Nghìn lẻ mánh khóe của các trùm tín dụng đen

Google News

(Kiến Thức) - Vì sao biết tín dụng đen đầy rủi ro, nguy hiểm mà nhiều người vẫn đổ xô gửi tiền cho các trùm vay nặng lãi, để rồi dẫn đến cảnh trắng tay, tan cửa nát nhà, đổ bệnh...

Dường như những vụ vỡ nợ tín dụng đen gây rúng động dư luận thời gian qua vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh người dân. Vì sao biết tín dụng đen đầy rủi ro, nguy hiểm mà nhiều người vẫn đổ xô gửi tiền cho các trùm vay nặng lãi? Những tên trùm vay này có mánh khóe, "quái chiêu" gì mà có thể dụ được hàng triệu USD từ tài sản, đất đai, nhà cửa đến những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của bị hại?
Về vợ chồng tên trùm vay nặng lãi Nguyễn Văn Chung – Tạ Bích Liên (ở TP Lạng Sơn), trao đổi với báo chí, hầu hết nạn nhân của tên trùm vay nặng lãi này đều khẳng định, vợ chồng Chung – Liên là người sống khá kín tiếng, giản dị, không “ầm ĩ”, khoa trương thể hiện… như các trường hợp vỡ nợ đã từng xảy ra trước đấy.
Thay vì nhà lầu xe hơi, vàng bạc đeo kín cổ, thành lập công ty này nọ hay vẽ các dự án… như các “siêu lừa” khác, ngoài chiếc xe ô tô cũ kỹ trị giá chừng 200 triệu đồng, ba căn nhà cấp bốn trên ba ô đất nằm trên mặt đường Bà Triệu, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn là tài sản duy nhất vợ chồng Chung – Liên “phô” ra mà ai cũng nhìn thấy.
Một nạn nhân trước căn nhà của vợ chồng Chung - Liên ở thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Tiền Phong.
Các bị hại ở thời điểm hiện tại hầu hết là bà con khu phố, hàng xóm, gần nhà với Tạ Bích Liên. Từ năm 2010 đến nay, những người này đã trở thành các “đại lý cấp 2” đi huy động tiền sau đó “hùn” cho Liên thành đầu mối. Như vậy, nhiều bị hại cũng là người đi vay nặng lãi.
Để lấy được lòng tin của bà con trong khu phố, trong những buổi tối hàng xóm tụ tập ở nhà nhau uống nước buôn chuyện, Tạ Bích Liên hay thủ thỉ kể đang làm vụ này, vụ kia hời lắm và hỏi có ai làm cùng không. Khi nghe Tạ Bích Liên nói đang làm vụ đáo nợ ngân hàng, một số người bắt đầu tò mò. Thời điểm đó cách đây 3 năm, đang lúc kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khan hiếm tài chính nên nhiều người có nhu cầu vay tiền đáo hạn ngân hàng. Để hàng xóm hoàn toàn tin tưởng, Liên đã nhiều lần trực tiếp dẫn một số người đến ngân hàng chứng kiến việc mình thực hiện các giao dịch, và cho họ thấy mối quan hệ của Liên với các ngân hàng rộng rãi như thế nào. Sau vài lần như vậy thì nhiều người hoàn toàn tin tưởng.
Các nạn nhân của vợ chồng Chung – Liên không chỉ dốc hết tài sản để đưa cho 2 tên trùm này, mà còn huy động tiền từ người thân, bạn bè để hùn cho Chung – Liên. Có gia đình chưa đầy 3 năm đã đưa cho vợ chồng Chung – Liên 65 tỷ đồng. Những lao động bình dân, gia đình công nhân viên chức cả đời chỉ dành dụm được vài chục tới trăm triệu đồng cũng giao hết cho Chung – Liên, để rồi trắng tay, than khóc khi cặp vợ chồng này bỏ trốn.
Đến bây giờ, khi vợ chồng Chung – Liên đã bị bắt giam, khởi tố, nhiều bị hại vẫn băn khoăn không biết một số ngân hàng có liên quan gì trong vụ này không, vì cứ có Liên dẫn tới ngân hàng làm việc thì các tài sản của bị hại được thế chấp và vay vốn rất dễ dàng.
Còn với trùm vay nặng lãi Trương Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Phương Nam, chiêu “vơ” tiền của bà này cũng cao tay không kém. Bà Yến đã lấy danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập Phương Nam và lý do vay tiền đầu tư vào trường. Trong nhiều giấy vay nợ của bà Yến đều có chữ ký và đóng dấu của trường này. Ngoài việc trả lãi suất cao lên tới 6%/tháng (tương đương 72%/năm), bà Yến còn hứa cho chủ nợ có quyền lợi trong việc tham gia cổ đông và kinh doanh giáo dục cùng những việc “hái ra tiền” khác từ trường THPT Dân lập Phương Nam như thầu căng tin, trông giữ xe... Ngoài việc vay tiền của bạn bè, người thân quen, bà Yến còn vay tiền và mượn sổ đỏ của cả cán bộ, giáo viên trong trường. Vì cả nể, hơn nữa bà Yến lại là bà chủ của trường, nên có giáo viên cho bà Yến mượn đến hai cuốn sổ đỏ để bà này thế chấp vay tiền bên ngoài.
Ham lãi suất cao, nhiều người đã trở thành "con mồi" trong vụ vỡ nợ tín dụng đen do bà chủ trường THPT Dân lập Phương Nam cầm đầu. Ảnh: Công An Nhân Dân.
Để lấy lòng tin của mọi người, bà Yến còn trưng ra một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của trường lên tới gần 3.000m2, nói rằng giá trị của miếng đất này cả nghìn tỷ đồng. Nhưng do còn thiếu tiền để hoàn thiện thủ tục cầm cố ngân hàng vay vốn nên bà Yến đề nghị vay thêm tiền. Bà này nói chỉ cần cầm cố được miếng đất của nhà trường là sẽ hoàn trả tất cả khoản nợ và cho chủ nợ vay lại nữa. Nhiều người khi thấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tin sái cổ. Có không ít người cho bà Yến vay trong khoảng thời gian tới 5 năm (từ năm 2008 tới 2013) với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Với tên trùm vay nặng lãi Lê Thị Tương ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh, các "quái chiêu" lừa đảo của ả chủ yếu dựa vào “võ mồm” nhưng cũng khiến bao gia đình tan cửa nát nhà.
Lê Thị Tương đã dựa vào một số mối quan hệ quen biết, tìm hiểu kỹ gia cảnh, tài sản của họ rồi dùng lời đường mật nói là chỗ chị em, muốn giúp họ làm ăn, kiếm tiền. Khi thấy “con mồi” có vẻ hứng thú, Tương hăng hái vẽ ra các “dự án”, như mua đất bán lại kiếm lời, bán đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước cho các nạn nhân, nói dối là đất người khác nhờ bán. Dựa hơi chồng làm trong nghề xây dựng, Tương lấy lý do cần tiền hùn cho chồng làm công trình ngắn hạn để vay tiền với lãi suất cao, mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cắm lấy tiền… Nhưng thực chất, sau khi nhận được tiền thì Tương đưa đi trả nợ vay trước đó cho người khác và chi tiêu cá nhân. Cứ thế khi người này đòi thì Tương lại lấy của kẻ khác đập vào.
Trường hợp vợ chồng trùm vay nặng lãi Tạ Việt Quang và Bùi Thị Quyên (ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) thì càng khiến người dân khu vực, bạn bè “sốc nặng” khi họ ôm tiền bỏ trốn.
Trong con mắt của nhiều người, cặp vợ chồng này cũng như doanh nghiệp Quang Quyên (Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên) mà vợ chồng này mở ra được xem là thành đạt. Chỉ trong 8 năm hoạt động, Công ty Quang Quyên đã sở hữu 2 salon bán xe ô tô ở phố Tây Sơn và Nguyễn Thái Học. Lúc cao điểm, trong 2 salon có trên dưới 30 xe ô tô con và xe du lịch; 1 cửa hàng đại lý xe ô tô tải ở khu vực cầu Gáo, xã Đan Phượng; 1 cửa hàng vàng bạc. Hồ sơ quản lý của Chi cục Thuế huyện Đan Phượng thể hiện doanh nghiệp Quang Quyên thực hiện khá đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Giám đốc Tạ Việt Quang nhiều năm là thành viên câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ của Đan Phượng…
Tuy nhiên, những “thành tích” lừa đảo của họ cũng “bất hảo” không kém. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Quang - Quyên bị cơ quan điều tra chứng minh qua 3 “phi vụ”. Thứ nhất là mượn sổ đỏ của người quen để thế chấp vay tiền, thứ 2 là thuê xe ô tô của doanh nghiệp rồi đem bán lấy tiền. Thứ 3 là bán đất rồi nhưng vẫn đem miếng giấy chứng nhận quyền sử dụng của chính miếng đất đó để thế chấp vay tiền.
Nhìn chung, mánh khóe của các trùm tín dụng đen dù có “muôn hình muôn vẻ” thế nào thì chung quy lại cũng chỉ từng ấy thủ đoạn, thế nhưng bao nhiêu nạn nhân vẫn cứ lao vào. Những kẻ vay nặng lãi vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm, lòng tự trọng đáng lên án thật, song những chủ nợ cũng thật đáng trách khi vì lòng tham mà rơi vào cảnh tan cửa nát nhà.
Đông Nhiên (Tổng hợp)

Bình luận(0)