Thầy tham nhũng thì trò còn tham nhũng nhiều hơn
Để được tham gia lớp thạc sĩ Quản lý kinh tế, 40 học viên của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa đã "bôi trơn" hơn 1 tỷ đồng cho cán bộ của trung tâm nhờ lo lót đầu vào. Sự việc bại lộ khi chính những học viên nộp tiền này bị đánh trượt. Câu hỏi đặt ra là chất lượng đào tạo thạc sĩ ở đâu, vì sao người ta lại chen chân nhau để bằng mọi giá phải có cái bằng thạc sĩ?
Tôi có nghe nói đến việc này, đáng buồn là cách xử lý vụ việc. Vi phạm như thế mà người ta chỉ cảnh cáo và khiển trách cán bộ. Xét về tư cách của người làm thầy thì phải đuổi việc những cán bộ vi phạm, họ không xứng đáng làm trong ngành giáo dục. Cơ quan quản lý vô trách nhiệm ở chỗ những người thầy như vậy sẽ tiếp tục đào tạo những học viên sau này sẽ trở thành thầy hoặc lãnh đạo các cơ quan nhà nước cũng "noi gương" tham nhũng như thầy.
Vì sao lại nên nỗi ấy?
Đó là bi kịch của cả xã hội vì người ta coi đó là chuyện bình thường. Thầy tham nhũng thì trò sau này còn tham nhũng nhiều hơn, lâu dần sẽ lên đến các cấp cao hơn tạo thành một vòng xoáy không dừng. Người ta có thể giấu diếm, che đậy đi, nhưng đã đến mức bị phanh phui công khai mà chỉ khiển trách thì thật buồn cười.
Cách đây hai năm có ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức đạo văn khi viết luận án tiến sĩ. Thủ tướng đứng ra bênh vực, nói rằng bà cần một bộ trưởng chứ không cần một tiến sĩ. Nhưng sau đó các nhà khoa học đã gửi đơn kiến nghị ông này phải từ chức với lý do một khi đã không trung thực trong khoa học thì không có gì đảm bảo người đó sẽ trung thực trong những công việc lớn hơn cả. Còn nếu chấp nhận cho ông này ở lại chính phủ thì cả hệ thống khoa học sẽ bị mất uy tín nặng. Cuối cùng thì vị bộ trưởng ấy đã phải từ chức (hay nói đúng hơn là bị cách chức).
Vậy nguyên nhân khởi phát của cuộc đua bằng cấp ấy là gì?
Các cơ quan nhà nước thường không quan tâm đến hiệu quả công việc (của chung mà) nên họ tuyển dụng dựa trên bằng cấp.
Nhưng không dựa trên bằng cấp thì tiêu chí nào để định lượng được?
Nếu cơ quan tuyển dụng quan tâm đến hiệu quả công việc thì chắc chắn họ sẽ biết chọn người có năng lực. Họ sẽ có những quy trình phù hợp để đánh giá cán bộ.
|
GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện Nghiên cứu Cấp cao về Toán nói về việc bôi “trơn hơn” 1 tỷ đồng để được tham gia lớp thạc sĩ. |
Điểm 10 nhưng không biết gì
Khi tuyển dụng cán bộ, ông chú ý đến điều gì?
Viện Toán chúng tôi quan tâm đến khả năng nghiên cứu sau này của đối tượng tuyển dụng thể hiện qua khả năng trình bày và suy luận. Có những người tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài về, nhưng khi phỏng vấn thì lại không đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, có những người chỉ là cử nhân thôi nhưng chúng tôi lại chọn vì nghĩ họ có khả năng trở thành một nhà toán học.
Vì sao khi tuyển dụng ông lại không dựa vào bằng cấp, phải chăng vì chất lượng bằng cấp có vấn đề?
Không hẳn như vậy, bằng cấp phản ánh phần nào kiến thức của người có bằng cấp, nhưng bằng cấp đại học và sau đại học không phản ánh khả năng sáng tạo là kỹ năng cần thiết nhất đối với người làm toán. Viện Toán có quy định cứng là người xin vào làm cán bộ nghiên cứu phải có điểm trung bình vượt qua một ngưỡng nào đó. Các ứng viên phải thi viết về các kiến thức cơ bản và các Hội đồng xét tuyển sẽ đánh giá kiến thức và khả năng nghiên cứu (tương ứng với bằng cấp đã có) qua phỏng vấn.
Ông đánh giá thế nào về chất lượng bằng cấp hiện nay?
Thực tình mà nói, không thể tin tưởng vào chất lượng bằng cấp hiện nay. Nếu nhìn vào điểm thì không thể biết được thực chất trình độ của người học đến đâu. Tôi đã từng phỏng vấn một sinh viên được xếp hạng xuất sắc đạt điểm 10 nhiều môn học, những hỏi cái gì sinh viên cũng không biết. Tôi hỏi thế vì sao lại đạt điểm 10, sinh viên bảo các môn đó là các môn tự học. Đấy là trong toán học còn như thế.
Có người đặt câu hỏi, vì sao ở Việt Nam, số lượng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhiều như vậy, mà đất nước vấn còn nghèo, vẫn còn lạc hậu?
Xã hội của chúng ta không lấy tính hiệu quả làm đầu, nhiều thứ mang tính giả tạo. Cứ nhìn vào khối doanh nghiệp nhà nước sẽ thấy họ luôn làm ăn thua lỗ, luôn đòi hỏi Nhà nước đầu tư và có chính sánh hỗ trợ. Theo nghĩa nào đấy, người ở các cơ sở nhà nước chỉ quan tâm đến cái lợi riêng mà không quan tâm đến công việc chung vì khi họ lỗ hay không hoàn thành nhiệm vụ, Nhà nước sẽ đứng ra gánh thay, không ai phải chịu trách nhiệm gì. Tính hiệu quả không được quan tâm, thì làm thế nào mà tuyển dụng được người đúng vị trí công việc, vì họ có cần đâu.
Đến lúc ấy sẽ vô phương cứu chữa!
Làm thế nào để sửa được cách tuyển dụng hiện nay, thưa ông?
Nói thì nhàm tai, nhưng đúng là hệ thống nào sẽ tạo ra cơ chế ấy. Nếu sửa thì phải sửa cả hệ thống. Cơ chế tuyển dụng phụ thuộc vào hoạt động của nền kinh tế. Nếu nền kinh tế lấy tính hiệu quả làm đầu thì cơ chế tuyển dụng dựa trên bằng cấp sẽ không còn nữa. Theo tôi, không thể lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo nền kinh tế được. Ở những nước phát triển, học thạc sĩ, tiến sĩ chủ yếu là những người có khả năng làm công việc chuyên sâu, phần lớn là trong những công việc liên quan đến đào tạo và nghiên cứu. Mà ở những nước đó, nếu sử dụng bằng cấp giả hay đạo văn là mất hết toàn bộ sự nghiệp.
Nếu không sửa được, hệ quả của cuộc đua này sẽ là gì?
Nếu không thay đổi nền kinh tế, vòng xoáy này nó sẽ lên đến cấp cao nhất. Đến lúc ấy sẽ vô phương cứu chữa! Cái đầu có thể tự chặt chân tay của mình được chăng? Tính không hiệu quả ấy quyết định cái cơ chế tuyển dụng này. Nếu người ta cần hiệu quả thì tự khắc người ta sẽ tạo ra cơ chế tuyển dụng đúng. Tuyển dụng mà gắn với lợi ích sát sườn của cơ quan thì tự khắc họ sẽ phải tuyển đúng người có năng lực chứ không chỉ lấy theo bằng cấp.
Một xã hội mà ai cũng là cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ mà trình độ thực lại không tương xứng thì có đáng để tự hào?
Tôi đã phát biểu trước đây là xã hội chúng ta có rất nhiều giả tạo. Ta vốn chuộng hư danh nên ai cũng bằng mọi cách phải có cái bằng nọ bằng kia. Không phải là người tuyển dụng không biết chuyện này, nhưng người ta không đặt lợi ích của cơ quan lên hàng đầu. Bởi thế mà nảy sinh tiêu cực.
Theo quan điểm cá nhân của ông thì những vụ việc giống như Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Hóa có phổ biến không?
Tôi nghĩ là nhiều. Đó là hệ quả của cả một hệ thống. Học viên có lẽ cũng học không ra gì mới phải dùng đến thủ đoạn ấy. Khổ hơn nữa là những người học thật cũng cần phải nộp lệ phí. Khi cả xã hội đã chấp nhận cái chuyện "chạy" đó, coi đó là điều bình thường, thật giả lẫn lộn, thì còn gì để mà nói nữa.
Xin cảm ơn ông!
Có thể có tiêu cực nhưng ít ra quy trình xử lý tiêu cực phải đúng, không những những cá nhân liên quan mà ngay cả những người lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm. Còn nếu cả xã hội coi chuyện đó là một chuyện nhỏ thì chẳng có gì ngăn cản được những chuyện lớn hơn. Cái gì để có thể giúp cho việc tuyển dụng đúng đắn thì chỉ có thể là thay đổi nền kinh tế cho nó có hiệu quả.