Sai phạm "sốc" ở công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông

Google News

Sau hàng chục ngày trải nghiệm như một công nhân..., chúng tôi đã phát hiện nhiều “góc khuất” bên trong công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông này.

Không ngoa khi nói rằng, Hà Nội chưa từng có công trình giao thông nào quy mô lớn như thế, kéo dài lê thê và gây phiền toái cho người dân thủ đô trầm trọng đến thế! Gần chục năm trời, công trình ì ạch dời tiến độ năm lần bảy lượt, không chỉ làm khổ dân mà còn làm tổn mạng người dân... Đã có hàng loạt vụ tai nạn xảy ra, nhiều người thương vong…
Phóng viên Báo Lao Động đã nhập vai một công nhân của công trường này. Sau hàng chục ngày vất vả lúc mưa rét, lúc nắng nôi, trải nghiệm như một công nhân thực thụ... chúng tôi đã phát hiện nhiều “góc khuất” bên trong công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông này.
Sai pham
Công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) thi công kéo dài gây phiền toái trầm trọng cho người dân thủ đô. 
Không cần trình độ, vẫn trở thành công nhân “xịn”
Việc giả thành công nhân để làm việc trong công trường những tưởng sẽ vô cùng khó khăn vì những đòi hỏi khắt khe về tay nghề, trình độ..., song lại dễ dàng đến mức không ngờ! Công trình đường sắt trên cao có 2 tuyến cùng thi công, gồm tuyến Cát Linh - Hà Đông dài hơn 13km, và tuyến Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km. Chúng tôi quyết định lựa chọn tuyến Cát Linh - Hà Đông - nơi từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm - để “nhập vai”.
Phải mất vài buổi lân la trà đá với nhóm công nhân làm việc tại công trường nhà ga Cát Linh (Tổng thầu Cty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, nhà thầu phụ thi công là Cty cổ phần nhà X4 - X4 home), chúng tôi hỏi được số điện thoại của cai thầu thi công. Lần đầu tiên, gặp cai thầu đang thi công sàn nhà ga nhưng anh này không nhận vì cho rằng không quen biết gì và đủ người rồi.
Sai pham
Công nhân thi công kết cấu thép cho trụ nhưng không có giàn giáo, không thắt dây an toàn như quy định. 
Lần tiếp theo, chúng tôi đã gặp được H và T (riêng T đã thi công trên tuyến này ít nhất 3 công trình) và may mắn đều được cả 2 cai thầu này nhận. Điều đặc biệt là ngoài hỏi tên tuổi, quê quán thì cả 2 cai thầu này không yêu cầu nộp bất kỳ loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân liên quan nào, dù lúc đó, một kỹ thuật tên C đề phòng: “Không quen biết gì nhận vào lỡ công an thì sao, mày chủ quan quá”. H chỉ cười.
H, chủ yếu thi công các hạng mục phụ và lắp giàn giáo cốtpha, không chút do dự, gọi một công nhân lại để bàn giao “lính mới” rồi bảo: “Làm luôn hôm nay cho anh. Xem anh em làm gì thì làm cùng, ở xa quá thì dọn về đây ở cùng anh em, ăn ở anh lo”. Vậy đấy, chỉ cần một bản sơ yếu lý lịch tự khai, thông qua vài “cò mồi”, kèm theo một chút “kinh phí”, chúng tôi đã nghiễm nhiên trở thành công nhân trong công trường lớn nhất, nhộn nhịp nhất, đòi hỏi tay nghề cao bậc nhất thủ đô.
Không quần áo bảo hộ, không găng tay, không giày, không dụng cụ, PV được dẫn vào công trường. Sau đó, chúng tôi được bàn giao cho một cai thầu khác tên T. Theo tìm hiểu, T nhận gói thầu thi công 6 trụ đứng và bể nước (gói thầu CT5) trong hạng mục thi công nhà ga Cát Linh. H và T không cần biết đến chuyên môn, nghiệp vụ của chúng tôi như thế nào, thậm chí còn không cần đếm xỉa đến bản sơ yếu lý lịch tự viết trước đó. “Cứ làm đi, như đám kia đang làm đấy, anh trả chú 200.000 đồng/ngày” - T nói.
Làm việc cho T có khoảng chục công nhân, trong đó có 2 người là sinh viên. Một người tên V (quê Hà Tĩnh, sinh viên năm 4 Đại học Thủy Lợi) cho biết làm việc cho T được 2 tháng, mỗi ngày được trả 200.000 đồng và nuôi cơm trưa. Theo ghi nhận, V liên tục đưa những sinh viên khác (4 lần 4 người) học cùng trường vào công trường làm việc. Điểm chung là, hầu hết các sinh viên đều không có tay nghề, cũng không cần nộp hồ sơ và các giấy tờ liên quan.
Sai pham
 
Công việc của chúng tôi không quá phức tạp nhưng khá khó khăn và nguy hiểm, diễn ra trên một khối bêtông móng cao gần 3m, rộng và dài khoảng 8 đến 10m. Trong quá trình thực hiện kết cấu thép để đổ bêtông trụ và tường (4 tường bao quanh, 2 bức tường ở bên trong)... những công nhân chúng tôi không hề được yêu cầu cũng như không hề thắt dây an toàn. Sau vài ngày, chúng tôi mới được T phát cho bộ quần áo bảo hộ và không được hướng dẫn gì thêm. Theo một công nhân vào trước tên Th, hầu hết đều làm ngày nào tính tiền công ngày đó. “Hợp đồng? Bảo hiểm? Làm gì có” - Th tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi.
Sau gần một tuần thi công, hệ thống thép đã buộc xong, 6 bức tường thép cao 3m sừng sững hiện ra. Trong khoảng gần 1 tuần, để ra vào nơi công trường thi công các công nhân phải dẫm đạp lên hệ thống sắt thép đã buộc để trèo qua bức tường sắt mà không hề có thang. Khi chúng tôi lắp xong ván khuôn cao gần 3m để chuẩn bị đổ bêtông, nhưng vì một số trụ đứng còn thiếu sắt đai, đùn đẩy một hồi thì một công nhân lớn tuổi nhận buộc.
Dù làm việc từ độ cao gần 3m (tính độ cao từ chân móng đến đỉnh của trụ khoảng gần 6m), không có giàn giáo, không thắt dây an toàn nhưng công nhân tên M vẫn “liều mình” trèo lên ván khuôn, một tay bám lấy thanh sắt đứng trong trụ, một tay cầm thanh sắt đai cúi người để luồn sắt vào trụ và buộc thép.
Công nhân thường phải dùng mũ, thậm chí dùng tay để che mặt khi hàn sắt, không có kính bảo hộ... Một người trong nhóm chúng tôi đã bị điện giật do không quen hàn sắt, lại gặp trời mưa dây hàn bị hở điện, rất may không mệnh hệ gì!
Trong những ngày làm việc tại đây, dù T là cai thầu chính nhưng rất ít hôm T có mặt ở công trường, T thường giao bản vẽ cho công nhân tên B xem và hướng dẫn công nhân thi công. B cho biết: “Không được học hành gì, làm lâu thì quen bản vẽ thôi”.
Trong thời gian làm công nhân trên công trường, chúng tôi và nhóm sinh viên có chung cảm giác vô cùng lo sợ. Chỉ cần sơ suất trượt ngã thì không lường được hậu quả, nhiều hôm chỉ mong công việc xong sớm để về trước khi trời tối. Chúng tôi có “động lực điều tra” để tiếp tục làm việc, riêng nhóm sinh viên chủ yếu “động lực” chính là 200.000 đồng/ngày, song có người chỉ sau 1 ngày đã bỏ cuộc vì quá vất vả vì không quen việc và lo sợ tai nạn...
Nhỏ máu trên công trường
Trong những ngày “ăn nằm” với công nhân trong công trường, dù thi công trong môi trường “đùa cợt với tử thần” nhưng chúng tôi may mắn chưa gặp phải tai nạn đáng tiếc. Song câu chuyện về những tai nạn thương tâm mà anh em công nhân kể lại thật chua xót.
Một trong số những công nhân kém may mắn là Nguyễn Văn Trọng (SN 1988, quê Đại Từ, Thái Nguyên). Trọng làm công việc tháo lắp giàn giáo, cốtpha, cái công việc đã khiến anh suýt phải bỏ mạng. Thoát chết, nhưng anh mất một ngón chân vì tai nạn.
Cuối tháng 10/2015, tại công trường thi công nhà ga Văn Khê, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, lúc đang ngồi co chân bên một trụ giáo để lắp ốc, bất ngờ một trụ giáo ngay bên cạnh đổ ập xuống, bệ trụ giáo cán vào ngón chân út của bàn chân bên trái khiến ngón chân Trọng bị dập.
“Mọi người đưa tôi vào Bệnh viện 103 băng bó và nối lại, được ít ngày sau ngón chân út tím bầm, sợ bị hoại tử phải cắt cả bàn chân nên các bác sĩ đã cắt ngón chân út”, Trọng nhớ lại.
Sai pham
 Tắc đường nghiêm trọng trên các tuyến đường có công trình thi công ĐSĐT đi qua. Ảnh: VƯƠNG TRẦN
Trọng tâm sự: “Mất đi ngón chân nhưng thấy cũng may, may vì chỉ trúng vào một ngón chân thôi chứ trúng vào đầu, vào vai hay vào lưng chắc tôi chết lúc đó rồi. Bây giờ mỗi lúc nghĩ lại vẫn thấy sợ”. Nói rồi Trọng giơ tay mô tả: “Trụ giáo đó cao khoảng 1,7m, nặng khoảng 35kg, thân trụ hình tròn, đường kính khoảng 20cm, hai bệ hai đầu dày khoảng 1cm đường kính khoảng 30cm”.
Về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn khiến mình mất một ngón chân, Trọng thật thà: “Vì cậu công nhân làm cùng mới vào làm nên không có kinh nghiệm”. Chúng tôi giật mình: Trong hơn 10 công nhân mới như chúng tôi, ai có kinh nghiệm? Chỉ vì tuyển những công nhân không kinh nghiệm, non tay nghề vào làm việc tại một công trường lớn, đòi hỏi công nhân phải có chuyên môn, kỹ thuật đã khiến Trọng suýt phải mất mạng.
“Từ lúc bị tai nạn đến nay khồng hề nhận được bất kỳ một lời hỏi thăm, động viên giúp đỡ nào từ nhà thầu. Bố mẹ tôi bức xúc, tức giận lắm nhưng cũng đành chấp nhận vì không biết gặp ai để đòi bồi thường ngón chân cho con, vì tôi đâu có hợp đồng lao động!” - Trọng bùi ngùi.
“Khi thi công ga Văn Khê, họ chỉ yêu cầu chúng tôi nộp giấy chứng minh thư nhân dân (bản photo) rồi cho vào làm, giờ thì một lời hỏi thăm cũng không có nói gì đến đền bù” - Trọng lại thở dài.
Và những cái chết thương tâm
Cùng thời điểm, một nhóm phóng viên Lao Động tìm về một xã miền núi của huyện Kim Bôi (Hòa Bình) gặp chị Bùi Thị Liên - vợ anh Bùi Văn Hoàng ( tài xế bị tử vong trên công trường thi công ga Văn Khê thuộc tuyến Cát Linh - Hà Đông). Phải đợi một lúc lâu, chị Liên - người đàn bà gầy gò già trước tuổi mới rón rén trở về cùng đứa con trai mới 6 tuổi. Chị hầu như chỉ cúi mặt, im lặng.
Anh Dũng (anh rể chị Liên) đỡ lời: Từ ngày chồng mất, tính mợ ấy thay đổi hẳn. Theo anh Dũng, Hoàng xuống Hà Nội lái xe ben thuê cho một công ty. Trong quá trình vào chở đất tại công trường thi công ga Văn Khê thì bị tai nạn tử vong.
\“Nhận được tin, chúng tôi xuống đến nơi thì cậu ấy đã mất rồi. Chỉ nghe mọi người kể lại, chiều 11/4/2015, khi vào chở đất tại ga, cậu ấy đứng phía sau xe ben để kiểm tra thì bất ngờ bị máy xúc gạt vào, người ép vào xe, tử vong”, anh Dũng kể.
Từ ngày chồng mất, cuộc sống gia đình chị Liên vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn bội phần. “Nếu người ta cẩn thận hơn thì chồng tôi đâu chết oan như vậy” - chị thở dài, nước mắt giàn giụa.
Xem thêm video: 8 năm ròng rã xây dựng Đường sắt trên cao
Theo Lao động

Bình luận(0)