Kiện mất heo: lên đến TAND tối cao và đi vào... thơ

Google News

(Kiến Thức) - Tòa sơ thẩm tuyên bà Gái thắng. Tòa phúc thẩm lại tuyên con heo nái thuộc quyền sở hữu của bà Thọ. Vụ kiện mất heo nái hiện lên đến TAND tối cao và đi vào... thơ của tổ dân phố.

Mặc dù đã qua hai cấp xét xử, bản án đã có hiệu lực, đối tượng tranh chấp (con heo nái) cũng không còn nữa, vụ tranh chấp con heo nái kéo dài suốt một năm qua giữa bà Đỗ Thị Gái (49 tuổi) và Nguyễn Thị Thọ (50 tuổi) ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk (Đắk Lắk) vẫn chưa có hồi kết.

Mới đây, TAND tối cao và VKSND tối cao vừa có văn bản thông báo đã nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm bản án số 135/2012/DSPT, ngày 12/11/2012 của TAND tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, cho biết thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc Vụ 5, (Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự) của VKSND Tối cao.

 Chuồng heo nơi con heo nái động dục nhảy ra ngoài rồi mất tích


Theo hồ sơ vụ án, trong lúc cô giáo Đỗ Thị Gái đã hoàn tất các thủ tục pháp lý chờ ngày toà đưa vụ án tranh chấp con heo nái ra xét xử thì bà Thọ tuyên bố con heo nái đã...đột ngột chết. 

Theo bà Thọ, heo nái đốm hai bên đang tranh chấp đến 4h30 sáng 11/7/2012 đã đột ngột chết không rõ nguyên nhân. Sau khi sự việc xảy ra, bà Thọ cho biết có gọi điện báo cho ông Vượng tổ trưởng khu phố Đoàn Kết, thị trấn Liên Sơn nơi bà sinh sống. Thế nhưng, ông Vượng lại cho rằng bà Thọ có gọi cho ông vào lúc 7h46 sáng 11/7/2012,  nhưng chỉ nói: “Heo em đẻ rồi, đẻ được 8 con”. Do lúc này con heo đang được tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên ông Vượng bảo bà Thọ gọi báo cơ quan chức năng ngay. 

Khoảng 8h cùng ngày, khi cán bộ tòa án huyện Lắk xuống kiểm tra thì con heo nái đã không còn ở chuồng nhà bà Thọ. Bà Thọ giải thích con heo nái đã chết sau khi sinh, nhưng vì tiếc của nên bà đã bán cho một người khác với giá hơn 900 nghìn đồng.

Ngày 27/9/2012, TAND huyện Lắk đã mở phiên tòa xét xử vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản” với sự tham dự của hàng trăm người dân địa phương vì đây là một vụ kiện khá hi hữu. 

Tại phiên tòa, bà Thọ vẫn khẳng định con heo nái đang tranh chấp này là heo của gia đình bà đã nuôi từ nhiều tháng nay. Nguồn gốc con heo được bà Thọ cho biết là do ông Nguyễn Văn Báu (em trai bà Thọ, ngụ tại xã Tría, huyện Lắk) đổi cho gia đình bà vào ngày 4/3/2012 từ hai con heo khác.
 Bà Thọ cho biết con heo nái này là của bà đổi từ em ruột


Trong khi đó, anh Lê Thái Trãi, người đã bán con heo nái cho bà Đỗ Thị Gái lại khẳng định, con heo giữa bà Gái và bà Thọ đang tranh chấp chính là con heo mà anh đã bán cho bà Gái trước đó. Anh Trãi tâm sự: “Tôi vốn làm nghề hàng xeo, khi mua con heo nái đó về thì phát hiện nó đang mang thai nên không thể giết mổ mà bán lại cho cô giáo Gái. Khi cô Gái tìm thấy con heo của gia đình mình bên chuồng nhà bà Thọ và hai bên phát sinh tranh chấp, cãi vả quyết liệt thì tôi có qua xem rồi nhận ra ngay đây chính là con heo trước đó tôi đã bán cho gia đình cô giáo Gái”. 

Bà Nguyễn Thị Yến, một người hàng xóm của bà Gái cũng quả quyết 100% đây chính là con heo nái của gia đình cô giáo Gái. Theo bà Yến, sở dĩ có được khẳng định chắc nịch như trên là vì những ngày cô Gái có công việc đột xuất không về nhà thường nhờ bà sang cho con heo này ăn nên bà nhớ rất kỹ những dấu vết nhận dạng.
 
Căn cứ vào những chứng cứ có trong hồ sơ, đối chiếu lời khai hai bên tại tòa cùng các nhân chứng, TAND huyện Lắk đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của bà Đỗ Thị Gái, yêu cầu bà Nguyễn Thị Thọ phải trả cho cô Gái 4,1 triệu đồng (giá trị con heo) và 600.000 đồng chi phí định giá cùng tiền án phí.
 
Không chấp nhận kết quả giải quyết của TAND huyện Lắk, bà Nguyễn Thị Thọ ngay sau đó đã có đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 12/11/2012, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa phúc thẩm, tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp con heo nái này. Tuy nhiên, lần này phần thắng lại thuộc về gia đình bà Nguyễn Thị Thọ. Bản án phúc thẩm số 135/2012/DSPT, ngày 12/11/2012, HĐXX nhận định rõ: “Cấp sơ thẩm không yêu cầu cơ quan thú y xác định heo đã có thai hay chưa, thuộc loại heo lai gì, heo bao nhiêu vú...”;

Do heo mẹ đã chết nên không thể thu thập chứng cứ bổ sung để làm rõ...”. Cuối cùng, HĐXX kết luận “không có cơ sở vững chắc” nên đã bác đơn khởi kiện đòi lại con heo nái của cô giáo Đỗ Thị Gái, buộc cô Gái phải chịu án phí và tiền định giá con heo.

Cho rằng mình bị tòa cấp phúc thẩm xét xử oan sai, ngay sau khi kết thúc phiên tòa, cô Gái liền phóng xe gắn máy một mạch từ trên tỉnh về nhà làm đơn đề nghị TAND và VKSND tối cao giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk.
 Bài thơ xuất hiện sau vụ kiện hi hữu

Ở khu phố Đoàn Kết, thị trấn Liên Sơn, mỗi khi có người nhắc tới vụ tranh chấp con heo nái giữa gia đình cô Đỗ Thị Gái và bà Nguyễn Thị Thọ mọi người liền xúm lại bàn tán xôn xao bởi sự ly kỳ và hi hữu của nó. Bản chất sự việc đùng sai như thế nào nhưng sau vụ kiện này, tại thị trấn Liên Sơn liền xuất hiện một bài thơ lục bát có tựa đề “Bây giờ heo ở nơi đâu?”, phía dưới bài thờ đề: “Tập thể tổ dân phố Đoàn Kết” có nội dung khá dĩ dỏm. 

Xóm tôi có chuyện nực cười
Có cô giáo Gái là người siêng năng
Suốt ngày lặn lội lăng xăng
Tính nuôi heo nái để tăng đồng tiền
Thế mà cũng chẳng được yên
Đến kỳ động dục heo liền nhảy ra
Gần đấy khoảng cách không xa
Có bà hàng xóm nhận là heo mình
Thế rồi mọi chuyện rối tinh
Tòa huyện đã xử phân minh vẹn toàn
Đối phương xảo trá tham gian
Đa mưu túc kế cầu tòa cấp trên
Tòa tỉnh xét xử chẳng nên
Cuối cùng Gái chẳng được đền con heo
Bà kia đắc trí cười gieo
Ấm ức, tức giận Gái theo đến cùng
Khó khăn chẳng quản ngại ngùng
Trình đơn gửi đến khắp cùng nhiều nơi
Mong sao giải quyết kịp thời
Chờ lâu không thấy mọi người lo âu
Bây giờ heo ở nơi đâu?
Để cho gia chủ thêm sầu vấn vương.

Khắc Lịch

Bình luận(0)