Trong không khí sâu lắng của những ngày tháng 7, khắp cả nước, nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh binh, người có công với cách mạng đang được tổ chức trang trọng.
Bên cạnh các danh hiệu, huân huy chương để vinh danh những người con anh hùng của Đất nước thì sự quan tâm của Đảng và Nhà nước còn được thể hiện trong các chính sách cụ thể chăm lo cho đời sống hằng ngày của các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công. Trong Chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời được phát sóng trong chương trình thời sự lúc 19h, ngày 27/7 của Đài truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sẽ trả lời về các chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với thương binh liệt sỹ và người có công.
PV: Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin gửi đến Bộ trưởng là một bức thư của một khán giả nhỏ tuổi, cháu hiện đang học lớp 3 viết thư thay ông đã trên 60 tuổi. Trong thư cháu viết:”Ông cháu đi bộ đội, có đầy đủ giấy tờ của các ngành, các cấp, vậy mà đến bây giờ vẫn chưa được hưởng chế độ nào cả”. Vậy theo Bác Bộ trưởng, khi nào ông cháu được hưởng chế độ người có công? Cũng xin được nói thêm cho Bộ trưởng biết là trong hồ sơ gửi về Chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời trên sóng của Đài TNVN có gửi kèm giấy của Mặt trận DD9 chứng nhận ông của cháu được nhận Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Ba. Xin mời Bộ trưởng trả lời câu hỏi này của cháu bé?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Việc cháu hỏi về chính sách đối với ông cháu là điều rất đáng khích lệ. Cụ thể ở trường hợp này, thứ nhất đã có giấy chứng nhận công tác 2/1972 đến 4/1975 và Kỷ niệm chương Mặt trận DD9, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng 3 như cháu trình bày như vậy đủ căn cứ khẳng định ông cháu tham gia chiến trường. Căn cứ vào đó, ông cháu đủ điều kiện sẽ được trợ cấp một lần, hàng tháng theo quyết định hiện hành của Chính phủ mà hiện nay các đối tượng đang hưởng.
Tuy nhiên nếu ông cháu bị thương thì nên đi giám định sẽ được xác định là thương binh. Trường hợp cụ thể của ông cháu, bác khuyên đến cơ quan chính quyền địa phương để họ hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ xác nhận và kiểm tra lại hồ sơ đã đề xuất, đề nghị đến các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Chỉ huy quân sự địa phương để kiểm tra lại lần nữa hồ sơ đó để xem xét và xác nhận.
|
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Phạm Thị Hải Chuyền. |
PV: Thưa Bộ trưởng, theo ghi nhận trên báo chí và người dân thì bà Trần Thị M, 83 tuổi nguyên quán huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hiện ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh có chồng và 1 con trai là liệt sỹ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng chỉ vì bà đã tái giá. Trong thư gửi về chuyên mục vị thính giả này có viết: “Trong chiến tranh, các mẹ có tính toán thiệt hơn gì đâu, mà giờ người làm chính sách lại tính toán chi li với các mẹ có tái giá hay không”. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, liệu những mẹ như bà Trần Thị M có được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng hay không?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Theo quy định tại Nghị định 31 hướng dẫn về triển khai pháp lệnh người có công sửa đổi thì bà M đủ điều kiện được công nhận là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hướng dẫn vấn đề này Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành và triển khai Nghị định 56 trong đó có những nội dung như trường hợp phản ánh như của bà M.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tổng hợp những trường hợp chưa đủ rõ sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này. Sau buổi hôm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng và phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện các trường hợp này.
PV: Nhiều người dân cũng gửi thư về chuyên mục có hỏi Bộ trưởng về tình hình xử lý chế độ cho những người có công bị mất hồ sơ gốc đã có tiến triển như thế nào sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trong cả nước chúng ta đã xác nhận trên 8,8 triệu người được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên còn một số trường hợp không còn đủ hồ sơ gốc, vì vậy đến nay để giải quyết vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 28 để giải quyết các trường hợp không còn đủ và mất hồ sơ gốc. Đến nay, Bộ Quốc phòng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương về thủ tục, trình tự xem xét giải quyết. Theo báo cáo của 26/63 tỉnh, thành trong cả nước đã xem xét duyệt 112 hồ sơ và đề nghị xác nhận liệt sỹ, thương binh là 396 hồ sơ.
PV: Hiện nay chúng tôi cũng nhận được không ít thư tố cáo về các trường hợp làm giả hồ sơ để hưởng chế độ người có công, phổ biến nhất là hưởng chế độ cho người nhiễm chất độc da cam. Có trường hợp người dân kiến nghị có các cựu quân nhân chỉ đóng quân ở Hà Tây hay ở Bắc Lào chưa bao giờ tới Vĩ tuyến 17 nhưng vẫn được hưởng chế độ cho người bị nhiễm chất độc da cam. Và những người dân này đặt câu có hỏi là “Phải chăng cứ là thương binh chiến đấu ở bất kỳ vùng nào như Hà Nội hay Bắc Lào thì cũng có thể bị nhiễm chất độc da cam? Và liệu có hay không các tiêu cực về khai man hồ sơ cộng với sự tiếp tay của địa phương để trục lợi chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước”?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trường hợp vừa nêu thực tế là có trong xã hội. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế các đơn vị ở địa phương để chỉ đạo và tổ chức thực hiện thanh tra, xem xét phát hiện những sai phạm trong vấn đề đó, trên cơ sở đó để có những biện pháp cụ thể. Qua xem xét đánh giá từ năm 2008 đến 2013 cũng đã rà soát và cắt một số trường hợp, và có những trường hợp vi phạm đến mức đã chuyển sang các cơ quan pháp luật, ví dụ như các vụ việc ở Quân khu 1, Nam Định, Ninh Bình…
PV: Thưa Bộ trưởng, qua các vụ việc tố cáo tiêu cực ở nhiều địa phương kể trên đã gây thất thoát tiền của Nhà nước và gây bức xúc trong xã hội. Vậy hướng giải quyết sắp tới của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội là như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Phải nói rằng chiến tranh đã qua rất lâu, việc hoàn thiện hồ sơ cho những đối tượng chính sách người có công quả là hết sức khó khăn, chính vì vậy mà tới đây cùng với việc tiếp tục chỉ đạo công tác thanh, kiểm tra của Bộ và thanh tra các tỉnh việc thực hiện chính sách này, và giáo dục trong dân nhận thức, trách nhiệm trong việc phát hiện vấn đề gian lận chính sách và kịp thời phản ánh. Đồng thời, hiện nay chúng tôi cùng phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm cuộc tổng rà soát về đối tượng người có công, thông qua đợt tổng rà soát này có các lực lượng mặt trận thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh cùng tham gia chúng ta sẽ phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận và cắt các trường hợp không đúng quy định pháp luật của Nhà nước.
PV: Ngoài các giải pháp để hạn chế việc khai man hồ sơ như Bộ trưởng vừa trình bây, vậy trong năm nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có những chính sách cụ thể gì để kịp thời triển khai và minh bạch hơn nữa, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh cho người có công và thương binh liệt sỹ, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đối với người có công hiện có nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước đang triển khai và thực hiện tuy nhiên đến nay việc xác nhận vấn đề danh tính được Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm nhưng lâu nay chưa có điều kiện để làm. Chính vì vậy trong năm nay, năm đầu tiên bắt đầu triển khai Đề án 150 xác nhận danh tính liệt sỹ, đề án này tuy mới triển khai nhưng trước đó, Ngành lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với các Viện khoa học của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng như Viện khoa học Việt Nam triển khai việc giám định cho hàng nghìn trường hợp là liệt sỹ để tìm tên các anh. Thông qua Đề án này chúng tôi sẽ xác định được tên của nhiều liệt sỹ nhằm đáp ứng mong mỏi của gia đình các liệt sỹ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!