Nguyên nhân bố chồng cứu con dâu bị điện giật chết ở nhà tắm?

Google News

Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Đỗ Đình Khôi và con dâu Phạm Minh Nga đã bị điện rò rỉ từ bình nóng lạnh truyền theo vòi hoa sen giật tử vong

Sáng qua (29/1), Đại tá Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng công an huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ cho biết, công an vừa kết luận về vụ việc 2 bố con bị điện giật chết trong nhà tắm gây rúng động dư luận địa phương những ngày qua.
Theo đó, ông Đỗ Đình Khôi (SN 1945) và con dâu là chị Phạm Minh Nga (SN 1975) - trú tại Khu 5 xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy - đã bị điện rò rỉ từ bình nóng lạnh truyền theo vòi hoa sen giật tử vong vào tối 24/1.
 Bình nước nóng đã trở thành thủ phạm trong nhiều vụ tai nạn thương tâm.
“Chiếc bình nóng lạnh hiệu Ariston đã được gia đình họ sử dụng nhiều năm trời và đã cũ. Theo lời của bà vợ ông Khôi nói với cơ quan điều tra thì buổi chiều hôm xảy ra sự việc, ông Khôi có tháo bình nóng lạnh ra để sửa chữa. Đến tối chị con dâu bật bình nóng lạnh rồi vào nhà tắm... Khi chị ấy dùng vòi hoa sen phun nước thì bị điện giật. Ông Khôi đang ngồi xem tivi ngoài phòng khách, thấy con dâu kêu ú ớ thì chạy vào kéo tay định lôi ra ngoài thì cũng bị giật bất tỉnh tại chỗ”- Đại tá Thạch cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng Công an xã Sơn Thủy, chiếc bình nóng lạnh hiệu Ariston được gia đình ông Khôi sử dụng từ năm 2004. Thời điểm xảy ra sự việc, 3 đứa con nhỏ của chị Nga cũng đang ở nhà. Tuy nhiên, rất may khi thấy ông nội và mẹ ngã ngửa trong nhà tắm, cả 3 cháu đã không vào ứng cứu ngay mà chạy sang nhà hàng xóm để hô hoán, báo tin nhờ giúp đỡ.
Đại tá Nguyễn Ngọc Thạch cho biết Công an huyện Thanh Thủy đã có văn bản gửi tới tất cả các xã, thôn xóm trên địa bàn để thông báo cho người dân biết về sự việc đau lòng này. “Chúng tôi đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác khi sử dụng các thiết bị điện. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị định kỳ và nên bật bình nóng lạnh trước 15-20 phút rồi tắt bình đi trước khi vào tắm để đảm bảo an toàn” - ông Thạch nói.
Nên kiểm tra thường xuyên
Theo một số chuyên gia về kỹ thuật điện, nhiều người dân quan niệm sai lầm rằng bình nóng lạnh có rơle tự ngắt thì có thể cắm điện suốt 24/24 giờ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rơle chỉ có nhiệm vụ điều khiển độ nóng của nước trong bình. Trong quá trình sử dụng, nhiệt độ nước trong bình thấp thì rơle tự động cấp điện; khi nhiệt độ nước cao thì rơle tự động ngắt chứ rơle này không có chức năng bảo vệ chống điện rò rỉ ra nước.
Ngoài ra, nhiều gia đình cũng không chú ý tới việc bảo dưỡng bình nóng lạnh sau một thời gian dài sử dụng. Thực tế cho thấy thiết bị nóng lạnh sau một thời gian sử dụng đều có thể bị ăn mòn, bong tróc gây rò điện.
Mặc dù nhiều model bình nóng lạnh hiện đại đã tích hợp thiết bị chống giật nhưng các chuyên gia vẫn khuyên người dân nên bật bình nóng lạnh trước 10-20 phút, tắt bình rồi mới vào tắm.
Nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh là đốt nóng nên không gây tốn điện trong quá trình khởi động như điều hòa hay tủ lạnh. Chính vì thế việc bật nóng lạnh suốt ngày gây tốn điện và dễ gây hư hỏng thiết bị hơn là việc khi nào cần dùng thì khởi động thiết bị trong 10-20 phút.
Theo NLĐ

Bình luận(0)