Liên quan đến tuyên án tử hình dành cho Dương Chí Dũng của Viện Kiểm sát, Luật sư Trần Đình Triển, một trong ba luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng cho rằng, HĐXX không có căn cứ để tuyên Dương Chí Dũng phạm vào 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”. Trên cơ sở đó, không thể tuyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng.
Trước hết, về những sai phạm của Dương Chí Dũng trong việc phê duyệt, triển khai dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, việc đầu tư, tổ chức đấu thầu, khảo sát, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M, luật sư Triển cho rằng, Dương Chí Dũng có sai, nhưng đó là cái sai có hệ thống. Bởi Dũng chỉ là một thành viên của HĐQT, Dũng đã ký vào các văn bản nhưng trên cơ sở thống nhất của HĐQT chứ không phải với tư cách cá nhân. Cái sai của Dũng là đã giao công việc cho cấp dưới nhưng không theo dõi sát sao, dẫn đến việc mua phải ụ nổi đã cũ nát, không sử dụng được.
|
Dương Chí Dũng bình thản tại tòa. |
Luật sư Triển cũng cho biết, qua xác minh từ Dương Chí Dũng, số tiền mua ụ nổi (19,5 triệu USD) không phải tiền từ ngân sách Nhà nước, mà là tiền do Vinalines tự huy động. Do vậy, việc mua ụ nổi không phải qua đấu thầu là đúng.
Cũng liên quan đến thủ tục mua, nhập khẩu ụ nổi 83M, trong bản cáo trạng đề nghị truy tố khẳng định rằng: Ụ nổi là tàu biển, Vinalines đã nhập khẩu ụ nổi 83M không đúng trình tự nhập khẩu tàu biển nên đã vi phạm pháp luật.
Về điều này, luật sư Triển khẳng định các văn bản pháp quy hiện hành, trong đó có Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam năm 2003 khẳng định rằng, ụ nổi không phải là tàu biển và thủ tục nhập khẩu của Vinalines không theo quy trình nhập khẩu tàu biển là không sai. Trước đó, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao và đại diện Bộ Giao thông Vận tải có mặt tại tòa cũng đã khẳng định, ụ nổi 83M không phải là tàu biển.
Trên cơ sở lập luận trên, luật sư Triển cho rằng, Dương Chí Dũng đã làm sai nhưng không phải là lỗi cố ý, bởi vậy, sẽ là đúng nếu tòa phán quyết Dũng phạm tội "Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng". Tòa tuyên tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" là không đủ căn cứ.
Về tội tham ô tài sản, theo Luật sư Trần Đình Triển, chưa có đủ bằng chứng để kết luận Dương Chí Dũng tội tham ô tài sản, mà có chăng chỉ là hối lộ và nhận hối lộ.
Ông Triển phân tích, trước hết, qua xác minh từ đại diện ngân hàng Citibank tại tòa, sau khi số tiền 9 triệu USD mà Vinalines chuyển cho Công ty AP (thanh toán tiền mua ụ nổi 83M) là thuộc sở hữu của Công ty AP, chứ không phải tiền của Vinalines nữa, công ty AP có quyền chi tiêu số tiền này. Bởi vậy, không thể nói là Dương Chí Dũng đã tham ô tài sản. Nếu là tham ô tài sản thì phải có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của Nhà nước, của đơn vị mình đang quản lý. Giả sử, Dương Chí Dũng có được Công ty AP chuyển cho một phần nào đó thật, thì đó cũng là tài sản của Công ty AP. Như vậy, cùng lắm là xét xử Dũng về tội nhận hối lộ. Nhưng nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ. Vậy người đưa hối lộ sao không đưa ra tòa?
“Tôi chưa thực sự tâm phục khẩu phục với bản án này”, Luật sư Trần Đình Triển nói.
Ông Triển cho biết: “Điều chúng tôi đặt ra tại tòa là phải trân trọng mạng sống của con người cho dù họ là ai, nếu đủ yếu tố cấu thành chứng cứ đầy đủ thì xử tử hình. Nhưng trong trường hợp này chưa đủ chứng cứ mà bằng chứng quan trọng nhất là Việt Nam với Nga đã ký hợp đồng tương trợ tư pháp về mặt hình sự. Việt Nam với Singapore đều tham gia vào Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự khối các nước ASEAN tại sao cơ quan tố tụng không làm ủy thác tư pháp và chờ kết quả đó để chứng minh rằng, số tiền đó là ai thương lượng và ai nhận số tiền đó để xử nghiêm minh và đúng người đúng tội".
Theo luật sư Triển, theo quy định của pháp luật, ai cũng có quyền kháng án và ông tin rằng Dương Chí Dũng sẽ thực hiện việc kháng án.
Vậy, những phân tích trên của luật sư Triển có hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành hay không? Để rộng đường dư luận, Kiến Thức sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các luật sư về vụ việc này.