Chùa không chính danh
Đại đức Thích Giác Minh cho biết: "Khi bà Tâm xây chùa Vàng, chùa Thiên Phúc hoàn toàn không biết, bởi vì ngay cả với Nhà nước mà họ còn không cản được thì với Giáo hội càng không quản được. Sau khi họ xây dựng xong thì thấy dân đi lễ về họ phản ánh. Họ xây dựng để phục vụ cho hoạt động ở đền Bà Chúa Thượng Ngàn thì Giáo hội không có quyền can thiệp. Trừ trường hợp mời các thầy về trụ trì, tư cách các thầy ở đó được công nhận thì Giáo hội mới quản lý được".
"Đó là chùa không chính danh, bởi nó vẫn nằm trong diện tích của cái đền đó, đúng ra diện tích ấy mục đích chỉ là phục vụ cái đền thôi. Vì nó là tín ngưỡng, nhưng khi xây chùa thì nó là tôn giáo. Nếu đất cấp cho tôn giáo thì phải được Nhà nước cấp, xây dựng theo quy hoạch được chính quyền chấp nhận. Còn ngôi chùa đó không hợp pháp và không đúng tính chất ngôi chùa. Đúng ngôi chùa là phải có chính điện, nhà tổ, nơi ở của tăng ni, nơi hội trường. Hiện nay, đó chỉ là cái nơi thờ Phật", Đại đức Thích Giác Minh nói.
|
Chùa Vàng. |
Đại đức Thích Giác Minh cho hay, hiện nay nhiều nơi không phân định công trình tín ngưỡng và công trình tôn giáo. Đền là thuộc về tín ngưỡng, theo Pháp lệnh về Tín ngưỡng Tôn giáo đã quy định. Nhưng mà nhiều nơi cứ lập lờ giữa công trình tín ngưỡng và tôn giáo, trong đền thì xây cả chùa, cả phủ. Điều đó khiến cho Giáo hội khó phân định, khó quản lý.
Về nguyên tắc xây dựng bất hợp pháp thì không thể ủng hộ. Còn khi họ đã xây dựng thì dù sao đó cũng là kinh phí, vật chất của nhân dân bây giờ phá cũng không được. Đành phải để cho người ta hoạt động, còn hoạt động thế nào, quản lý ra sao thì phải nhờ địa phương sở tại. Nên mời tăng ni về trụ trì cho đúng với hoạt động tôn giáo.
Đại đức Thích Giác Minh cho rằng, sự việc là trách nhiệm của địa phương. Bởi nếu phát hiện, đình chỉ ngay từ đầu thì nó dễ, bây giờ đã thành một công trình rồi, thậm chí đã sử dụng rồi tháo gỡ thì vô cùng khó khăn. Bây giờ bảo gỡ thì ai gỡ, Giáo hội cũng không can thiệp được. Thế nên cách tốt nhất là đưa chùa này về cho Giáo hội quản lý cho đúng ngôi chùa chứ không để dưới sự quản lý của bà Tâm, vì bà ấy cũng vận động tiền của tín đồ thập phương để xây dựng, chứ cũng không phải của cá nhân bà ấy.
|
Đại đức Thích Giác Minh. |
"Có thế lực đứng sau ủng hộ"
Đại đức Thích Giác Minh đánh giá: Đây chưa hẳn là kiến trúc của một ngôi chùa mà bị biến tướng thành công trình "thiêng", trong đó có mục đích hoạt động tôn giáo. Thứ nhất là về cao tầng thì từ trước đến nay chùa chỉ sử dụng 2 tầng, ngoài ra gọi là tháp. Khu nhà bà Tâm xây dựng 5 tầng thì không biết có mục đích gì bên trong nữa. Kiến trúc xưa thì chùa chỉ có 1 tầng, do điều kiện đất chật hẹp thì có thể xây 2 tầng, trên là chính điện, dưới là nơi tận dụng các mục đích hoạt động khác như nơi sinh hoạt, nhà thờ tổ.
"Đằng sau họ có thể nhiều thế lực ủng hộ chứ không dễ dàng gì làm, với thời gian xây dựng như thế mà chính quyền không ai biết là vô lý. Trước đây cũng có một đơn vị doanh nghiệp thuộc TP Vĩnh Yên đã lập một ngôi chùa, sau đó chính quyền làm căng, không cho họ làm, nên họ chỉ xây nơi thờ. Còn mục đích của bà Tâm xây chùa là để kinh doanh, là buôn thần bán thánh kinh doanh vụ lợi, trục lợi cá nhân", Đại đức Thích Giác Minh cho biết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.