Một gia đình nhận nuôi gần 400 người điên

Google News

(Kiến Thức) - Ngày đưa bệnh nhân tâm thần về nhà nuôi, hàng trăm người trong xã kéo đến nhà chị Tươi nhòm ngó với ánh mắt hiếu kỳ. Họ nói rằng, "bà Tươi bị điên nên mới nhận người tâm thần về nuôi".

Mượn sổ đỏ thế chấp nuôi người điên
Trong một lần đi làm từ thiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị Trần Thị Tươi, khu 11, thôn Thanh Bình 1, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) gặp một người đàn ông bị bệnh tâm thần. Do thường xuyên đập phá, đuổi đánh những người trong gia đình nên người đàn ông này bị xích chân tay, nhốt vào cũi sắt, trần truồng như nhộng, hôi thối bẩn thỉu. Nhìn phận người nghiệt ngã, chị Tươi bỗng rơi những giọt nước mắt xót xa. Từ trong thâm tâm, chị liền nảy sinh một quyết định táo bạo, nhận người này về nuôi như một tình thế cứu vãn sự sống cho một mạng người.
 Những bệnh nhân trong trại điên nam.
Ngày đưa bệnh nhân tâm thần về nhà nuôi, hàng trăm người trong xã kéo đến nhà chị nhòm ngó với ánh mắt hiếu kỳ. Họ nói rằng, "gia đình bà Tươi bị điên nên mới nhận một người tâm thần về nuôi". Căn nhà gỗ chật chội 4 người ở nay nhường riêng một phòng cho người bệnh tâm thần. Điều kỳ lạ là người này không đập phá hay đuổi đánh người như trước đây mà ngoan ngoãn nghe lời, ăn rồi nằm ngủ.
Từ đó, trong những lần theo đoàn đi làm từ thiện, mỗi khi gặp người điên, bị gia đình hắt hủi, đối xử tàn bạo, chị Tươi lại nhận đem về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc như một thành viên trong gia đình. Năm 2006, số người mắc bệnh tâm thần trong nhà chị Tươi đã lên tới gần chục người. Để có đủ cơm gạo, thuốc men, quần áo và những đồ dùng thiết yếu phục vụ người điên, gia đình chị Tươi đã phải chạy vạy nhiều nơi kêu gọi sự giúp đỡ, viện trợ của các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước. Chồng chị Tươi là anh Bùi Văn Thu cũng nghỉ hẳn công việc đồng áng, hằng ngày ở nhà giúp vợ chăm sóc những mảnh đời nửa tỉnh, nửa mê.
 Bệnh nhân trong trại điên nữ.
Căn nhà gỗ chật chội được xây cất cách đó vài chục năm không thể đủ điều kiện chăm sóc, ăn ở, chị Tươi quyết định xin UBND huyện Đức Trọng lập cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức, mở rộng quy mô chăm nuôi người bệnh tâm thần. Có được quyết định trong tay, gom hết tài sản trong nhà cũng không đủ, chị Tươi phải mượn cả sổ đỏ của con, cháu, cầm cố ngân hàng vay mượn tiền, cùng với quyên góp của các "Mạnh Thường Quân" xây dựng nhà ăn, ngủ, sân chơi…. mỗi thứ hai nhà, dành cho bên nam và nữ, quy mô rộng hàng nghìn mét vuông, trị giá hàng tỷ đồng.
Mái nhà gần 400 người điên
Trước mắt chúng tôi là mái nhà của gần 200 người điên nam, họ được đưa đến đây từ nhiều vùng miền trong và ngoài tỉnh. Người có thân nhân, gốc tích rõ ràng, người thì tình cờ “nhặt” được ở đầu đường xó chợ. Có một điều kỳ lạ là những người mắc bệnh tâm thần, khi ở chung cùng gia đình họ đều đập phá, đuổi đánh người thân nhưng khi đưa về cơ sở họ lại trở nên hiền lành, ngoan ngoãn như một đứa trẻ.
Ông Trần Thu Nam, một người phụ trách việc trông coi người điên ở cơ sở Trọng Đức kể lại, có người điên to cao, nặng tới trên 100kg, khi đưa xuống cơ sở phải 12 công an đi theo áp tải. Tay chân bệnh nhân đều bị còng, xích chằng chịt, hễ ai tới gần đều bị người này đánh đến mức phải nhập viện cấp cứu. Trước khi bắt đưa bệnh nhân về cơ sở, hai cảnh sát cơ động đã bị đánh trọng thương. Khi thấy ông Nam lại gần mở cánh cửa xe để đưa bệnh nhân này vào nhà, mấy chiến sĩ công an hét toáng lên vì sợ ông Nam sẽ bị đánh. Thế nhưng, không hiểu sao người điên này lại ngoan ngoãn chịu để ông Nam dìu vào nhà trước sự ngỡ ngàng đến kinh ngạc của mọi người. Cũng chính ông Nam là người mở còng, xích ra khỏi người bệnh nhân, đem lên cân thì nặng tới gần 36kg.
 Anh Lương nay đã khỏi hẳn nhưng vết sẹo ở chân tay do bị xích vẫn còn in rõ.
Có người mắc bệnh tâm thần, bị người nhà còng xích chân tay cả chục năm trời, nhốt trong cũi sắt, khi được đưa tới cơ sở Trọng Đức đã hoàn toàn bại liệt, không thể bước đi nổi, thậm chí tay chân nơi bị còng xích thịt đã thối rữa, ăn sâu tới tận xương như trường hợp của anh Trần Hoàng Lương. Đến nay, anh Lương đã hoàn toàn khỏi bệnh. Anh không trở về nhà mà tự nguyện ở lại phục vụ người bệnh. Anh Lương kể lại, anh đi bộ đội, bị địch bắt giam, đánh đập dẫn đến hoang tưởng, điên khùng. Khi về nhà, anh thường đuổi đánh người thân, gia đình đã xích tay chân anh lại nhốt vào cũi sắt suốt cả chục năm trời khiến tay chân bị liệt, cổ tay, cổ chân thịt bị thối rữa vì xích.
Rời trại nam, chúng tôi đến trại nữ cách đó vài khoảng 300m, trại do em trai chị Tươi quản lý. Ở đây, cũng gần 200 bệnh nhân tâm thần nữ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc. Vừa bước vào trại, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi một bệnh nhân còn rất trẻ đã “tiếp chuyện” chúng tôi một loạt câu hỏi bằng tiếng Anh rất chuẩn xác. Bệnh nhân này tên Quyên, 26 tuổi, quê ở Đồng Nai, trông Quyên khá tỉnh táo nhưng vẫn thể hiện những cử chỉ “hồn nhiên” của một người điên. Chị cho biết, khi đang học đại học tại TP.HCM thì mắc chứng bệnh đau đầu, không nhận thức được, gặp ai cũng chửi mắng, đuổi đánh nên được gia đình gửi đến đây để chữa bệnh, sau nửa năm vào đây bệnh của chị đã giảm đi nhiều.
Nhiều người giả điên để được ăn ở
Ông Đinh Văn Hải, một người quản lý ở trại nam cho biết, khi mới thành lập, cơ sở đã phát hiện không ít trường hợp giả điên để được vào trại ăn ở, có người phục vụ. Những trường hợp này ngay khi được phát hiện đã bị đuổi ra khỏi trại.
 Các bệnh nhân còn được theo dõi bằng camera.
Hiện chi phí mỗi ngày của hai trại cho gần 400 người dao động từ 10 – 12 triệu đồng. Toàn bộ chi phí này đều là sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Mỗi cơ sở hiện có 7 người chuyên trách, ngoài ra còn có 50 người làm việc không thường xuyên, họ là những phụ nữ đã khá lớn tuổi tại địa phương tự nguyện thay phiên nhau tới giúp đỡ cơ sở vào các giờ cơm hàng ngày.
Chị Trần Thị Tươi cho biết, đến nay sức chứa của cơ sở đã có phần quá tải. Tuy nhiên, có những trường hợp không nhận cũng không được, bởi sáng sớm thức dậy đã có người bệnh bị xích chân tay đứng chờ sẵn ở cổng. “Mục đích thành lập cơ sở là để chăm sóc những người mắc bệnh tâm thần mà gặp những trường hợp như vậy lại không nhận thì lương tâm mình để đi đâu. Nhưng rồi, khi nhận thì cơ sở lại vượt quá số người mà nhà nước cho phép” – chị Tươi trăn trở.
 Mua xe cứu thương phục vụ cộng đồng.
Mới đây, nhờ sự giúp đỡ của các "Mạnh Thường Quân", cơ sở Trọng Đức đã mua một chiếc xe cứu thương về phục vụ những bệnh nhân và bà con trong xã trị giá 160 triệu đồng. Ông Đinh Văn Hải, người phụ trách chiếc xe cho biết, sẽ phục vụ bà con hoàn toàn miễn phí, một “cắc” cũng không nhận đối với những trường hợp khó khăn. Ông Hải cũng hóm hỉnh: “Nhưng tôi cầu mong cho chiếc xe này ế khách đến mức phải… đắp chiếu!”.
Nói về cơ sở Trọng Đức, ông Phạm Thanh Quan, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, từ khi thành lập, cơ sở đã hoạt động rất bài bản, là chỗ dựa vững chắc cho những người mắc bệnh tâm thần và gia đình họ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là người bệnh ngày một nhiều mà sức chứa của cơ sở này lại có hạn nên đang bị quá tải. Về phần này, bà Trần Thị Tươi cho biết nếu được sự cho phép của chính quyền địa phương, gia đình sẽ kêu gọi các "Mạnh Thường Quân" trong và ngoài nước đầu tư, mở rộng quy mô để phục vụ người bệnh nhiều hơn nữa.
Khắc Lịch

Bình luận(0)