Tô hủ tiếu to nhất VN: Kỷ lục của sự... háo danh

Google News

(Kiến Thức) - Chuyện tô hủ tiếu to nhất Việt Nam được xác lập ngày 12/2 vừa qua tại công viên Sa Đéc (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), khiến dư luận bức xúc.

Người ta tự hỏi, tết nhất đến nơi rồi, sao vẫn diễn nhưng trò lố như thế? Người dân chẳng thấy, dù chỉ một chút thôi niềm tự hào gì ở tô hủ tiếu to kỉ lục như thế.
To hu tieu to nhat VN: Ky luc cua su... hao danh
Tô hủ tiếu Sa Đéc được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam.
Hủ tiếu – một món ăn đặc sản của Nam bộ - tự bản thân nó đã nổi tiếng từ lâu, được mọi người biết đến, được du khách thập phương nhớ mãi bởi chất lượng, hương vị độc đáo của nó chứ đâu phải ở cái tô to hay nhỏ. Thế mà người ta vẫn cố giành cho bằng được cái gọi là kỉ lục quốc gia. Và để có được cái sản phẩm đạt kỉ lục quốc gia ấy để cho ai đó vỗ ngực tự hào, ghi vào bảng thành tích hay báo cáo tổng kết cuối năm, người ta đã tiêu tốn một lượng nguyên liệu và công sức mà nếu quy ra tiền thì thật không nhỏ chút nào. Số tiền ấy có thể đủ để trợ cấp cho hàng trăm hộ nghèo của tỉnh để họ có được một cái tết cổ truyền ấm áp.
Nhưng than ôi, bệnh háo danh đã khiến cho người ta mờ mắt. Tô hủ tiếu dự kiến phục vụ cho 1.000 lượt người ăn sau vài ngày trưng diện đã biến thành thứ mà heo cũng phải chê. Thế là cái kỉ lục ngốn hàng chục triệu đồng và công sức của bao người đi tong. Quả đúng là nghìn vàng mua một trận cười. Thêm một câu chuyện bi hài thời của những “kỉ lục”.
Dư luận đã từng chứng kiến những “kỉ lục” bi hài như thế. Còn nhớ cặp bánh chưng bánh dày khổng lồ được coi là lễ vật đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh dâng tiến vua Hùng nhân giỗ Tổ năm 2008. Khi mọi người háo hức “mổ” bánh để chia lộc thì than ôi, bánh chưng đã vữa ra và lên men, có mùi khó chịu; còn bánh giầy thì bị mốc xanh, bên ngoài phủ một lớp mỏng bột, bên trong bánh toàn bằng... mút xốp. Lễ vật dâng Tổ tiên mà như thế thì liệu có phải là một sự báng bổ tiền nhân không? Rồi những ly cà phê khổng lồ, chai rượu khổng lồ… để làm gì nếu không phải là đánh bóng tên tuổi cho doanh nghiệp? Với những kỉ lục về thức ăn đồ uống như thế này, thiên hạ sẽ nghĩ, dân mình bây giờ dành tâm huyết cho chuyện ăn nhậu quá. Chả thế mà có địa phương còn thảo công văn, ra chỉ thị nhà nhà tăng cường uống bia theo kiểu “Ta về ta uống bia ta…”. Cứ đà này, chắc chẳng bao lâu nữa, Việt Nam - quốc gia đang ở tốp đầu thế giới về xài bia rượu với tốc độ tăng trưởng “phi mã”, sẽ giật kỉ lục Guinness thế giới về sử dụng rượu bia.
Có một kỉ lục khác cũng thuộc loại vô tiền khoáng hậu khiến dư luận và báo chí bàn tán không thôi ấy là Hội Lim năm 2012, người ta tổ chức cho 3.000 người cùng hát quan họ, một sự biến tấu đến kinh dị di sản văn hóa dân tộc mà ban tổ chức và chính quyền địa phương đã nỗ lực bằng mọi giá để đổi lấy sự… nổi tiếng dù không cần đến kỉ lục này thì Quan họ cũng đã là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại rồi.
Dường như người Việt đang ngày càng háo danh hơn? Thích lập kỉ lục đã trở thành “bệnh” của mọi nhà chỉ để nhằm mục đích gây chú ý, đánh bóng tên tuổi mà quên đi ý nghĩa và giá trị thực của nó. Lớn nhất, to nhất, dài nhất dường như đấy là tiêu chuẩn của kỉ lục Việt Nam, còn đằng sau cái lớn nhất, to nhất, dài nhất ấy là gì thì không cần quan tâm. Cho nên, nhiều kỉ lục quốc gia trở nên vô bổ, thậm chí bi hài như tô hủ tiếu hay bánh chưng, bánh dày nói trên. Ý nghĩa xã hội, giá trị văn hóa của những kỉ lục kiểu ấy chẳng có gì khác ngoài sự phản cảm.
Nhìn ra thiên hạ, chuyện kỉ lục đối với họ không phải là sự khoe mẽ nhất thời. Kỉ lục phải xuất phát từ hành động, việc làm và sản phẩm đem lại lợi ích thực sự cho xã hội, hướng con người vươn tới những giá trị cao cả về vật chất cũng như tinh thần. Liệu chúng ta có lấy làm hãnh diện mỗi khi khoe tô hủ tiếu to kỉ lục với bạn bè như người Hàn, người Nhật, người Đức tự hào khi nhắc đến Sam sung, Honda, Audi?
Hãy trả kỉ lục về giá trị đích thực của nó. Muốn vậy thiết nghĩ cũng cần có chế tài để ngăn chặn bớt những thứ kỉ lục vô bổ, gây lãng phí tiền bạc, công sức của nhà nước và nhân dân.
Nguyễn Duy Xuân

Bình luận(0)