Lê Văn Luyện bất ngờ “tấn công” báo chí

Google News

Luyện nói giọng gay gắt: "Báo chí nói sai về em nhiều lắm!".

Luyện nói giọng gay gắt: “Báo chí nói sai về em nhiều lắm!".

[links()]Không chỉ vùi dập tương lai của bản thân mình, Luyện còn chà đạp lên tương lai, danh dự của cả gia đình, dòng họ. Chỉ vì những ham muốn tội lỗi, hắn đã tạo nên cảnh ly tán đảo điên, đẩy hết thảy già trẻ lớn bé từ ông nội, bà nội, cố nội đến đứa em ruột 4 tuổi nói chưa “tròn vành, rõ chữ” vào cơn bĩ cực, ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai.

Cha đi tù, mẹ lang thang, cầu bơ cầu bất…, nhưng điều khiến hắn day dứt nhất là đứa em trai tên Long, vì hắn mà phải lỡ dở việc học hành, đi phụ hồ chui lủi, tương lai mờ mịt…

Luyện kể, ngày trước, thỉnh thoảng hắn cũng tiếc mình đã bỏ học quá sớm. Mỗi khi nhìn chúng bạn đồng trang lứa vẫn còn tung tăng cắp sách tới trường, hắn cũng cảm thấy tủi hờn đôi chút. Chính vì lẽ đó, hắn mới rời quê đi “làm ăn xa”. Bởi, hắn không muốn bạn bè cười nhạo rằng, hắn bỏ học chỉ để làm “thằng mổ lợn”! Hắn sợ “mất mặt” với bạn bè.

Lê Văn Luyện: “Em ân hận vì đã làm lỡ dở việc học hành của em trai!”
Lê Văn Luyện: “Em ân hận vì đã làm lỡ dở việc học hành của em trai!”

 

Nhưng điều rất dễ nhận ra, giờ đây, Lê Văn Luyện đã dần trút bỏ cái vẻ “giang hồ vặt” đi rất nhiều. Ngày trước, hắn luôn cố tỏ ra cứng cỏi, bất cần. Hắn thường “nói cứng” với báo chí, với dư luận rằng mình dám làm dám chịu, rằng mình “đáng ngàn lần tội chết” để như muốn “thể hiện bản lĩnh đàn ông”. Ngay cả cái chuyện hắn đã run như cầy sấy khi đối diện với làn sóng người căm phẫn gào thét, nguyền rủa, muốn “ăn tươi, nuốt sống” trong suốt hai lần bị đưa ra tòa xét xử, hắn giấu biệt, mãi đến giờ mới chịu nói ra. Phải chăng, hắn đã bị khuất phục khi đứng trước tòa ngang dãy dọc ở trại giam?

Trung tá Cao Đức Trung, người có hơn 30 năm công tác tại Trại giam số 3, cho rằng, bất cứ phạm nhân nào, dù có lưu manh, tàn độc đến đâu cũng phải run sợ khi đứng trước pháp luật, đứng trước những bản án nghiêm minh. Quãng thời gian cải tạo trong trại giam sẽ giúp những kẻ một thời lầm lỡ đó suy ngẫm lại những tội lỗi trong quá khứ để thay đổi nhận thức, suy nghĩ, lối sống lệch lạc của mình. Mặc dù, cũng có không ít những phạm nhân cứng đầu, cứng cổ khiến cán bộ quản giáo phải bỏ rất nhiều công sức để giáo dục, cảm hóa.

Trung tá Cao Đức Trung, người có hơn 30 năm công tác tại Trại giam số 3: “Bất cứ phạm nhân nào, dù có lưu manh, tàn độc đến đâu cũng phải run sợ khi đứng trước pháp luật, đứng trước những bản án nghiêm minh”.
Trung tá Cao Đức Trung, người có hơn 30 năm công tác tại Trại giam số 3: “Bất cứ phạm nhân nào, dù có lưu manh, tàn độc đến đâu cũng phải run sợ khi đứng trước pháp luật, đứng trước những bản án nghiêm minh”.

Ám ảnh bởi tội ác của mình

Cũng theo Trung tá Trung, mỗi phạm nhân ngày đầu nhập trại, khi vừa mới bị cách ly với xã hội bên ngoài, họ thường hay có tâm lý buồn chán. Đây là quãng thời gian mà họ day dứt, ân hận nhiều nhất về những sai lầm, tội ác mà mình đã gây ra. Bởi, lúc này họ mới ý thức sâu sắc được cái giá phải trả và ý nghĩa cuộc sống tự do mình vừa đánh mất. Đó cũng là lúc họ rất cần đến sự giáo dục, uốn nắn, định hướng tư tưởng từ các cán bộ trại giam. Thế cho nên, đã có hàng ngàn, hàng vạn phạm nhân bắt đầu hành trình phục thiện của mình từ Trại giam số 3, từ cái “bến hoàn lương” đóng trên khoảnh rừng có tên gọi Vực Rồng này.

Lê Văn Luyện cũng không là ngoại lệ. Mặc dù nhiều lúc, hắn vẫn cố tình “lên dây cót” trấn an mình, nhưng thực chất, kể cả khi đã yên vị trong cái trại giam nơi rừng xanh núi đỏ, khi không còn vướng bận bởi nỗi lo bị dính “đòn thù”, thì cũng là lúc hắn bị ám ảnh dữ dội nhất bởi tội ác mình đã gây ra.

Luyện kể rằng, thời gian gần đây, đêm hắn thường hay giật mình tỉnh giấc vì mơ thấy ác mộng. Có lẽ, ngay bản thân hắn cũng quá kinh sợ, ám ảnh bởi tội ác mà mình đã gây ra. Thế cho nên, một sát thủ có gương mặt lạnh lùng, lạnh như rắn rết, lạnh như lưỡi hái tử thần kia cũng đến lúc phải run sợ, phải ăn năn hối cải. Hắn ngồi co ro góc phòng thăm gặp ở trại giam để nói mãi với tôi về những nỗi lo sợ đó.

Và, cũng kể từ khi vào trại, không còn bị bấn loạn bởi những mưu mô, toan tính, Luyện đã có “những bước chuyển mình” trong suy nghĩ. Nào là thương ông bà nội già nua, nghèo khó; thương mẹ và em hắn “gianh tre, nứa lá” thế kia biết lấy đâu tiền tỷ để đền bù, và họ sẽ sống ra sao giữa bốn bề dư luận? Nhưng, điều bất ngờ hơn cả trong suốt buổi chiều trò chuyện, Luyện bắt đầu “tấn công” báo chí…

Báo chí nói sai về em nhiều lắm!

- Vào trại, Luyện làm công việc gì?

- Em làm ở đội sản xuất lông mi giả.

- Làm có khó không?

- Em mới tập được ít ngày nên làm cũng không nhanh lắm, chỉ bằng một nửa so với các phạm nhân khác. Còn hình thức chắc đạt 70%, có cái làm ra em cũng thấy đẹp! (cười)

“Có sản phẩm em làm ra trông cũng đẹp!”
 
“Có sản phẩm em làm ra trông cũng đẹp!”
“Có sản phẩm em làm ra trông cũng đẹp!”


- Có định cố gắng học thành tài để khi mãn hạn tù thì lập nghiệp bằng nghề này không?

- Em cũng chưa biết, thời gian còn dài mà! Nhưng em thấy nghề này cũng hay hay.

- Khi còn ở ngoài đời Luyện làm gì?

- Làm linh tinh, khi thì theo người ta đi xây, khi thì phụ bố mẹ thịt lợn. Em cũng hay đi chơi…

- Luyện tiêu tiền vào việc gì?

- Đi uống cà phê, đi chơi với bạn, đánh bài… (giọng chuyển sang gay gắt). Mà em thấy báo chí nói sai sự thật nhiều lắm!

- Nói sai như thế nào?

- Họ nói em chơi game thiếu tiền nên mới đi cướp tiệm vàng.

- Không đúng à? Thế Luyện đi cướp để làm gì?

- Em cần tiền để “chuộc” xe với tiêu xài thôi!

- Xe “cắm” bao nhiêu tiền?

- Dạ, 5 triệu, cả tiền lãi chắc khoảng gần 7 triệu.

- Thế mà vác ba lô đi cướp tiền tỷ?

- Em mang ba lô đựng dao phớ, đèn pin với mấy thứ linh tinh. Đến khi thấy nhiều vàng quá, em lấy hết.

- Lấy hết để có tiền bỏ trốn à?

- (Im lặng)

- Luyện thấy báo chí còn nói sai điều gì nữa?

- Nói mẹ em bị dở người, bị thần kinh bỏ đi lang thang…

- Thế Luyện nghĩ mẹ mình có bị điên không khi con trai giết người hàng loạt?

- (Im lặng suy nghĩ rồi như chợt nhớ ra)… Họ còn bịa ra chuyện em trai em mang vàng bỏ trốn vào trong Nam. Nó sợ bị người ta trả thù nên mới tránh đi thôi.

- Đã có nhiều phóng viên, nhà báo vào trại gặp Luyện chưa?

- Từ ngày về đây (Trại giam số 3) thì em mới gặp anh, hồi còn ở “Trại Kế”, Bắc Giang thì gặp khoảng 20 - 30 nhà báo.

- Ít thế thôi à? Tưởng ngày ở ngoài đó Luyện phải gặp nhiều nhà báo lắm chứ?

- Thấy “thầy” (cách gọi nôm na đối với cán bộ trại giam) ở trại giam bảo, báo viết về em có cả vài nghìn bài, em gặp làm sao được nhiều nhà báo thế để họ viết?

- Luyện có hay đọc các bài báo viết về mình không?

- Ít lắm, ngày trước các “thầy” không cho đọc, sợ em hoang mang.

- Thế giờ đã bớt hoang mang, yên tâm cải tạo chưa?

- Dạ, rồi!

Nếu biết không bị tử hình, em đã không bỏ trốn!

- Thế Luyện biết dưới 18 tuổi thì không bị “dựa cột” từ khi nào?

- Lúc gặp luật sư.

- Khi đó có mừng không?

- Cũng bình thường, tại em vẫn chưa tin lắm. Đến khi ra tòa em vẫn sợ bị tử hình cơ mà, tại vì tội mình nặng quá. Em sợ “người ta thay đổi”…

- Gia đình có ai biết trước là Luyện sẽ thoát “án tử”?

- Mãi về sau mới biết, chứ đầu tiên ai cũng nghĩ em bị tử hình nên mới để em trốn.

- Lúc chạy trốn Luyện mang theo những gì?

- Chỉ có một bộ quần áo, mấy bao thuốc lá với 200 nhân dân tệ.

- Ai cung cấp những thứ đó cho Luyện?

- Dạ, chú em.

- Thế còn vàng mang theo?

- Em không dám bán vì sợ bị lộ.

- Khi bị bắt có sợ không?

- Có ạ! Lúc ở trong “trại Kế” cũng thế, càng gần đến ngày phải ra tòa, em càng sợ. Với lại, em cũng lo người ta trả thù gia đình mình, may mà hôm đấy có nhiều công an…

Dù Lê Văn Luyện cũng có đưa ra một số “quan điểm” để phản pháo báo chí, nhưng thực chất, hắn cũng thừa hiểu rằng, không chỉ riêng báo chí lên án, gia đình nạn nhân căm phẫn, mà hắn còn bị toàn xã hội tẩy chay vì hành vi phạm tội mất nhân tính của mình.

(Theo Công Lý)

Bình luận(0)