Tôi đã nói thì sẽ làm!
Năm 2006, được biết ông là người đầu tiên thực hiện khoán xe công, câu chuyện ấy thực hư thế nào thưa ông?
Chủ trương khoán tất cả các chi phí cho cán bộ công chức nhà nước để tính vào lương là chủ trương của Đảng, Quốc hội đặt ra. Lúc đó tôi là Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, tôi đã chủ trì xây dựng một chế độ chi tiêu cho Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trong đó có việc khoán đi lại bằng phương tiện ô tô.
Kết quả thế nào ạ?
Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về việc khoán chi tiêu xe công, nó có giá trị như một văn bản pháp luật nhưng chưa có giá trị bắt buộc mà chỉ khuyến khích tự nguyện. Khi có nghị quyết, tôi là người đề xuất, xây dựng thì đương nhiên tôi phải là người thực hiện đầu tiên. Tôi không phải là loại người nói một đằng làm một nẻo. Lúc đó tôi lấy tiền khoán là 4,5 triệu đồng/tháng và tự lo phương tiện. Ngày mưa thì đi taxi, ngày thường thì đi xe ôm.
Mức khoán đó là nhiều hay ít so với số tiền ông phải bỏ ra để tự di chuyển?
Tôi thấy mức đó cũng là nhiều quá. Tôi chỉ dùng hết khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Vậy là mỗi tháng để dành được 3,5 triệu đồng. Trong khi lương của tôi lúc đó chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng.
Hành động này của ông có được nhiều người ủng hộ không?
Lúc đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã có phát biểu ủng hộ hành động của tôi, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng lên tiếng ủng hộ tôi.
Vì sao ông lại làm vậy?
Hành động đó của tôi làm cho những người sử dụng xe biển số 80B để giải quyết khâu oai, đẹp cả hình thức và nội dung cảm thấy ngại. Lúc đó, chính Bộ trưởng Bộ Tài chính nói rằng, nếu không mua xe công thì mỗi năm ngân sách thừa ra hàng nghìn tỷ đồng. Đến giờ, với sự trượt giá của đồng tiền thì con số này lên tới 9 - 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tiền đó làm được biết bao nhiêu cây cầu treo, bao nhiêu trường học, mua được bao nhiêu áo ấm cho trẻ em nghèo.
|
Ảnh minh họa. |
Tham nhũng chen lẫn trong chủ trương chính sách
Việc đầu tiên ông nhận thấy khi thực hiện khoán xe công là gì?
Ngoài tiết kiệm ngân sách thì việc đó giúp cán bộ gần dân hơn. Ngồi trong cái xe sang trọng, đẹp đẽ mà không làm được điều gì cho dân thì tự lương tâm mình cũng cảm thấy xấu hổ. Việc khoán đó giúp thay đổi nhận thức của cán bộ, những người nhận lương từ tiền đóng thuế của người dân phải nhận thức được nhiệm vụ, vị trí của mình, cán bộ không phải là "quan cách mạng" như lời dạy của Bác Hồ.
Vì sao lúc đó chỉ có một mình ông áp dụng hình thức khoán này?
Ở Văn phòng Quốc hội lúc đó thì chỉ có một mình tôi. Lúc đó mọi người không mặn mà, nhưng kệ người khác thế nào, tôi vẫn thực hiện. Sau đó tôi nghe nói có một số cán bộ ở miền Tây, Khánh Hòa, Lâm Đồng cũng thực hiện chế độ khoán.
Đến nay thì tình hình sử dụng xe công như ông được biết thế nào rồi ạ?
Bây giờ việc sử dụng ô tô riêng đại trà hơn trước đây rất nhiều, ai là đại biểu Quốc hội chuyên trách đều có xe riêng hết. Điều đó gây lãng phí rất lớn, làm cho bộ máy phình to hơn, chi phí cho bộ máy lớn hơn.
Hình như ông có nói đến chủ trương khoán, không chỉ là xe công mà khoán nhiều khoản khác?
Đúng, khoán ô tô, khoán tiền nhà, tất cả cho vào lương thì lương của một vị bộ trưởng sẽ là hơn trăm triệu đồng mỗi tháng. Hết một nhiệm kỳ, người đó có khoảng 6 - 7 tỷ đồng, trừ đi ăn tiêu thì vẫn đủ tiền để mua nhà. Tiền đó thì chắc chắn không ai nói gì được. Chứ còn cứ nói lương tôi mỗi tháng chỉ có hơn chục triệu đồng nhưng ông lại có cái nhà mấy trăm tỉ đồng thì không ai biết nó từ đâu ra. Tham nhũng chen lẫn trong chủ trương chính sách là vì vậy. Nếu tất cả đều từ lương hết, không ai có đặc quyền gì thì đương nhiên đồng tiền của cán bộ là đồng tiền trong sạch rồi. Còn như ông Trần Văn Truyền, làm cái nhà to thế, tiền ở đâu ra, người ta đặt câu hỏi là đúng rồi.
Ở nhiều nước kiểm soát được nạn tham nhũng tốt, hẳn là họ cũng có bộ công cụ kiểm soát tài sản của cán bộ?
Ở các nước nghèo nhất trên thế giới họ cũng đã thực hiện khoán xe công rồi, chưa nói gì đến các nước phát triển.
|
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
Kế hoạch phá sản vì cán bộ thích oai!
Từ thời điểm ông thực hiện khoán đó đến giờ, dường như vẫn chỉ là những lý thuyết có trên giấy?
Không thực hiện được đại trà vì nhiều cán bộ thích khâu oai. Sau đó một vị đại biểu Quốc hội khi được hỏi có thực hiện khoán không thì vị này còn phát biểu là ông ấy không biết chủ trương này. Ông làm như đây là nghị quyết lậu vậy. Tôi liền photo các bản góp ý trực tiếp vào Nghị quyết thì thấy chính vị ấy đã góp ý nhiều lần vào bản này. Thật buồn cười!
Đến nay thì nghị quyết đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bị bỏ quên?
Đến tháng 9/2007 thì Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định về cơ chế và cách tính phí khi thực hiện khoán xe công. Nhưng đến nay, số người thực hiện là rất ít.
Theo ông thì ngoài việc "oai" ra thì vì sao nhiều người không đồng tình giải pháp này?
Ngồi trên chiếc xe công thì oai, từ oai sinh ra quyền, từ quyền sinh ra lợi. Một cán bộ bước xuống từ chiếc xe công thì ắt hẳn cũng không nhiều người dám dòm ngó. Sau chiếc biển số 80B thì có biết bao nhiêu thứ đi kèm. Cán bộ ngồi trên chiếc xe đó chắc chắn sẽ xa dân. Mà như thế làm sao đại diện cho ý chí nguyện vọng của người dân được.
Lúc ông thực hiện khoán, có ai nói gì phản đối hành động đó của ông không?
Khi tôi đi công tác một số tỉnh, cũng có nhiều người nói rằng: "Anh ơi anh làm thế thì tụi em cũng ngại mỗi khi đi xe công lắm".
Ông thấy mình được gì từ quyết định đó?
Được việc, được tiền, được tôn trọng. Đồng tiền mình tiết kiệm được đó là tiền chính danh, là đồng tiền hợp pháp. Lúc đó tổng thu nhập của tôi được khoảng gần 15 triệu đồng và tôi công khai hết. Thực ra các nước văn minh họ làm cái này từ lâu rồi, chẳng có lý gì nhà nước cho mình tiền đi học hỏi, nghiên cứu của nước ngoài mà trở về mình lại không áp dụng cái hay, cái tốt của họ cả.
Một vị thứ trưởng mà lếch thếch đi xe ôm, liệu có bị mất hình ảnh quá không?
Đó là cách hiểu sai. Hồi đó tôi sang Thụy Điển, bà chủ tịch Quốc hội ở đó vẫn đi xe buýt. Lếch thếch hay không là ở trong hành xử, trong tác phong, trách nhiệm với công việc chứ không phải là việc đi xe gì. Tự mình đi xe thì tự mình tiết kiệm được tiền, đó là những đồng tiền chính danh, không phải là đồng tiền trong những bữa tiệc, đồng tiền bất chính trong tham nhũng.
Đến nay, số cán bộ chấp nhận khoán xe công không nhiều?
Việc triển khai thất bại hay thành công là do những người đứng đầu triển khai hay không triển khai. Không nên coi việc này là tự nguyện nữa mà nên coi đó là việc làm bắt buộc. Toàn bố số xe hiện nay tập hợp lại thành các đội xe công. Nếu tất cả các cán bộ đều thực hiện khoán xe công thì sẽ tiết kiệm được không biết bao nhiêu mà kể.
Xin cảm ơn ông!
Đội xe công được thành lập sẽ vừa giảm biên chế, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa khiến cán bộ gần dân, lại tiết kiệm được tiền cho chính bản thân mình. Lúc tôi thực hiện khoán, thậm chí có người đề xuất mua xe cho tôi, nhưng tôi không phải là người như thế. Tôi tiết kiệm mấy năm mà được hơn trăm triệu đồng, đủ tiền sang sửa nhà cửa đấy.