Thót tim cảnh “Hà Bá” chờ nuốt chửng dân ở Hòa Bình

Google News

(Kiến Thức) - Lâu nay người dân thôn Đồng Chờ (Sào Báy, Kim Bôi, Hòa Bình) luôn sống trong tình cảnh nơm nớp, lo sợ miệng “Hà Bá” nuốt chửng mỗi khi qua sông.

Tìm về thôn Đồng Chờ vào những ngày mưa lũ, tận mắt chứng kiến cảnh người, phương tiện chòng chành trên chiếc mảng (dài khoảng 7m, rộng hơn 1m) để vượt qua dòng sông Bôi đục ngầu, nước chảy xiết, mới thấu hiểu thêm phần nào những mối nguy hiểm mà bấy lâu nay người dân nơi đây phải gánh chịu.
Đánh cược tính mạng với… “Hà Bá”
Thôn Đồng Chờ thuộc xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, gồm 84 hộ dân, 402 nhân khẩu, tổng số hộ nghèo hiện tại là 21 hộ. Cuộc sống của người dân nơi đây còn rất khó khăn, sản xuất nông nghiệp là nghề chính (một số ít rời quê lên thành phố đi làm thuê mong kiếm thêm thu nhập).
Cuộc sống khó khăn hơn, khi tất cả người dân trong thôn phải vượt gần 100m từ phía bờ bên này sang bờ bên kia của dòng sông Bôi để ra phía ngoài thôn (người lớn muốn ra bên ngoài để giao lưu, buôn bán, còn trẻ em thì đi đến trường), đây cũng là con đường chính và duy nhất của thôn Đồng Chờ.
Nhiều năm nay, muốn sang được phía bờ bên kia, người dân thôn Đồng Chờ phải vượt qua đoạn sông này. 
Ông Bùi Văn Thiêm, Trưởng thôn Đồng Chờ cho biết: “Trước đây, vào mùa nước thấp để sang được phía bờ bên kia sông Bôi, thì cả người lớn lẫn học sinh trong thôn đều phải cởi quần áo ra để bơi, còn khi mùa mưa lũ về, người dân làm chiếc bè mảng (ghép từ 9 đến 10 cây tre to) để vượt qua con sông”.
“Mãi tới năm 2003, người dân kiến nghị lên UBND xã Sào Báy, chủ tịch xã mới thu gom kinh phí, sau đó hỗ trợ một ít giúp người dân dựng tạm chiếc cầu phao với chiều rộng khoảng 2m, dài gần 120m” – Ông Thiêm cho biết thêm.
Theo như quan sát thấy, cấu tạo bề mặt của chiếc cầu phao được ghép bằng những cây tre, hai bên thành cầu người dân sử dụng nhiều dây thép nhỏ buộc thật chặt, còn phía dưới là những chiếc thùng phi được nối cách nhau chừng 2m, giúp cây cầu nổi được trên mặt nước. 
 Cây cầu phao tạm bợ của người dân Đồng Chờ...
 ... được ghép bằng những cây tre nhỏ và buộc chặt bằng nhiều dây thép.
Tuy nhiên, khi trời mưa xuống bề mặt của cầu rất trơn, có đoạn nước sông tràn hẳn qua mặt cầu, cực kỳ nguy hiểm có thể làm nhiều người ngã xuống sông bất cứ lúc nào.
 Khi mưa xuống, cây cầu được người dân thôn Đồng Chờ kéo vào phía bờ khỏi bị lũ cuốn trôi.
"Chính quyền phải đợi kinh phí"
Để tránh cho cầu phao không bị nước lũ cuốn trôi khi mùa mưa về, thôn Đồng Chờ đã bàn giao cho ông Bùi Văn Tiến (61 tuổi) ra trông coi. Nếu thấy nước sông chảy lớn, ngay lập tức phải kéo cầu vào, sau đó buộc thật chặt lên phía bờ. Và mỗi năm ông Tiến nhận được 1 tạ thóc được quyên góp từ bà con trong thôn.
 Khi mùa mưa về, không có cầu, ông Tiến sử dụng chiếc bè mảng để đưa người dân qua sông.
Cực kỳ nguy hiểm. 
 
Bên cạnh đó, ông Tiến còn sử dụng chiếc bè mảng (dài khoảng 7m, rộng hơn 1m), được ghép từ những cây tre lớn để đưa người dân qua sông khi không có cầu và được người dân trả 5 nghìn đồng/lượt. Nếu có phương tiện đi kèm thì lấy 7 nghìn đồng/lượt (trẻ nhỏ và học sinh được miễn phí).
Ông Tiến cho hay: “Tùy vào mực nước, nếu lũ lớn quá chỉ dám chở từ 3, đến 4 người/lượt, còn ở mực nước bình thường có thể chở tới 6, 7 người/lượt. Nếu chở 2 chiếc xe máy, thì thêm 2 người đi kèm chứ không dám chở nhiều sợ lật bè mảng”.
Trao đổi với PV Kiến Thức ông Bùi Văn Dinh, Chủ tịch UBND xã Sào Báy cho biết: “Trước sự khó khăn và mối nguy hiểm mà người dân thôn Đồng Chờ lâu nay phải gánh chịu, xã có gửi đơn kiến nghị lên cấp trên xin hỗ trợ kinh phí để giúp người dân xây dựng chiếc cầu ngầm. Nhưng mãi tới đầu tháng 8 này, cấp trên mới cử dàn khoan xuống để thăm dò, còn việc xây dựng cầu vẫn chưa biết đến lúc nào vì còn phải đợi kinh phí.
“Đã có nhiều trường hợp người dân đi ngang qua cầu bị ngã xuống sông, nhưng rất may chỉ thiệt hại về tài sản, còn người thì bị thương nhẹ” – ông Dinh cho biết thêm.
Ông Bùi Văn Dinh, Chủ tịch UBND xã Sào Báy trao đổi với PV. 
Một cây cầu bắc ngang qua sông, là ước muốn chung của 84 hộ dân thôn Đồng Chờ. Hy vọng rằng, trong thời gian sớm nhất người dân nơi đây sẽ có được cây cầu thật vững chắc, sẽ không phải mang theo nỗi lo sợ khi đi qua sông nữa.
Mạnh Hưng

Bình luận(0)