Nợ xấu đừng bắt dân phải “gánh”

Google News

(Kiến Thức) - "Nợ xấu là hậu quả cách làm ăn của doanh nghiệp, ai làm nấy chịu chứ không thể bảo dân trả nợ thay doanh nghiệp được", TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Việt Nam khác hẳn Hàn Quốc
- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý gợi mở một hướng giải pháp xử lý nợ xấu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/10: "Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?". Là một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
- Trước hết tôi phải khẳng định rằng, so sánh nợ xấu của Việt Nam và Hàn Quốc là một sự so sánh khập khiễng, không thấy hết được bản chất vấn đề nợ xấu ở Việt Nam với bối cảnh lịch sử ở Hàn Quốc lúc đó. Tôi có nghiên cứu tình hình kinh tế Hàn Quốc giai đoạn này thì tôi biết. Lúc đó kinh tế Hàn Quốc gắn liền với cuộc khủng hoảng ở châu Á, hoàn toàn do khách quan mang lại chứ không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của nền kinh tế Hàn Quốc.
- Các yếu tố khách quan ấy cụ thể là gì, khác gì so với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay thưa ông?
- Đó là thời điểm năm 1998, do cuộc khủng khoảng kinh tế Thái Lan lây sang các khu vực trong đó có Hàn Quốc, cộng với tình hình kinh tế thế giới lúc đó làm cho sản xuất trong nước của Hàn Quốc bị đình trệ. Trong bối cảnh đó thì Hàn Quốc kêu gọi lòng yêu nước, cùng chung tay xây dựng đất nước, đóng để tăng ngân quỹ quốc gia, có nguồn tiền hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải đóng tiền cho doanh nghiệp. Không có bất cứ nguyên nhân nào bắt nguồn từ doanh nghiệp của Hàn Quốc cả.
- Rõ ràng bản chất nợ xấu ở đây là khác nhau?
- Bởi thế mà người dân mới đứng ra đóng góp, giống như nước ta từng tổ chức quyên góp toàn dân để phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Nó khác hoàn toàn về bản chất với cuộc khủng hoảng nợ xấu hiện nay của chúng ta.
- Ý ông nợ xấu ở Việt Nam là do doanh nghiệp gây nên?
- Nợ xấu ở Việt Nam có rất nhiều nguyên nhân, do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, đầu cơ, mở rộng đầu tư ngoài ngành thua lỗ, quản lý yếu kém, sở hữu chéo... Lỗi hoàn toàn do doanh nghiệp chứ không phải do người dân. Mà như thế thì doanh nghiệp phải chịu chứ không thể đẩy sang cho người dân được. Đặt vấn đề có nên huy động người dân đóng góp để xử lý nợ xấu là không phù hợp.
TS Nguyễn Minh Phong, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội. 
Lúc có thì ăn một mình
- Có người bảo, cứ đóng cửa hết doanh nghiệp có nợ xấu mà không xử lý được thì không ai dám để xảy ra nợ xấu nữa, ông nghĩ sao?
- Thực ra như tôi đã nói, để giải quyết nợ xấu thì phải dùng tổng hợp nhiều biện pháp khác nhau. Không thể coi nợ xấu nói chung giống nhau hết. Doanh nghiệp lúc có thì ăn một mình, lúc chết thì kéo mọi người cùng chết theo là không được. 
- Hậu quả của nợ xấu tác động thế nào đến nền kinh tế?
- Tôi phải nói thẳng rằng hiện nay chúng ta còn chẳng hiểu rõ nợ xấu nó như thế làm sao, ở cấp độ nào, chẳng ai dám nhìn vào sự thật, chẳng ai đứng ra chịu trách nhiệm chung cả. Chính phủ phải có một đợt tổng kiểm kê nợ xấu, về tổng nợ xấu thực, tìm nguyên nhân và giải pháp thì mới khắc phục được. Chứ bây giờ người ta cũng chỉ kêu ầm lên như thế thôi mà không ai có thể khẳng định chắc chắn tổng nợ xấu là bao nhiêu cả. Người này người kia nói những con số vênh nhau đến cả chục lần mà đâu có ai kiểm chứng được.
- Người ta nói nợ xấu là "cục máu đông", với tình trạng này thì bao giờ cục máu đông ấy mới tan?
- Ngoài giải pháp từ nhà nước, bản thân các doanh nghiệp phải tự cố gắng lên chứ không nên bị động, mong chờ những giải pháp cứu trợ. Nếu doanh nghiệp không đủ sức thì phải cho phá sản chứ không cần cứu trợ nữa. Lâu nay, chúng ta vẫn sử dụng cụm từ "lỗi tập thể" không ai chịu trách nhiệm. Theo tôi, phải quy rõ trách nhiệm cá nhân để xử lý cách chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có tình trạng bỏ túi cá nhân.
- Và khó giải quyết nhất phải chăng là ở nhóm các doanh nghiệp nhà nước?
Nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước không dễ xử lý do nhiều tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay như nguyên liệu, hàng hóa có tính thanh khoản thấp. Giải quyết nợ xấu phải có chi phí và liên quan đến rất nhiều vấn đề. Hiện nay, công bố cũng chỉ là con số tương đối, chưa minh bạch, rõ ràng.
Nhà nước giải quyết, doanh nghiệp ỉ lại
- Liệu có một "thượng phương bảo kiếm" nào có thể xóa được gánh nặng nợ xấu cho nền kinh tế thưa ông?
- Nhà nước phải có một kế hoạch tổng thể với nhiều giải pháp đồng bộ chứ không thể giao cho một vài doanh nghiệp giải quyết và càng không phải là người dân. Nếu nhà nước đứng ra giải quyết nợ xấu thì sẽ gây ra sự ỉ lại của các doanh nghiệp và các nhóm lợi ích.
- Để giải quyết nợ xấu ở Việt Nam, theo ông phải làm gì?
- Có nhiều kiểu nợ xấu khác nhau. Ví dụ như một doanh nghiệp cứ duy trì mãi một hệ thống sản xuất cũ kỹ, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng kém, không cạnh tranh được, thì phải tìm cách mà đóng cửa, giải thể đi chứ cứ dây dưa nhùng nhằng mãi làm gì. Rồi những doanh nghiệp đầu cơ bất động sản thua lỗ thì phải để chính họ chịu trách nhiệm chứ. Đó là những kiểu kinh doanh "đáng chết" thì không cần phải cứu. Chứ giờ nhà nước lại mua lại khoản nợ ấy thì ngân sách nào cho lại lại được, mà như thế thì ông doanh nghiệp sẽ lại còn lũng đoạn nữa.
- Ý ông là phải làm rõ từng khoản để giải quyết lần lượt?
- Đúng, tùy từng khoản nợ khác nhau mà có cách giải quyết khác nhau. Nợ xấu từ sản xuất, nợ xấu từ đầu cơ, nợ xấu từ chính sách nhà nước... Đâu là nợ xấu của ngân hàng, đâu là nợ xấu của doanh nghiệp, của bất động sản. Xuất phát từ nguyên nhân nào thì có giải pháp đó chứ đừng kêu gọi cả xã hội bỏ tiền ra mua nợ xấu. Không thể có chuyện ù ù cạc cạc, gom hết lại thành nợ xấu rồi để Nhà nước phải giải quyết được. 
- Vậy là cũng sẽ phải quy trách nhiệm nợ xấu của từng khoản, từng người?
- Đúng thế, ai làm người ấy phải chịu trách nhiệm chứ. Khi đã từng khoản rạch ròi thì ai đáng chịu lỗi phải phạt lỗi.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là phân bổ lại nguồn lực và phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp với xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường. Tiến độ thoái vốn còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp so với yêu cầu, phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên khó thu hút được các nhà đầu tư.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(1)

Minh Hiền

Tran Thien Binh

Cơ chế hình thành từ lợi ích nhóm..mới có các hoạt động ngoài nhiệm vụ chính. Và tàn nhẫn hơn, họ đã tự cho bản thân hưởng lương cao trên một cái nền khô cằn lợi nhuận. Chỉ tội nghiệp cho một vài Tỉnh Thành..đã phải oằn lưng gánh chi phí cho toàn xã hội mà không có được sự chia sẻ của họ - những doanh nghiệp Nhà Nước.