì cái lợi trước mắt
Dư luận mấy hôm nay nói nhiều về dự án án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine nằm trên núi Hải Vân do tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho một công ty của Hồng Kông. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên phát triển du lịch tại đây, ý kiến của ông thế nào?
Phát triển, xây dựng đèo Hải Vân thành một khu du lịch để người dân biết đến là điều cần thiết, tôi không phản đối. Vấn đề là phải cân nhắc chủ đầu tư nào, với vị trí chiến lược như đèo Hải Vân thì chỉ nên cho phép nhà đầu tư trong nước chứ không được phép để người nước ngoài xây dựng ở những vị trí trọng yếu như vậy.
Ở những vị trí này, khi ký quyết định một dự án nào đó phải lấy ý kiến người dân cả nước?
Tôi từng có hàng chục năm sống và làm việc ở đó nên hiểu rất rõ vị trí chiến lược của khu vực dự án. Đây không còn là chuyện riêng của Huế, Đà Nẵng, Quân khu 4, Quân khu 5 mà là câu chuyện của quốc gia. Vị trí đó có ảnh hưởng toàn diện đến việc thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, bởi ai nắm được đều có thể dễ dàng chia cắt đất nước cả trên đất liền và trên biển. Đèo Hải Vân đã từng chứng kiến lịch sử đất nước 2 lần chia cắt. Cuộc chia cắt lần thứ 2, phải đấu tranh bền bỉ suốt 20 năm sau thì đất nước mới trở lại thống nhất. Những bài học lịch sử vẫn còn đó.
Ông đã từng là tư lệnh Quân khu 4, ông đánh giá thế nào về vị trí chiến lược này?
Chúng ta có thể thấy từ vị trí này chỉ cần kẻ một đường ngang là sự thống nhất của lãnh thổ đã không còn nữa. Và cũng đường ngang đó có thể chạy thẳng đến tận đảo Hải Nam (Trung Quốc). Như thế cả trong và ngoài vịnh Bắc Bộ đều sẽ bị chia cắt. Chính vì tầm quan trọng này nên khi còn công tác ở Quân khu 4, tôi đã nói với các đồng chí Quân khu 5 và cả Bộ Quốc phòng rằng: Đây là vị trí chiến lược chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá mà không cần phân biệt là của ai. Đó là trách nhiệm chung vì quốc gia, vì dân tộc chứ không phải vì tôi hay vì anh. Đừng vì những lợi ích trước mắt mà bỏ đi những lợi ích lâu dài, hậu quả nặng nề lắm. Đèo Hải Vân gồm từ chân đèo lên đến đỉnh Bạch Mã không chỉ là địa phận quản lý của Quân khu 4 hay Quân khu 5, của Thừa Thiên - Huế hay Đà Nẵng mà nó còn uy hiếp sự tồn vong của cả dân tộc này.
|
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 nói về dự án Xây khách sạn 5 sao ở Hải Vân. |
Giữ vững quốc phòng là hàng đầu
Là người hiểu rõ vị trí chiến lược đó, khi nghe tin về dự án này, ông đã phản ứng thế nào?
Ngay khi biết được thông tin có dự án của nước ngoài ở đây, tôi đã gọi điện trực tiếp chất vấn Bộ chỉ huy Quân sự Thừa Thiên - Huế vì sao lại đồng ý. Các anh ấy có nói rằng do cấp ủy đã đồng ý. Tôi nói như thế là không được. Tôi cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng không cho phép thực hiện dự án. Việc giữ vững quốc phòng tại đây là nhiệm vụ hàng đầu chứ không phải là vấn đề kinh tế. Nếu vì vấn đề kinh tế mà không để ý đến quốc phòng thì chẳng khác nào lấy cái ăn mà không nghĩ đến hậu quả sau này. Với tư cách từng là tư lệnh Quân khu 4, tôi kịch liệt phản đối việc cho người nước ngoài vào đầu tư dự án tại đây.
Nghĩa là không phải ở đâu, chỗ nào cũng có thể ưu tiên phát triển kinh tế trước?
Đúng, có những vị trí trọng yếu mà không tiền nào có thể đánh đổi được ưu tiên về quốc phòng an ninh. Tôi không phản đối kinh tế vì kinh tế bảo đảm sức mạnh quốc gia, chỉ có điều cùng với đó cũng phải là bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc phòng. Mất nước thì lấy gì mà làm kinh tế?
Một dự án đe dọa đến cả toàn vẹn lãnh thổ thì rõ ràng phải suy nghĩ thấu đáo?
Tôi đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan quân sự phải dứt khoát, mạnh mẽ không cho phép nhà thầu nước ngoài xây dựng dự án kinh tế ở khu vực đèo Hải Vân. Tôi còn nhớ hồi tháng 3/1975, sau khi chúng tôi giải phóng xong toàn bộ Tây Nguyên, quân khu 5 thì quân địch ở Huế cùng kéo về Đà Nẵng để trụ lại đó, khi chúng ta chặn được đường tiến quân ở đèo Hải Vân thì quân địch hoàn toàn cô lập, phải chạy ra biển để tẩu thoát. Sau đó thì hoàn toàn giải phóng Đà Nẵng. Nói thế để thấy trong lịch sử, Hải Vân đã chứng kiến những giờ phút sinh tử của đất nước, vận mệnh dân tộc.
Về lãnh thổ thì những vị trí chiến lược nào chúng ta nhất định phải ưu tiên mục tiêu quân sự quốc phòng đầu tiên?
Ngoài biển là Trường Sa và Hoàng Sa, trên đất liền là đèo Hải Vân là những vị trí số một để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Không để bất cứ quốc gia nào tham gia, xâm phạm vào lãnh thổ, đặc biệt là trong mối quan hệ hợp tác về kinh tế, những quốc gia thuộc diện “nhạy cảm về chính trị” thì chúng ta lại càng phải cảnh giác. Nếu vì kinh tế mà quên đi các yếu tố an ninh quốc phòng thì hậu quả sẽ nặng nề đến mức không thể nào giải quyết được. Nếu để mất thì không dễ gì lấy lại được, có lấy được thì cũng mất hàng trăm năm.
Phải dừng, dù có bồi thường bao nhiêu tiền
Giả sử nếu dừng dự án sẽ phải bồi thường cho phía đối tác, điều này có cần phải cân nhắc?
Tôi biết Thừa Thiên - Huế đã đồng ý dự án và nếu dừng họ sẽ phải bồi thường. Nhưng nếu anh biết sửa sai thì nhân dân sẽ thông cảm. Còn nếu chỉ vì sợ bồi thường, sợ trách nhiệm mà anh vẫn bất chấp, vẫn quyết tâm làm thì nhân dân không tha thứ đâu. Bồi thường bao nhiêu cũng phải làm để dừng lại dự án. Còn nếu tiếp tục thì hậu quả của nó to lớn như thế nào chúng ta không tưởng tượng nổi đâu. Đất nước mà bị chia cắt thì coi như là bị hủy hoại sự thống nhất. Thế hệ chúng tôi, suốt 60 năm chiến đấu biết thế nào là sự tồn vong của đất nước, cái giá của tự do, độc lập, tự chủ.
Giả sử một doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển du lịch ở đèo Hải Vân, hẳn là cũng khuyến khích?
Đúng thế, các doanh nghiệp trong nước thì không vấn đề gì, cứ làm thoải mái và tôi không phản đối. Kinh tế không được uy hiếp an ninh quốc gia. Nên chăng thay vì để nhà đầu tư nước ngoài thì kêu gọi các nhà đầu tư trong nước thực hiện các dự án phát triển kinh tế du lịch tại đây. Chứ vì quyền lợi trước mắt mà để lại hậu quả về sau thì đâu có ý nghĩa gì.
Trong câu chuyện này thì có thể xem xét trách nhiệm cá nhân?
Tôi nghĩ là không nên đặt vấn đề này và tôi cũng không dám nhận xét trình độ của họ. Lúc này, quan trọng là phải nhanh nhanh chóng chóng khắc phục hậu quả.
Đây hẳn cũng là bài học cho các địa phương khác trong việc phê duyệt dự án đầu tư?
Khu vực đèo Ngang phải coi là “vùng cấm”, không để nước ngoài vào đầu tư, tôi phải khẳng định như vậy. Đây cũng là bài học để các địa phương khác cần tỉnh táo với những vị trí trọng yếu về quân sự, đừng vì kinh tế mà đánh đổi, mờ mắt.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2013, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp phép cho Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine nằm ở khu vực Cửa Khẻm - mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân. Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án khu du lịch này có diện tích khoảng 200ha tại khu vực mũi Cửa Khẻm (nơi núi Hải Vân đâm ra biển) được giao cho Công ty cổ phần Thế Diệu (thuộc Công ty TNHH World Shine Hong Kong) đăng ký đầu tư tại Thừa Thiên - Huế từ tháng 10/2013. Tại đây, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao (450 phòng), trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu nhà nghỉ dưỡng 5 tầng (220 căn hộ cao cấp), 350 căn hộ biệt thự và khu dịch vụ du lịch, nhà hàng, bãi tắm... với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.