Trước vấn nạn phát triển thủy điện quá ồ ạt, dẫn tới những hệ lụy như lũ lụt, mất rừng, mất đất sản xuất, cuộc sống của hàng nghìn người dân bị đe dọa, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển thủy điện.
Sẽ có cá nhân phải chịu trách nhiệm
- Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo ông, người dân có thể kỳ vọng?
- Chính phủ rất quyết tâm trong việc trình ra Quốc hội đối với việc loại bỏ các công trình thủy điện không bảo đảm về an toàn, về môi trường sinh thái, không bảo đảm đời sống của dân hạ du. Điều đó đáp ứng được mong đợi của cử tri, hợp với lòng dân. Tôi nghĩ rằng, sẽ có các cá nhân phải chịu trách nhiệm.
- Thực tế ta đâu thiếu chế tài, quan trọng là làm thế nào để thực thi?
- Cử tri, Quốc hội sẽ giám sát vấn đề này. Sang kỳ họp tới của Quốc hội thì Chính phủ sẽ phải báo cáo về vấn đề này. Mỗi bộ ngành, mỗi địa phương sẽ phải thực hiện. Chính phủ sẽ giao trách nhiệm thì buộc phải có sự chuyển mình của cả hệ thống thôi.
- Một trong những nội dung của Nghị quyết là đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Con số không hề nhỏ, liệu ta có làm được không và thiệt hại kinh tế từ việc đó thì ai chịu?
- Đã là Nghị quyết của Quốc hội thì các cơ quan ban ngành địa phương có nhiệm vụ phải thực hiện. Không chấp hành thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Còn cũng không đặt vấn đề là dễ làm hay khó làm, thiệt hại thì ai chịu. Là việc khó nhưng là việc phải làm được. Còn ai vi phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm, cái này có thể xác định rõ ràng.
- Theo ông thì việc gì phải làm đầu tiên?
Hiện có 11 lưu vực sông có các hồ đập thủy lợi và thủy điện nhưng lại mới chỉ có 5/11 lưu vực có quy định ban hành về vận hành. Tới đây phải cố gắng hoàn thành cái này để thực hiện đúng nội dung chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện sớm chừng nào tốt chừng đó.
|
Ông Trương Văn Vở, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. |
Chặt cây sống, trồng cây chết
- Theo quy định, các nhà đầu tư khi lấy 1m2 rừng làm thủy điện, thì phải trồng lại 1m2 rừng. Thế nhưng, thực tế chưa có công trình nào làm được việc này. Có chuyên gia từng nói, một khi đã cấp phép cho thủy điện phá rừng là sẽ mất, vì đất đâu mà trồng lại được rừng. Quan điểm của ông thế nào?
- Quan điểm của tôi là rừng tự nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy hoạch quản lý phát triển và bảo vệ rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vườn Quốc gia. Phải xem xét thận trọng trong quá trình lập quy hoạch, giám sát chặt tình trạng chặt cây sống, trồng cây chết.
- Cây chết là cây gì thưa ông?
- Làm thủy điện, họ phá rừng tự nhiên với những cây gỗ quý hàng trăm năm, thảm thực vật phong phú. Nhưng khi buộc phải trồng rừng đền bù, họ lại chọn những loại cây như keo, chàm, cao su... để bù lại. Đây là các loại cây công nghiệp, chứ không phải cây rừng. Trồng rừng phải là những cây có bộ rễ lớn, tán rộng thì chúng mới có chức năng chống lũ, chống xói mòn. Hiện nhiều nơi đang lách quy định này dẫn đến có rừng cũng như không.
- Cũng có ý kiến cho rằng, chính việc xả lũ cũng làm cho rừng bị mất?
- Việc xả lũ vừa qua, nhất là các hồ thuỷ điện, rõ ràng tác động không chỉ hồ thuỷ điện mà còn rừng tự nhiên bị mất. Rừng tự nhiên rất quan trọng, theo tôi quan sát, mùa này chưa phải mùa lũ nhưng do yếu tố rừng mất, thảm tự nhiên mất, lại thêm xả lũ ảnh hưởng đến hạ du. Chính từ đây, đòi hỏi nếu Quốc hội ban hành Nghị quyết phải xác định rõ về cách quản lý bảo vệ rừng của các Bộ, Ngành liên quan và địa phương. Từ trước tới nay, chưa có xử lý nào rõ ràng với quy trình vận hành xả lũ.
- Thế còn quy trình vận hành hồ chứa, tới đây sẽ được giám sát như thế nào?
- Đây là khâu đầu tiên cần phải rà soát lại về quy định vận hành hồ đập, hồ chứa. Đồng thời phải gắn với từng chủ thể cho rõ trong quá trình thực hiện quy trình vận hành. Cùng với đó có chế định xử lý, xử phạt nghiêm minh, rõ ràng, cụ thể. Tôi cho rằng cần xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh, rõ ràng hơn.
Sẽ không còn "cha chung không ai khóc"
- Một trong những vấn đề còn nhiều khúc mắc là từ trước đến nay, dù vấn đề thủy điện được đem ra mổ xẻ thậm chí bị lên án quyết liệt thì cũng chưa bao giờ người ta chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai?
- Tới đây chắc chắn người gây hậu họa sẽ bị xử lý. Địa chỉ trách nhiệm phải rõ ràng chứ hiện nay trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn chồng chéo, kém hiệu quả. Qua Nghị quyết lần này thì phải xem đây là yếu tố nòng cốt để bảo vệ môi trường. Từ khâu quy hoạch đến lập dự án, vận hành khai thác, nếu có vấn đề tồn tại thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Sẽ chấm dứt tình trạng chồng chéo, "cha chung không ai khóc", chỗ nào cũng bất cập mà không tìm ra ai là người chịu trách nhiệm.
- Ông vừa nói đây phải là yếu tố nòng cốt, chứ không phải là bất cứ điều gì khác?
- Đúng thế. Hiện nay, quy hoạch thủy điện linh tinh, phá rừng tràn lan, tái diễn mãi như thế thì môi trường sống của chúng ta sẽ biến thành cái gì. Không thể để tái diễn tình trạng quy hoạch thủy điện, phá rừng tràn lan nhưng không rõ trách nhiệm như hiện nay. Nhiều chủ đầu tư thủy điện nhỏ nhằm mục đích lấn sang diện tích rừng để khai thác gỗ. Hậu quả tài nguyên bị tàn phá nặng nề, gây lũ lụt trong mùa mưa bão ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống nhân dân vùng hạ du.
- Vậy là tới đây, sẽ có những người phải chịu trách nhiệm như bồi thường thiệt hại, bị truy cứu trách nhiệm?
- Tới đây sau khi rà soát lại toàn bộ thì chắc chắn sẽ phải làm quyết liệt.
- Nhưng liệu nếu làm quá gắt, nhiều thủy điện bị buộc phải đóng cửa thì có xảy ra tình trạng thiếu điện?
- Khó mà xảy ra khả năng đó được vì hiện nay điện năng từ thủy điện không đóng vai trò quan trọng thiết yếu. Nhưng quan trọng nhất là không thể hy sinh môi trường, hy sinh tính mạng của dân để đánh đổi lấy điện. Trong khi đó, có thể phát triển nhiều nguồn năng lượng khác như điện mặt trời, điện hạt nhân. Rừng đã mất thì không thể thay thế, tính mạng người dân, cuộc sống của người dân là không thể đánh đổi.
- Xin cảm ơn ông!
Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác. Trong năm 2014 tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước. Phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế trong năm 2015 đối với các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác. Tập trung hoàn thành trong năm 2014 việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thuỷ điện. Tăng cường năng lực quản lý lưu vực sông, điều phối, giám sát việc tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa. Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân trong quá trình chỉ đạo, điều hành.
(Trích trong Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện)