Nguyễn Mạnh Tường: “Nhiều tình tiết trong cáo trạng không đúng”

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi xin phép chủ tọa để quay xuống phía gia đình chị Huyền xin lỗi, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường nói rằng: “Nhiều tình tiết trong cáo trạng không đúng”.

Sáng nay (4/12), TAND TP Hà Nội mở lại phiên xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án Cát Tường. Từ sớm, lực lượng cảnh sát bảo vệ đã được huy động đến tòa tiến hành bảo vệ nghiêm ngặt. Khoảng 8h20, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh vẫn chưa được dẫn giải đến tòa.
Lực lượng an ninh bảo vệ tòa.
Khoảng 8h30, xuất hiện tại tòa, 2 bị cáo Tường và Khánh trông vẫn khỏe mạnh, mặc áo khoác đen thể thao. Tường tỏ ra khá căng thẳng. Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng có mặt tại tòa. 
Đến 8h30 ngày 4/12, bị cáo Tường và Khánh có mặt tại tòa.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa công bố bản cáo trạng dài 15 trang. Theo cáo trạng, 10 người là nhân viên của thẩm mỹ viện Cát Tường biết rõ việc bác sĩ Tường gây hậu quả chết người nhưng không tố giác với cơ quan chức năng. Tuy nhiên hành vi trên không cấu thành tội, cơ quan điều tra quyết định xử phạt hành chính.

9h55: trước khi trả lời tòa, bị cáo Tường xin phép chủ tọa để quay xuống phía gia đình bị hại xin lỗi. Tiếp đến bị cáo Tường nói rằng: “Nhiều tình tiết trong cáo trạng không đúng”.
Tại phiên tòa, bị cáo Tường khai, điều kiện mở thẩm mỹ viện phải gồm nhiều thủ tục như giấy phép hành nghề, phòng ốc, giấy phép hoạt động của Sở Y tế. Trong 3 vấn đề này, bị cáo chưa có giấy chứng nhận, đang chờ xin. "Về chuyên môn bị cáo có bằng thạc sĩ Y khoa, bằng sau đại học thẩm mỹ, chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình…", bị cáo nói.
10h10: Tiếp tục trả lời HĐXX, nguyên giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường khai, hút mỡ bụng chỉ là một thủ thuật nên không có quy định cấm.
Ngay lập tức tòa hỏi: “Bị cáo có nghiên cứu thông tư 41 của Bộ Y tế?”. Bị cáo Tường trả lời là có. “Trong phẫu thuật tạo hình có tạo hình lấy mỡ nhưng đây chỉ là thủ thuật hút mỡ”, bị cáo Tường nói.
Tòa hỏi tiếp: “Công thức pha thuốc cho các y tá làm trước khi phẫu thuật có làm theo quy chuẩn không? Bị cáo học được từ các giáo sư của Hàn Quốc, vậy công thức này có được đưa vào bài giảng ở Việt Nam hay không?”. Bị cáo Tường trả lời: “Chưa ạ. Bị cáo tự ứng dụng”.
Theo lời khai của Tường, khi đang đi lễ chùa, Tường được nhân viên y tá gọi thông báo sức khỏe chị Huyền có biểu hiện bất thường. Về đến trung tâm, thấy chị Huyền không có nhịp tim, Tường tiến hành cấp cứu, bơm thuốc trợ tim.
“Tại sao khi chị Huyền mất bị cáo không báo cơ quan chức năng và gia đinh bị hại?”, tòa hỏi. Bị cáo Tường nói muốn đưa chị Huyền vào bệnh viện Bưu Điện trước. Tường cũng cho biết không đưa vào viện Bạch Mai gần đó vì đông người.

Cũng theo lời khai của Tường, Khánh là người đề xuất ném xác chị Huyền xuống sông. Tòa hỏi: “Bị cáo có nhờ ai đi cùng không?”. Tường cho biết Tường điều khiển ô tô, có 4 người bê xác chị Huyền ra xe gồm Tường, Khánh, Công và Long. Trong quá trình đưa xác chị Huyền đi phi tang có 3 người là Tường, Khánh và vợ Tường. “Vợ bị cáo liên tục khuyên can, nhưng lúc đó tâm lý hoảng loạn nên không nghĩ được gì, chỉ nghĩ là Khánh có ý tốt với mình nên vẫn quyết định ném xác chị Huyền xuống sông.
Trước lời khai trên, chủ tọa nói: "HĐXX thấy bị cáo khai khác so với lời khai tại cơ quan điều tra". 
10h30: Sau khi xét hỏi bị cáo Tường xong và cho bị cáo này ngồi xuống, HĐXX tiếp tục xét hỏi y tá Hoa, Vân và Thư – nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường phụ giúp bác sĩ Tường trong ca phẫu thuật cho chị Lê Thị Thanh Huyền.
Tại tòa, y tá Vân phủ nhận lời khai của bị cáo Tường trước đó và nói: "Tôi và một số người đề xuất với chị Mai – Phó giám đốc thẩm mỹ viện gọi taxi đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng không được chấp nhận".
Còn chị Thư khai bản thân cùng với Vân, Hoa là người thay quần áo cho chị Huyền. "Chị Huyền mặc quần đen, áo hoa đen cộc tay không có cổ. Khi tìm thấy xác, cơ quan chức năng gọi chúng tôi đến nhận diện bộ quần áo".
Trong khi đó, chị Lê Thị Thúy Mai - Phó giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường cho rằng, bản thân làm theo chỉ đạo của bị cáo Tường.
Đến 10h40, HĐXX tiến hành xét hỏi bị cáo Khánh. Tại tòa, bị cáo Khánh khai, do được người anh họ giới thiệu nên tháng 9/2013 Khánh vào thẩm mỹ viện Cát Tường làm bảo vệ. “Bị cáo chỉ là người làm thuê giúp anh Tường. Khi đến Bệnh viện Bưu điện, bị cáo nói với Tường: “Anh là bác sĩ, người ta cũng là bác sĩ nên đều biết người cứng như này không đưa vào được đâu”. Khi đó anh Tường nói “hay đem đi vứt”, bị cáo mới đồng ý.
Như vậy, tại tòa, bị cáo Khánh đã phủ nhận lời khai của bác sĩ Tường trước đó.
11h25: Tòa tạm nghỉ, 13h30 chiều nay, tòa tiếp tục xét xử
Bố nạn nhân Huyền (người mặc áo trắng) có mặt tại cổng tòa.
Trong cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (nguyên Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị cáo buộc với 2 tội danh “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại khoản 2 điều 246 Bộ Luật Hình sự và “vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 3 điều 242 Bộ Luật Hình sự.
Bị cáo Đào Quang Khánh (bảo vệ của Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị cáo buộc với 2 tội danh “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại khoản 2 Điều 246 và “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ Luật Hình sự.
Bấm F5 để tiếp tục cập nhật...
Trước đó vào ngày 14/4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường. Sau đó lời khai của bị cáo Tường và những người có liên quan có nhiều điểm mâu thuẫn, nhiều tình tiết trong cáo trạng cần phải điều tra làm rõ. Vì vậy, Tòa tuyên bố dừng phiên tòa, trả hồ sơ điều tra lại.
Cơ quan tố tụng đã làm rõ hành vi vi phạm của các bị cáo. Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, khoảng 11h ngày 19/10/2013, bác sĩ Tường hút mỡ bụng rồi tiêm mỡ vào dưới hai bên ngực để nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền dẫn đến hậu quả chị Huyền bị tử vong vào chiều cùng ngày.
Sau khi chị Huyền bị tử vong, Đào Quang Khánh đã lợi dụng lúc nhân viên của TMV Cát Tường là Bùi Thị Hoa - được giao nhiệm vụ quản lý tài sản của chị Huyền đi ra ngoài, Khánh đã lấy trộm chiếc điện thoại iPhone5 của chị Huyền (trị giá 12 triệu đồng).
Đến khoảng 23h30 cùng ngày, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh đã khiêng xác chị Huyền ra ô tô của Tường để chở đến Bệnh viện Bưu điện.
Khi đến cổng bệnh viện, Tường thấy có nhiều người và xác chị Huyền đã bị cứng nên cả hai bàn nhau mang xác chị Huyền đi vứt. Tường đồng ý với đề xuất của Khánh nên cả hai mang xác nạn nhân lên cầu Thanh Trì, vứt xuống sông Hồng.
Gia đình nạn nhân và các cơ quan chức năng đã tiến hành tìm kiếm vô cùng vất vả, gần một năm sau thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền mới được tìm thấy.
Trong vụ án này, gia đình nạn nhân kê khai chi phí cho việc tìm kiếm xác chị Huyền hết hơn 600 triệu đồng.
Viện KSND TP Hà Nội đánh giá hành vi mở thẩm mỹ viện của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường khi chưa được phép là vi phạm Luật khám chữa bệnh.
Khi nạn nhân tử vong, Tường và Đào Quang Khánh đã không đưa xác đến bệnh viện, không thông báo cho gia đình nạn nhân mà vứt xác xuống sông để trốn tránh trách nhiệm, che giấu hành vi phạm tội.
Hành vi phạm tội của Tường và Khánh đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với xã hội và gia đình nạn nhân, gây phẫn nộ trong dư luận nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh người thầy thuốc và uy tín của ngành y tế.
Đồng thời việc phạm tội của bác sĩ Tường đã gây tổn thất, thiệt hại to lớn về tinh thần, vật chất đối với gia đình nạn nhân và cơ quan nhà nước trong quá trình điều tra vụ án, tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tòa phải xét xử nghiêm minh vụ án để răn đe, giáo dục chung.
Trước khi vụ án xảy ra, Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai và đã mở Thẩm mỹ viện Cát Tường (tại số 45 đường Giải Phóng, P.Đồng Tâm, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) để hoạt động hút mỡ bụng, bơm ngực làm đẹp cho phụ nữ. Tuy nhiên cơ sở này chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
Tiến Dũng

Bình luận(0)