Liên quan đến vụ làm chính sách giả ở Nam Định, các cơ quan chức năng liên quan ở tỉnh Nam Định khẳng định: Việc xác minh hồ sơ đối tượng da cam thật – giả thế nào và nguyên nhân gây bệnh thần kinh ngoại biên là rất khó. Thế nhưng, việc “khó” như vậy mà tại sao chính quyền tỉnh Nam Định vẫn làm được và làm rất tốt? Có hay không việc một số cán bộ đã “nhập nhèm đánh lận con đen” trong làm hồ sơ da cam để trục lợi?
“Đánh lận con đen”
Liên quan đến việc số hồ sơ đề nghị hưởng chế độ chất độc hóa học màu da cam có bệnh thần kinh cấp tính và bán cấp tính cao bất thường tại tỉnh Nam Định, phóng viên đã có buổi làm việc với những người trực tiếp liên quan là cán bộ chuyên trách các khoa Thần kinh và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Minh Hà, cán bộ phụ trách Khoa Phục hồi Chức năng cho biết: “Tôi nhận phụ trách khoa từ tháng 4/2013 đến nay nhưng không tiếp nhận bệnh nhân thần kinh ngoại biên nào. Nếu có thì chỉ ở khóa trước, mà cán bộ trưởng, phó khoa trước đây đều đã nghỉ hưu hoặc chuyển đến nơi khác ở”.
Một số cán bộ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định lại khẳng định: Phần lớn người bị thần kinh ngoại biên đều cầm bản “sao” bệnh án (bệnh án gốc lưu trữ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Nếu cần xác minh đối tượng có đúng là đã điều trị tại bệnh viện hay không thì không khó, chỉ cần biết mã số bệnh án, thời gian điều trị là tìm ra bệnh án gốc. Nếu “soi” tìm bản sao bệnh án mà không có trong hồ sơ lưu trữ thì đó là bệnh án giả. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại lời của ông Nguyễn Văn Hà, người chuyên chạy hồ sơ da cam giả đó là bệnh nhân có đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định để khám bệnh. Nhưng phần lớn hồ sơ bệnh án lại ghi năm 2008 hoặc 2010. Tại sao lại có chuyện này?
|
Phần lớn bệnh án của đối tượng đề nghị hưởng chế độ chất độc hóa học màu da cam đều do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp. |
Theo lời của một số người dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định thì họ không rõ động cơ của việc này là gì. Những đầu mối chạy hồ sơ da cam gọi lên đi khám, người dân làm theo rồi cầm bệnh án về bổ sung vào hồ sơ xin hưởng chế độ, mọi việc do đầu mối lo hết.
Vấn đề đặt ra là nếu có, ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc làm khống bệnh án? Ông Hoàng Ngọc Hà, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Nam Định bày tỏ: Đa phần các hồ sơ bệnh án ghi thời gian từ 2010 trở về trước, mà những cán bộ phụ trách thuộc các khoa Thần kinh và Phục hồi Chức năng thời đó đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác hết.
Như vậy, phải chăng trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng bệnh án khống để hưởng chế độ là của những cán bộ đã nghỉ hưu? Liệu một số cán bộ đã nghỉ cũng có liên quan đến vấn đề hồ sơ da cam giả? Nếu theo lời ông Nguyễn Văn Hà thì có thể cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấu kết với các đối tượng xấu làm khống hồ sơ bệnh án với thời gian từ 2010 trở về trước nhằm tạo vỏ bọc an toàn và lẩn tránh trách nhiệm trước cơ quan điều tra theo kiểu “nhập nhèm đánh lận con đen”.
|
Mặc dù việc xác minh hồ sơ và nguyên nhân gây bệnh thần kinh ngoại biên là rất khó nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định vẫn quyết định cho rất nhiều người hưởng chế độ chính sách. |
Đổ lỗi vòng quanh
... Đó là khẳng định của một số cán bộ chức năng tỉnh Nam Định về việc xác định đối tượng có bị phơi nhiễm chất độc hóa học màu da cam dẫn đến mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính hay không.
Bà Phạm Thị Thúy, Phó khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, đồng thời là giám định viên chuyên sâu của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Nam Định cho biết: Chức năng khám chữa bệnh thần kinh ngoại biên thuộc về Khoa Thần kinh. Khi khám bệnh, nếu phát hiện bệnh nhân bị thần kinh ngoại biên thì bác sĩ phải đưa ra kết luận về bệnh tật. Mặc dù vậy, việc xác định nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh ngoại biên là rất khó. Không chỉ có bệnh thần kinh ngoại biên mà nhiều loại bệnh khác cũng khó xác định nguyên nhân vì sao gây bệnh.
Điều không ít người ngạc nhiên là tại sao việc xác định nguyên nhân dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính khó vậy mà vẫn có nhiều hồ sơ được làm? Trả lời câu hỏi này, một số cán bộ thuộc Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cho biết là thực hiện theo các quy định của Nhà nước như Nghị định 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư Liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLDTBXH ngày 18/11/2013 về việc hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ...
Theo đó, thay vì xác định nguyên nhân gây bệnh thì cơ quan chức năng sẽ xét đến các yếu tố liên quan như có tham gia chiến tranh hay không? Có hoạt động ở vùng bị nhiễm chất độc hóa học hay không?... Nếu có tham gia hoạt động cách mạng tại vùng nhiễm chất độc hóa học mà bị thần kinh ngoại biên thì coi như bệnh đó do chất độc hóa học gây nên.
Để chứng minh đối tượng có tham gia cách mạng tại vùng bị nhiễm chất độc hóa học hay không phải có các loại giấy tờ chứng minh như huân, huy chương, thẻ Đảng viên... Trong khi đó, ông Hoàng Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Nam Định lại khẳng định là rất khó xác minh những loại giấy tờ này là thật hay giả.
Như vậy, dư luận có thể đặt nghi ngờ về độ chính xác trong việc thẩm định hồ sơ đối tượng xin hưởng chế độ chất độc hóa học. Hóa ra, các cấp thẩm định hồ sơ da cam không làm được nhiệm vụ chính của mình là xác định đối tượng có đúng bị nhiễm chất độc hóa học hay không rồi mới quyết định cho hưởng chế độ. Đây có thể là kẽ hở rất lớn tạo điều kiện cho một số cán bộ tha hóa, biến chất cấu kết với kẻ xấu để làm giả các loại giấy tờ chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
“Tình trạng bệnh thần kinh ngoại biên cao bất thường trong các hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ chất độc màu da cam cao bất thường không chỉ riêng ở huyện Nghĩa Hưng mà tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều như thế. Đây là hiện tượng bất thường cho nên tỉnh đang tạm dừng xét duyệt hồ sơ đề nghị hưởng chế độ chất độc hóa học, đồng thời, tỉnh đã báo cáo việc này lên Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Người có công và Sở Y tế để xin ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, đến nay Sở Lao động - Thương binh & Xã hội vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo nào từ phía các cơ quan kể trên”.
Ông Hoàng Đức Trọng (Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Nam Định)