Làm chính sách giả ở Nam Định: Hơn 10 năm “ăn chùa”

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, ông Trần Văn Long ở xã Nghĩa Hồng vẫn ung dung hưởng tiền chính sách suốt từ năm 2003 đến năm 2014.

Mặc dù không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, nhưng ông Trần Văn Long ở xã Nghĩa Hồng vẫn ung dung hưởng tiền chính sách suốt từ năm 2003 đến năm 2014. Khi cơ quan chức năng thanh tra, ông Long đã được “cán bộ” khuyên chủ động làm đơn xin thôi hưởng chế độ da cam.
Ăn cám hay sao mà dại thế?
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Văn Long ở xóm Võ, xã Nghĩa Hồng theo sự chỉ dẫn của cán bộ Lao động - Thương binh & Xã hội của xã. Chỉ có hai ông bà già sống trong ngôi nhà cấp 4, rộng khoảng 3 gian và một ngôi nhà ngang cũ kỹ. Nền nhà lát gạch hoa và đầy đủ tiện nghi. Ngay trước sân nhà ông Long là ngôi nhà hai tầng mới xây xong của người con trai út.
Khi thấy chúng tôi tìm đến, bà Phạm Thị Đậu, vợ ông Long thận trọng hỏi chúng tôi tìm ông Long có việc gì? Bà cũng nói ông Long đang đi vắng, nếu giúp được gì thì mới gọi ông ấy về. Sau khi nghe chúng tôi nói tìm ông Long hỏi về việc tại sao lại bị đình chỉ hưởng chế độ chính sách, bà Đậu sau vài phút ngần ngại đã sai người con gái đi tìm ông Long về. 
Lam chinh sach gia o Nam Dinh: Hon 10 nam “an chua”
Ông Trần Văn Long, người tự nguyện xin thôi hưởng chế độ da cam. 
Trong lúc chờ đợi, bà Đậu kể trước về hoàn cảnh gia đình. Mới bắt đầu kể bà đã rơm rớm nước mắt than nghèo kể khổ. Theo lời bà thì từ khi bị đình chỉ chế độ chính sách đến nay, hai ông, bà phải cặm cụi vất vả. Đến cái điện thoại cũng không có mà dùng. Ông Long thì bị bệnh gút khiến các khớp ngón chân, tay đau nhức thường xuyên. Ngoài ra, ông còn bị tai biến mạch máu não cách đây vài năm nên không làm lụng được gì. Mặc dù đau nhức nhưng ông vẫn phải bê chậu phân ra ngoài đồng gieo cho lúa.
Đợi khoảng 15 phút sau, ông Long cũng đi làm đồng về. Gặp chúng tôi, ông cũng rơm rớm nước mắt rồi mời khách lạ vào nhà. Ông Long và bà Đậu ngồi một bên, chúng tôi ngồi một bên. Thỉnh thoảng, ông Long nói đến đoạn nào đó “nhạy cảm" bà Đậu lại lấy tay véo đùi chồng.
Bà Đậu bảo: “Tại hồi đó ông nhà tôi khiếp quá nên mới làm đơn rút”. Ông Long tiếp lời: “Tôi bị cán bộ gọi lên, họ bảo tôi nên làm đơn rút sớm. Nhiều người đã làm thế rồi nên tôi cũng nghe lời rút theo. Khi biết tên tôi rút, bạn bè ai cũng bảo là dại, ăn cám hay sao mà dại thế”. Nói đến đây, mắt ông Long lại ngân ngấn nước.
Lam chinh sach gia o Nam Dinh: Hon 10 nam “an chua”-Hinh-2
 Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Nam Định, “chốt chặn” quan trọng để ngăn ngừa nạn da cam giả liệu có “vô tình” để lọt các hồ sơ như của ông Long? 
Cán bộ tên là Mạnh bảo làm hồ sơ mà hưởng chế độ (?)
Theo lời ông Long thì vào khoảng năm 2003, có một cán bộ tên là Mạnh bảo ông làm hồ sơ mà hưởng chế độ chính sách. Ông đồng ý rồi được ông Mạnh cùng bạn bè, đồng đội cũ hướng dẫn cho làm hồ sơ. Lúc làm hồ sơ thì bạn bè của ông viết cho chứ ông không biết chữ. Một thời gian sau thì ông Mạnh gọi lên hưởng lương.
Từ khi bị đình chỉ hưởng chế độ chính sách, ông Long suốt ngày thẫn thờ. Hằng ngày, ông cố gắng ra đồng, ruộng hoặc tìm việc gì đó làm cho khuây khỏa. Thỉnh thoảng, lại có người ở đâu đó đến xã rồi gọi ông lên hỏi về chuyện tại sao lại làm đơn xin thôi hưởng chế độ và thông tin đơn vị cũ. 
Trong lúc nói chuyện, ông Long và bà Đậu liên tục kêu cuộc sống khó khăn, thậm chí không có tiền mà chữa bệnh. Tuy nhiên, khi được hỏi về ngôi nhà hai tầng rộng rãi, khang trang của người con út ngay trước mặt và việc ông bà ở cạnh con thì lo gì chuyện chữa bệnh, không để ông Long kịp mở lời, bà Đậu nói trước: “Nhà chỗ này chật chội, lại đông người. Các em nó dành dụm mãi, cộng thêm đi vay mượn mới có tiền xây được ngôi nhà”. Đến đây, bà Đậu lại kể về chuyện gia gia đình khó khăn, ốm đau.
Được biết, ông Long đã hưởng chế độ trợ cấp chất độc màu da cam với mức dưới 61%, tương ứng số tiền là 1.549.000đ. Tính ra, mỗi năm ông Long được hưởng số tiền tương ứng là gần 19 triệu đồng. Trong 10 năm qua, ông Long đã hưởng số tiền gần 190 triệu đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là trường hợp ông Trần Văn Long, có người sẽ cho rằng, nếu điều tra hết, số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt của Nhà nước phải lên đến hàng trăm, thậm chí chục ngàn tỷ đồng.
Lam chinh sach gia o Nam Dinh: Hon 10 nam “an chua”-Hinh-3
Ông Trần Minh Huy, cán bộ chính sách xã hội xã Nghĩa Hồng. 
Không thể trả lại tiền cho Nhà nước?
Theo lời kể của ông Trần Văn Long thì ông bị tai biến mạch máu não nên người cứ lú lẫn. Thế nhưng, ông vẫn nhớ được là ông nhập ngũ tháng 2/1972 và xuất ngũ năm 1977, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Tuy nhiên, thông tin đơn vị như đại đội, tiểu đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn trực thuộc... ông không còn nhớ một tí gì vì “lú lẫn”.
Ông kể lại: “Hồi năm 2003, bạn bè tôi cũng làm nhiều, các đồng đội tôi còn đó, hiện cũng hưởng chế độ chính sách như tôi. Ai cũng làm như thế!”.
Khi chúng tôi hỏi về việc, nếu đồng đội ông còn nhiều, sao không nhờ họ xác nhận cho, rồi tìm lại đơn vị cũ để xác minh, ông Long chầm chậm nói: “Giờ biết đâu mà xác nhận, bạn bè còn đó nhưng đơn vị cũ đã mấy lần tách rồi nhập, ai biết chỗ nào mà tìm”. Chúng tôi nói: “Ít nhất là ông cũng có thể nhớ lại tên đơn vị cũ”, ông Long ngồi im không nói gì.
Đợi vài phút lặng im, chúng tôi hỏi tiếp: “Ông chơi với ông Hiền (Phạm Đức Hiền) lâu chưa?”, ông Long ngoảnh mặt ra ngoài cửa rồi bảo: “Biết thôi! Cũng nghe người ta đồn ông ấy làm hồ sơ này nọ”. Nghe chồng nói đến đoạn này, bà Đậu luồn tay qua ghế véo mạnh vào đùi ông Long ra hiệu không nói nữa. Chúng tôi nói: “Bác không cần phải ra ám hiệu với nhau thế. Cứ để bác trai nói tiếp đi”. Bà Đậu giải thích: “Tại tuổi già, đau xương đau khớp gãi đùi chồng thế thôi”. Nói rồi, hai người lại tiếp tục kể gia cảnh nghèo khổ.
Vì làm đơn xin thôi hưởng chế độ chất độc màu da cam nên ông Long đã bị cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ việc hưởng chế độ dành cho người bị nhiễm chất độc hóa học màu da cam. Ông Long phải hoàn trả lại số tiền đã truy lĩnh cho Nhà nước. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận, số tiền lương đã nhận được trong nhiều năm qua đã tiêu hết, cuộc sống khó khăn, không biết chết lúc nào nên không thể trả lại tiền cho Nhà nước.
Ông Trần Minh Huy, cán bộ chính sách xã hội xã Nghĩa Hồng cho biết: “Có 9 trường hợp bị đình chỉ hưởng chế độ chính sách và buộc phải trả lại tiền cho Nhà nước với số tiền hàng trăm triệu đồng. Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/4/2014. Tuy nhiên, đến nay xã vẫn chưa thu được đồng nào từ những đối tượng này”.
Quách Dương

Bình luận(1)

Minh Hiền

Nguyễn Thu

làm giả chính sách này thì Nam Định giỏi lắm cứ thử về xã nghĩa Hùng huyện Nghĩa Hưng mà kiểm tra còn khối người khỏe manhjk giàu có chạy tiền để được hưởng chế độ thương binh chính sách ưu đãi dành cho những người thực sự cống hiến xương máu cho tổ Quốc chiếm dụng tiền của nhà nước