Điện thoại phát nổ… như pháo
Đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng vết thương trên đùi trái chị Diệp Tú Anh (39 tuổi, ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM) do chiếc điện thoại bỏ trong túi quần phát nổ gây ra vào ngày 29/8 vẫn chưa lành, còn sưng, làm mủ.
Thuật lại sự việc với PV, chị Tú Anh cho biết, khoảng 14h40 chiều 29/8, khi chị đang chạy xe máy trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12), bất ngờ chiếc điện thoại để trong túi quần trái phát nổ như pháo. “Đang chạy xe máy trên đường, tự nhiên tôi nghe tiếng nổ rất lớn, tưởng bánh xe của mình bị nổ. Sau đó thấy phần đùi bên trái rất nóng, tôi vội dừng xe để rút ngay chiếc điện thoại ném ra ngoài. Cũng may là chiếc điện thoại khá to, khi bỏ vào túi vẫn lòi ra một phần nên tôi mới kịp thời kéo nó ném đi”.
Chị Tú Anh còn cho biết thêm, sau khi phát nổ, nắp phía sau của chiếc điện thoại đã bị vỡ vụn, cục pin chảy ra một chất màu đen bám vào một vùng đùi của chị.
|
Dù đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng vết thương trên đùi trái chị Tú Anh do vụ nổ điện thoại gây ra vẫn chưa khỏi. |
Về nguồn gốc chiếc điện thoại phát nổ, chị Tú Anh cho biết, cách đây không lâu chị thấy người bạn dùng loại điện thoại này. Thấy nó pin lâu hết, loa nghe rõ, lại to dễ cầm, có bỏ bên ngoài cũng đỡ sợ bị mất nên chị tìm mua với giá 600.000 đồng.
Chiếc điện thoại dài khoảng 15cm, phía trước có ghi hiệu Nokia K60, phía dưới pin có dòng chữ “Kechaoda - Model K60 - Made in China”.
Chỉ tay vào vết thương trên đùi, chị Tú Anh chia sẻ: “Từ sự cố của tôi, mong mọi người nên thận trọng khi mua các loại điện thoại không rõ nguồn gốc. Hậu quả sẽ không biết thế nào nếu nó phát nổ trong phòng ngủ hoặc nơi có vật liệu dễ cháy”.
|
Mặt trước và mặt sau của chiếc điện thoại phát nổ khiến chị Tú Anh bị bỏng nặng ở đùi. |
Mối hiểm họa từ những sản phẩm không rõ nguồn gốc
Khảo sát tại một số cửa hàng bán lẻ điện thoại di động ở địa bàn TP HCM, cho thấy, dòng điện thoại có thời lượng pin dùng lâu, loa to… như chị Tú Anh mô tả đang được bán tràn lan với mức giá 550.000 đồng – 650.000 đồng/chiếc.
Trên các website rao vặt, dòng điện thoại này cũng được chào bán với lời quảng cáo đầy hấp dẫn: “Điện thoại Nokia pin cực khủng, thời gian sử dụng lên đến 1 tháng mà không phải sợ máy hết pin...”.
Dòng sản phẩm trên thực chất là một chiếc điện thoại phổ thông được sản xuất tại Trung Quốc và nguồn hàng trôi nổi, nhái theo tên thương hiệu Nokia.
Theo thông tin giới thiệu của người bán, chiếc điện thoại này có nguồn pin dung lượng lớn nhất hiện nay với 50.000 mAh, do đó thời lượng sử dụng được quảng cáo là 1 tháng, thời gian chờ lên đến 5 tháng. Trong khi đó, ở thị trường hiện nay, dòng điện thoại smartphone của các thương hiệu lớn có nguồn pin dưới mức 5.300 mAh.
|
Thử tìm kiếm trên các website rao vặt, dòng điện thoại này cũng được chào bán với lời quảng cáo đầy hấp dẫn với hàng loạt tiêu đề có cánh. |
Có thể cho thấy rằng, nguồn pin mà dòng điện thoại trên cao gấp 10 lần so với mức dung lượng pin chuẩn của các thương hiệu lớn trên thị trường, đánh trúng vào tâm lý của người dùng mong muốn sở hữu một chiếc điện thoại pin sử dụng lâu.
Pin là một vấn đề đau đầu mà nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu đang nghiên cứu và tính tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa có bất cứ sự đột phá nào đáng kể về thời gian sử dụng. Chiếc điện thoại đã đi một hành trình dài, từ việc nâng cấp màn hình, cấu hình phần cứng nhưng pin vẫn chưa có đột phá.
Một chuyên gia trong ngành điện tử cho biết, nhiều thương hiệu vẫn chưa có sự đổi mới về pin bởi 2 vấn đề hạn chế: đầu tiên là pin dung lượng càng cao thì kích thước càng lớn, gây khó khăn trong thiết kế, giảm tính thẩm mỹ của sản phẩm. Nhưng đó chỉ là một bề nổi, quan trọng nhất là yếu tố thứ 2: Pin càng lớn, nếu sự ra cháy nổ sẽ có sức công phá rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người tiêu dùng, chưa kể bức xạ phóng điện từ… Các thương hiệu lớn đều phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng trước khi tung sản phẩm ra thị trường.
Do đó, việc dẫn đến cháy nổ từ những chiếc điện thoại trôi nổi kể trên là điều rất dễ xảy ra trong quá trình sử dụng. Người dùng cần nắm rõ và nói không với các dòng sản phẩm này, tránh việc để “tiền mất tật mang”.