Ở xứ Thanh đang có chuyện nực cười, 12 con dê cấp cho hộ nghèo không biết tại sao lại được chở thẳng vào trang trại nhà ông Bí thư huyện ủy.
Báo Lao động mới đây cho biết một câu chuyện rất buồn cười như sau: Huyện Thạch Thành và Thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có ký kết với nhau một chương trình kết nghĩa hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện miền núi.
Theo đó, ngày 3/6/2013, UBND thị xã Bỉm Sơn đã bàn giao cho huyện Thạch Thành 24 con dê giống để phân cho 6 hộ nghèo ở xã Thành Yên. Tuy nhiên chỉ có 12 con dê là đến được với các hộ nghèo, còn 12 con còn lại, được chở thẳng về trang trại nhà ông Đỗ Minh Quý - Bí thư huyện ủy.
|
Đàn dê đi nhầm vào trang trại nhà ông Bí thư huyện ủy. |
Lý giải cho việc chuyển dê vào nhà ông Bí thư huyện ủy, ông Trương Văn Gương - Chủ tịch UBND xã Thành Yên cho biết: “Thì đưa vào đó có điều kiện chăm sóc vì trang trại của bác ấy đã có hơn 70 con dê. Tại Trạm trưởng khuyến nông huyện phân bổ thế, xã thấy cũng chẳng đáng là bao nên cũng ký xác nhận”.
Gớm chửa, cái lý do lý trấu của các vị cán bộ đưa ra nghe sao mà khéo léo, ngọt ngào và kín kẽ. 12 con dê có đáng là bao, trang trại của ông Bí thư huyện ủy đang có sẵn 70 con dê, đưa về cho nó theo đàn.
12 con dê này, tiếc một cái là chúng chẳng biết nói năng, chứ giá kể chúng mà nói được như người, thì thể nào các ông xã cũng bảo: “Chúng tôi đã xin ý kiến các anh dê rồi, các anh ấy không phản đối” cũng nên.
Thế có khổ cho dân không, 24 con dê giống phân về cho hộ nghèo để giúp họ xóa đói giảm nghèo, thế mà mất 1 nửa số dê đi nhầm địa chỉ, vậy là nước chảy chỗ trũng, dân nghèo vẫn hoàn nghèo.
Sự vụ này cũng là do người dân bức xúc tố cáo ra, và ngày 13/1 vừa qua, huyện đã tổ chức lấy dê từ trang trại ông Bí thư huyện ủy ra để phát lại cho dân nghèo. Tức là hơn nửa năm yên vị trong nhà ông huyện, dê mới tìm được về đúng với chủ.
Ông Bí thư huyện ủy bảo: “Biết là có dê vào trang trại nhưng tôi nhầm với dê của một dự án khác, chứ không biết đó là dê hỗ trợ giảm nghèo của Bỉm Sơn”. Chính ông Quý đã chỉ đạo cấp dê ngay lại cho các hộ nghèo sau khi biết thông tin vào ngày 12/1.
Theo thống kê, xã Thành Yên có 840 hộ, thì có tới 252 hộ nghèo, vậy mà 12 con dê này thật là tệ bạc, chúng không biết tìm đúng hộ nghèo mà về lại chọn vào trang trại nhà ông Bí thư huyện ủy làm gì để bây giờ ông phải mang tai mang tiếng?
Chuyện 12 con dê đi nhầm vào nhà ông Bí thư huyện ủy này, xét cho giá trị vật chất không đáng là bao, nhưng từ đó suy ra, có rất nhiều điều không ổn trong chủ trương xóa đói giảm nghèo.
Tại sao có
những hộ dân mãi nghèo, nghèo tới mức con cái không có miếng cơm mà ăn, không có tiền đi học, là bởi những cơ hội nhỏ nhặt nhất thế này bị nhầm địa chỉ.
Một con dê giống đối với hộ nghèo là cơ hội để họ thoát khỏi ngõ cụt của sự nghèo, vô cùng có ý nghĩa, nó có là gì so với đàn dê đã có sẵn 70 con trong trang trại nhà ông Bí thư huyện ủy đâu? Vậy mà các cán bộ xã cũng không nương tay, cũng phải chở về nhà ông huyện cho kỳ được mới thôi.
Ông huyện thì bảo mình nhầm, nhưng ông xã không nhầm, ông trưởng trạm khuyến nông huyện cũng không nhầm, chẳng qua là họ thấy chẳng tội gì phải lo cho những hộ dân đói rách, họ phải lo cho quyền lợi của chính họ trước đã.
Không biết còn những nơi nào có chuyện như ở Thạch Thành mà vẫn chưa bị phát hiện ra?
Nông dân, hộ nghèo, những người chân lấm tay bùn quanh năm vất vả kiếm miếng ăn, nhưng quyền lợi của họ thì bao giờ cũng dễ bị thương tổn nhất. Được con dê giống thì nó đi nhầm vào trang trại nhà ông bí thư. Làm ra được nông sản thì bị xử ép đến nỗi phải đổ trắng ra ngoài đường như rác cũng không ai đoái hoài, thương xót.
12 con dê đi nhầm địa chỉ là một vụ “tai nạn” không mong muốn, bởi chúng là những cơ thể sống, lại còn lắm mồm lắm miệng, đi tới đâu cũng be be lên thì vụ “nhầm nhọt” của ông huyện mới bị lộ ra. Còn những vụ “đi nhầm” địa chỉ khác của những bất động sản, hay tiền vàng - những thứ cả đời không hé răng, thì dân nghèo đành chịu chết.
12 con dê đi nhầm nhà, chuyện tưởng không may nhưng mà lại hóa may, bởi nó giúp cho chúng ta nhìn rõ hơn những chuyện thường ngày của một số ông cán bộ.