Đừng để người bệnh tâm thần ứng cử Quốc hội
Tại buổi thảo luận dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội chiều 5/11, nhiều đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã dành thời gian thảo luận việc khám sức khỏe đại biểu.
Đại biểu Trần Du Lịch bắt đầu vấn đề này bằng đánh giá: “Tôi thấy tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội đơn giản quá, nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”.
Ngay lúc đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) xin cắt lời: “Tôi đề nghị ứng viên phải khám sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần”.
|
Đại biểu Trần Du Lịch làm nóng Quốc hội với ý kiến: "Tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội đơn giản quá, nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”. |
Câu chuyện bàn về dự án luật này càng trở nên rôm rả khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải luật hóa về tiêu chuẩn sức khỏe và lý lịch tư pháp.
“Khám sức khỏe để ứng cử ĐBQuốc hội không phải như khám để thi bằng lái xe. Tôi để nghị phải trắc nghiệm về trình độ, thần kinh, tâm lý. Sau đó đạt chuẩn mới cho ứng cử”, đại biểu Nghĩa nói.
Lý giải cho quy định “ngặt nghèo” này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói nhiệm kỳ Quốc hội 5 năm là rất dài. Nếu thần kinh, tâm thần không ổn định thì sẽ rất khó lường.
Ngoài vấn đề này, các đại biểu TP HCM cũng đề nghị loại bỏ việc đi bầu giùm. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị người đi bầu phải trình thẻ cử tri và giấy tờ tùy thân chứng minh đó là mình. Tránh việc, sắp hết giờ bầu cử đi gõ cửa từng nhà, một người bầu chung cho cả xóm.
“99, 100% chẳng để làm gì nếu bầu giùm, bầu kém chất lượng”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề xuất đối với đại biểu Quốc hội trước khi tham gia nghị trường phải có giấy khám sức khỏe, để làm sao chứng minh đại biểu đó có đủ điều kiện tham gia các hoạt động ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
“Anh phải có đủ sức khỏe để ngồi trường kỳ khi thực hiện nhiệm vụ của mình chứ”, ông Khanh nói.
Cấm đặt tên con quá dài, quá xấu, siêu "dị"
Vừa qua, trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Hộ tịch, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nhung (Thanh Hóa) đề nghị Luật Hộ tịch cần quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho con phù hợp với văn hoá, tránh những cái tên xấu, quá dài, không thuần Việt.
Đại biểu Nguyễn Thị Nhung cho rằng, dự luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt, vì vậy, theo bà Nhung, nếu luật Hộ tịch không quy định xác định họ, dân tộc và nguyên tắc đặt tên thì cần xây dựng một luật mới là luật Đặt tên hay quy định rõ hơn trong bộ luật Dân sự sửa đổi sắp tới.
Theo bà Nhung, luật quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ dân tộc cho con phải phù hợp với văn hoá truyền thống, phong tục tập quán, tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp phong tục, tập quán.
Quan điểm của vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã gây ra nhiều tranh cãi, bên cạnh một số ý kiến đồng tình, thì có rất nhiều ý kiến lên tiếng phản đối, vì cho rằng đưa điều này vào luật là quá áp đặt. Đặt tên con thế nào là quyền của cha mẹ. Hơn nữa nếu làm luật này thật, sẽ lại có một ban thẩm định tên cho trẻ sơ sinh, quá rườm rà cho người dân và gây lãng phí cho ngân sách!
Bên cạnh đó, dư luận cũng cho rằng, cái tên là một quyền tự quyết của công dân mà ban thành quy định thì không hợp lý, thế chẳng lẽ đi đặt tên cho con thì phải xin phép và đem cái tên đi thẩm định? Đề xuất này phiền hà và gây rắc rối, tăng thêm thủ tục hành là chính!
Lương hưu nguyên Tổng GĐ Bia Huda Huế 65 triệu đồng/tháng
Thông tin trên được ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội tiết lộ trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi ngày 23/10 và ngay lập tức đã làm xôn xao nghị trường.
Cụ thể, trong phiên thảo luận tại hội trường về luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội đã chỉ ra những bất cập trong việc tính lương hưu hiện nay.
Người lao động tuy có mức lương thực tế cao nhưng lại đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ bản. Người lao động khi nghỉ hưu được hưởng 75% lương của trung bình 5 năm hoặc 10 năm lao động sau cùng.
Thông tin trước Quốc hội, Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: "Nếu được hưởng lương hưu bằng 75% của 5 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ thì hiện có 1 trường hợp rất đặc biệt là ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc nhà máy Bia Huda Huế hiện hưởng lương hưu 65,2 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều lương của Chủ tịch Quốc hội hiện nay".
Ông Bùi Sỹ Lợi nhận định trên thế giới, các nước thường không hình thành cơ chế tính hưởng lương hưu ở mức như Việt Nam.
“Về nguyên tắc, lương hưu được coi là khoản bù đắp cho hao phí lao động để hưởng khi tuổi già, lúc không còn sức lao động chứ không hướng đến việc phải sống đàng hoàng bằng lương hưu”, ông Lợi nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng dù trường hợp nhận lương hưu 65,2 triệu đồng của ông Minh là hợp lý nhưng xét ở góc độ chính sách xã hội thì không nhất thiết phải vậy.
Để hạn chế tình trạng này, Nhà nước đã quy định khoản đóng bảo hiểm không vượt quá 20 lần lương cơ sở. Và thực tế hiện nay, những người đang hưởng lương cao cũng chỉ tham gia đóng bảo hiểm ở mức tương đương lương tối thiểu vùng cộng thêm một tỷ lệ nhỏ 5-7%.
6,3 triệu người sẽ được tăng lương
Ngày 10/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2015, với 88,13% đại biểu tán thành. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 là 911.100 tỉ đồng (tính cả 10.000 tỉ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang thì tổng số thu là 921.100 tỉ đồng); tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 1.147.100 tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỉ đồng, tương đương 5% GDP.
Trong nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phân bổ chi Ngân sách nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát. Quốc hội yêu cầu Chính phủ không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu Ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế. Quốc hội giao Chính phủ điều hành chi Ngân sách nhà nước theo dự toán được giao; thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên; giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, đi công tác nước ngoài... Việc tổ chức đại hội Đảng các cấp cần bảo đảm tinh thần triệt để tiết kiệm.
Đối với nợ công, Quốc hội yêu cầu cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ. Cần tính đúng, tính đủ nợ công, không để vượt mức trần theo nghị quyết của Quốc hội (65% GDP); quản lý chặt chẽ nợ công, đặc biệt là các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, các khoản vay về cho vay lại. Tiếp tục các biện pháp cơ cấu lại những khoản vay. “Từ năm 2015, phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi Ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ” - nghị quyết nhấn mạnh.
Đặc biệt, nghị quyết đồng ý từ ngày 1/1/2015 thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Như vậy, khoảng 6,3 triệu người sẽ được tăng lương từ đầu năm 2015.
Đề xuất thêm hàm đại tướng công an
Theo dự thảo luật Công an nhân dân (sửa đổi) được trình QH ngày 6/11, cấp bậc hàm cao nhất của Thứ trưởng - Phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là đại tướng.
Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là cấp phó của Bộ trưởng Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác Đảng.
"Chức vụ giúp việc cần bố trí thấp hơn một bậc để đảm bảo thống nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước", Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nói, và cũng nêu rõ chức vụ này khác với chức vụ Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND đã được Hiến pháp quy định là do Chủ tịch nước bổ nhiệm, có trần quân hàm đại tướng.
Theo nguyên tắc cấp hàm cấp tướng của cấp phó phải thấp hơn cấp trưởng một bậc, đồng thời, thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc này, Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ này là thượng tướng, như các thứ trưởng khác.
Chính phủ cũng đề nghị quy định cấp bậc hàm trung tướng cho Giám đốc Công an Hà Nội và TP HCM. Thường vụ Quốc hội tán thành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của hai thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng.
Nhưng Giám đốc Công an của 6 tỉnh, thành phố trọng điểm khác (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai) vẫn có trần cấp bậc hàm là đại tá, không như đề xuất ban đầu của cơ quan soạn thảo là thiếu tướng.
Thảo luận dự thảo luật này, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, Đại biểu Vũ Chí Thực, chia sẻ tình cảm trước giờ phút trọng đại Quốc hội thảo luận lần cuối trước khi thông qua: "Dù còn nhiều sai sót, khuyết điểm, thậm chí vi phạm, nhưng chúng tôi cũng tự hào vì đã thực hiện tốt nhiệm vụ được nhân dân giao phó. Chúng tôi cám ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành những chế độ chính sách tốt nhất cho lực lượng vũ trang trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn".
Ông cho biết mấy chục vạn cán bộ chiến sĩ công an hy vọng luật sửa đổi sẽ khắc phục được những bất cập đang có, mà ông chia sẻ là "chạnh lòng khi nghe dư luận nói": "Người ta nói cơ quan điều tra sai nhiều quá, tôi khẳng định đây không phải vi phạm hệ thống hay bản chất của công an nhân dân, mà là lỗi nghiệp vụ, Bộ đang tìm cách khắc phục".
"Dân cũng nói công an lắm tướng thế, nhưng mỗi cấp bậc đều được phong qua một quy trình rất chặt chẽ", ông Vũ Chí Thực lưu ý những thách thức mà lực lượng công an phải đối mặt để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn muốn hạn chế số tướng trong công an. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận định Việt Nam là một trong số ít nước thừa nhận công an là lực lượng vũ trang, thì phải bố trí lực lượng tương đương với quân đội, nhưng "Đảng cũng đã nghe và chia sẻ với dân nên mới có chỉ đạo chặt chẽ về số lượng tướng trong quá trình sửa hai luật".
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề nghị xác định rõ tiêu chuẩn phong tướng, với cả công an và quân đội, về phẩm chất và năng lực, cũng như thành tích, rồi ấn định số lượng trong luật để "không còn băn khoăn".