Không chấp nhận thiếu ý thức chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc làm sai các chi tiết nhỏ trong hàng hóa là thủ đoạn gửi thông điệp chủ quyền phi pháp tại Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, người Việt mắc phải lỗi đó là tiếp tay cho Trung Quốc?

Mặt hàng nhỏ, ý đồ lớn

Từ đầu tháng 2 (dịp giáp Tết Nguyên Đán) đến nay vô số hàng xuất xứ Trung Quốc in sai thông tin chủ quyền Việt Nam được tuồn vào thị trường trong nước như: đèn lồng có chữ tam sa, chậu cây cảnh, sổ, lịch, quả địa cầu in bản đồ Việt Nam không có Trường Sa, Hoàng Sa. Những mặt hàng này tuy nhỏ nhưng nó thể hiện âm mưu, tham vọng lớn của Trung Quốc: biến cái không phải của mình thành cái của mình.

Ngày 27/2, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một quả địa cầu dạng quà tặng in logo VietinBank và dòng chữ “Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh Ninh Bình. Kính tặng”. Tuy nhiên, trên quả địa cầu này có những thông tin không chính xác về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (bằng tiếng Trung Quốc) khiến cư dân mạng phẫn nộ.

 Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam bị biến thành
 “Tây Sa, Nam Sa” trên quà tặng của Vietinbank.

Ông Đỗ Văn Vệ, Giám đốc Vietinbank Ninh Bình cho biết đây là sơ suất ngoài ý muốn. Thực hiện chính sách chăm sóc, tiếp thị cũng như quảng bá hình ảnh đối với những khách hàng thân thiết, năm 2009 Vietinbank Ninh Bình có mua quả cầu điện tử xuất xứ Trung Quốc để làm quà tặng. Quá trình mua chi nhánh sơ suất không quan tâm những chi tiết trên quả địa cầu. Việc tặng này xuất phát từ mục tiêu phục vụ hoạt động kinh doanh, tuyệt đối không vì động cơ về chính trị nào khác. Đơn vị cam kết thu hồi tất cả những quả cầu đã tặng khách hàng, đồng thời tiêu hủy toàn bộ số quả cầu còn trong kho và thu hồi được.

Ngày 7/2, Hải quan Đà Nẵng đã kiểm tra và thu giữ 240 lịch để bàn và ngày 27/2 tiếp tục thu giữ 240 sổ tay của Công ty TNHH TCIE (Đài Loan) có trụ sở tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) vì "Có nội dung, hình ảnh vi phạm những quy định về xuất nhập khẩu văn hóa phẩm của Nhà nước Việt Nam". Số ấn phẩm này được Công ty TNHH TCIE gửi từ cảng Kee Lung (Đài Loan) về cảng Đà Nẵng ngày 31/1 để tặng nhân viên. Bìa sau của ấn phẩm in bản đồ các nước mà công ty này đặt chi nhánh. Tuy nhiên, phần bản đồ Việt Nam lại không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng trong những ngày giáp Tết Quý Tỵ, người dân một số tỉnh đã mua phải đèn lồng Trung Quốc có in chữ Tam Sa nhưng không hề biết bởi vì không đọc được những chữ đó. Chỉ tới khi có khuyến cáo, người dân mới vội vàng gỡ xuống hoặc lấy cờ đỏ sao vàng dán trùm ra ngoài. 
 
Khi phát hiện đèn lồng có chữ Tam Sa, người dân đã dùng cờ dán ra ngoài.

Một số khách mua cây cảnh tại ngôi chùa ở quận Bình Thạnh, TP HCM mới đây cũng vừa phát hiện sản phẩm chậu cây đu đủ giả có in hình bản đồ Việt Nam nhưng không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một sản phẩm mới sản xuất và đang được bày bán tràn lan. 

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu cho rằng, Trung Quốc không nề hà bất cứ thủ đoạn nào để gieo rắc vào người dân ý nghĩ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là của họ. Họ đang cố làm mọi cách để biến cái không thành có. 
 
“Khi đã có thủ đoạn thì không việc gì họ không dám làm. Hành động in chữ “Tam Sa” trên đèn lồng, đưa ra những thông tin không chính xác về Hoàng Sa, Trường Sa trên quả địa cầu họ sản xuất… mục đích đầu tiên nhà cầm quyền Trung Quốc nhắm tới là lừa bịp, nói dối nhân dân Trung Quốc tin rằng đấy là lãnh thổ của họ. Hành động đó sẽ ngấm vào người dân Trung Quốc và nó làm cho thanh niên Trung Quốc ít hiểu biết ngộ nhận rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của họ.
 
Khi những mặt hàng đó được bán trên lãnh thổ Việt Nam thì thủ đoạn của Trung Quốc cũng nhằm mục đích làm cho thanh niên chúng ta hiểu lầm đây là lãnh thổ của Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy phân tích trên Dân Trí.

Vô tình tiếp tay cho Trung Quốc?

Những sản phẩm của Trung Quốc in sai bản đồ Việt Nam là do họ cố tình làm sai để thể hiện chủ quyền phi hợp pháp. Những người Việt đưa sản phẩm đó vào thị trường trong nước có thể do vô tình, vô ý nhưng cũng có những sản phẩm do chính người Việt làm vẫn thiếu Trường Sa, Hoàng Sa hoặc in cờ Trung Quốc, con giáp của Trung Quốc trong sách của học sinh. Đây là sản phẩm của việc làm ẩu, thiếu ý thức và thiếu trách nhiệm với xã hội. 
 
Trong thiết kế hình tròn logo motviet có rất nhiều không gian trống, hoàn toàn có diện tích để ghi lại đầy đủ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Dân Trí

Trên báo Dân Trí có đăng tải phản ánh của một bạn đọc về hình ảnh trên chiếc logo gắn trên sản phẩm thời trang của đơn vị hàng Việt Nam chất lượng cao in bản đồ Tổ quốc với dụng ý làm nổi bật cho thương hiệu mình nhưng lại bỏ quên Trường Sa và Hoàng Sa. Đó là thương hiệu thời trang motviet. Công ty này đã chọn cách thiết logo bằng hình tròn in mờ nhạt, chạy dài trong hình tròn là hình bản đồ Việt Nam màu trắng không có chủ quyền vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chạy ngang hình viết chữ  motviet. Theo độc giả này,  nếu những sản phẩm này được xuất khẩu ra nước ngoài có thể sẽ gây hiểu nhầm cho nhiều người. 

Cả tuần qua dư luận cả nước, nhất là phụ huynh có con học mầm non rất bức xúc khi phát hiện một số cuốn sách dành cho lứa tuổi này in cờ Trung Quốc. Lỗi sai này được thể hiện rõ nét qua các bức tranh, các bài học tác động đến nhận thức của trẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là những lỗi sai nghiêm trọng, cho thấy sự thiếu trách nhiệm với xã hội, độ nhạy cảm về chính trị, về thuần phong mỹ tục của dân tộc còn hạn chế. 

Chia sẻ trên báo Giáo dục Việt Nam về những cuốn sách in cờ Trung Quốc, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong khi nước bạn Trung Quốc có nhiều động thái vi phạm chủ quyền lãnh thổ trên biển thì những việc như thế này phải hết sức cẩn trọng. Thí dụ, nếu sách giáo dục tình hữu nghị thì phải có nhiều cờ của nhiều nước, lúc đó có thêm cờ Trung Quốc còn có thể khả dĩ, nhưng đây lại có duy nhất cờ Trung Quốc thì không khác gì là một hình thức tiếp tay, tuyên truyền cho tư tưởng bá quyền của Trung Quốc. 

Cũng theo ông Lâm, từ những thứ rất nhỏ như bản đồ không có Trường Sa, Hoàng Sa hay đèn lồng Trung Quốc cũng đưa sang, tức là người ta tìm mọi cách để xuyên tạc sai về chủ quyền lãnh thổ. Thế nên việc sách cho học sinh Việt mà lại in cờ Trung Quốc là không chấp nhận được, về mặt chính trị đơn thuần thì các NXB phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói là vô can, đây là một cách làm việc không cẩn trọng.

“Về mặt giáo duc: Đối với thế hệ mầm non đây là những hình ảnh khiến cho trẻ có những ấn tượng rất sâu sắc. Rõ ràng đưa hình ảnh này vào trong khi sách lại có chủ đề “Rèn trí thông minh…”, sách do người Việt Nam làm mà lại vẽ cờ Trung Quốc, tôi không biết ý đồ ở đây là gì nhưng rõ ràng là có ý đồ. Làm như vậy là chúng ta có lỗi lớn, tạo cho các em có những ấn tượng không đúng với khoa học giáo dục, có những ấn tượng sai mà sau này trong gia đình, trong cuộc sống chúng ta phải giải thích lại. 

Chúng ta đang giáo dục lòng yêu nước bắt đầu là làm quen với chữ cái “C” trong đó có chữ “Cờ” mà lại không có cờ Việt Nam thì rất vô lí, không gì có thể chối cãi, biện hộ được ở đây”, GS Lâm phân tích. 

Ông Lâm cũng khẳng định, đây không còn là chuyện trẻ con, mà thành chuyện của người lớn, ý thức cảnh giác, ý thức tự tôn dân tộc, ý thức bảo vệ tổ quốc. 

Từ câu chuyện sách cho học sinh mầm non in cờ Trung Quốc, ông Tùng cho rằng bản thân hai NXB không chỉ thu hồi sách mà phải kiểm điểm lại hoạt động của mình, ngoài những cuốn sách này còn có sai sót nào ở những cuốn khác không, phải thực sự nhìn thẳng vào sự thật, nhìn tổng thể để xây dựng lại nguyên tắc làm việc, những ai sai sót phải tự chịu trách nhiệm chứ không được dung túng. 



Thuần Lương (T.H)

Bình luận(0)